Quốc tế
Thỏa thuận khí hậu tại COP21: Cơ hội để cứu hành tinh
Sau 13 ngày đàm phán tích cực tại Paris, nhất là trong 48 giờ cuối cùng chạy nước rút, 195 quốc gia đã thống nhất giới hạn sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C. Tổng thống Mỹ Barack Obama gọi đây là thỏa thuận mạnh mẽ và mang tính lịch sử, đồng thời là cơ hội tốt nhất để cứu hành tinh với hơn 9 tỷ người...
Các nhà lãnh đạo vui mừng khi đạt được thỏa thuận. Ảnh : AFP |
Không như không khí ảm đạm khi kết thúc Hội nghị về chống biến đổi khí hậu tại Copenhagen (Đan Mạch) vào năm 2009, hội nghị lần này ở thủ đô Paris của Pháp (COP21) khép lại trong tiếng vỗ tay giòn giã và những cái ôm nhau nồng ấm.
Tiếng búa của vị chủ tọa COP21 vang lên vào tối 12-12 (sáng 13-12, giờ Việt Nam) đánh dấu sự nỗ lực của các nước nói chung và của nước chủ nhà Pháp nói riêng.
Vậy mà chỉ vài giờ trước đó, thỏa thuận tưởng như bế tắc vì các bên không tìm được tiếng nói chung, nhiều nước chủ chốt kiên quyết không nhượng bộ trong hàng loạt chính sách.
Mục tiêu tham vọng
Thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2020, xác định biến đổi khí hậu là nguy cơ khẩn cấp, nhiều khả năng không thể đảo ngược đối với xã hội loài người và trái đất.
Theo đó, các nước cam kết cắt giảm hoặc hạn chế lượng phát thải từ việc đốt cháy nhiên liệu hóa thạch, thay thế bằng nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và gió; thống nhất đặt ra mục tiêu tham vọng: giữ mức tăng của nhiệt độ toàn cầu thấp hơn 2 độ C và cố gắng đạt mục tiêu tăng thấp hơn 1,5 độ C.
Điều quan trọng là các nước phát triển có nghĩa vụ huy động mức sàn 100 tỷ USD/năm để hỗ trợ các nước đang phát triển từ nay đến năm 2020. Mức hỗ trợ này được duy trì đến năm 2025 và một mục tiêu mới sau đó sẽ được ấn định.
Tuy nhiên, một số nhà khoa học hoài nghi về mục tiêu giữ mức tăng của nhiệt độ toàn cầu thấp hơn 1,5 độ C. Nhà khoa học Pháp Jean Jouzel nói rằng, thực tế, đó là “một giấc mơ và chắc chắn việc đạt được mục tiêu là điều quá tham vọng”.
Hãng AFP cho rằng, tuy thỏa thuận Paris chưa “mở khóa” được tất cả những gì mà các nhà môi trường, nhà khoa học cũng như một số nước kỳ vọng nhưng đó đã là bước đột phá của Liên Hợp Quốc trong suốt 2 thập niên qua, khi thế giới đối mặt với sự gia tăng của hiện tượng băng tan, mực nước biển dâng cao và sa mạc hóa, có liên quan đến biến đổi khí hậu.
Với thỏa thuận lịch sử này, xem như chặng đường khó khăn nhất trong việc đàm phán đã qua, sự bất đồng giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển tạm thời được gạt bỏ. Các nước đang phát triển vốn cho rằng, những nước giàu có phải gánh trách nhiệm giải quyết tác động của biến đổi khí hậu bởi hầu hết khí nhà kính do chính “những ông lớn” này gây ra.
Trong khi đó, Mỹ khẳng định những nền kinh tế mới nổi phải chia sẻ trách nhiệm vì các nước này cũng phát thải nhiều khí nhà kính.
Thắng lợi ngoại giao lớn của Pháp
Cuối cùng thì ngày 12-12 (giờ Paris) trở thành “một ngày không chỉ mang tính lịch sử, mà còn là một ngày vì nhân loại”, như mong muốn của Tổng thống Pháp Francois Hollande. Reuters dẫn lời Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá đây là một thỏa thuận mạnh mẽ và mang tính lịch sử, đồng thời là cơ hội tốt để cứu hành tinh khỏi những tác động của biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nhận định: Thỏa thuận sẽ đưa thế giới chuyển đổi sang một nền năng lượng sạch toàn cầu.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron cũng vui mừng nhấn mạnh thỏa thuận Paris yêu cầu mọi quốc gia đều phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ tương lai cho trái đất. Ấn Độ và Trung Quốc, 2 nước đông dân nhất thế giới, cũng là 2 nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất trong số các nước đang phát triển, đều mô tả thỏa thuận Paris là “bước tiến đến tương lai tươi sáng hơn”.
Với nước chủ nhà của COP21, thỏa thuận là thắng lợi ngoại giao lớn của Paris. AFP thậm chí gọi đây là “cuộc đảo chính về ngoại giao” của Pháp. Tổng thống Hollande vui mừng ví sự đồng thuận giữa các nước là cuộc cách mạng về chống biến đổi khí hậu, thậm chí là “cuộc cách mạng đẹp và yên bình nhất”.
Theo đánh giá của giới quan sát, nỗ lực ngoại giao con thoi của Pháp, đặc biệt là của Ngoại trưởng Laurent Fabius, đã mang lại “điều kỳ lạ”, bởi nếu không thì hội nghị Paris cũng sẽ lặp lại thất bại thảm hại như ở Copenhagen.
"Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu là thành công vĩ đại đối với hành tinh và người dân địa cầu. Hôm nay, chúng ta cuối cùng có thể nói với con cháu rằng, chúng ta đã chung tay mang lại thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ mai sau" Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon |
VĨNH AN