Quốc tế

Tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

Mỹ muốn Campuchia cứng rắn hơn với Trung Quốc

08:21, 27/01/2016 (GMT+7)

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không thuyết phục được Campuchia đưa ra cam kết có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc xung quanh những tuyên bố vô lý của Bắc Kinh về chủ quyền trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh. 		                   Ảnh: AP
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) gặp gỡ Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Phnom Penh. Ảnh: AP

Ngày 26-1, Ngoại trưởng Kerry đến Campuchia, chặng dừng chân thứ hai của ông trong chuyến công du 3 nước châu Á. Cùng với chuyến thăm Lào trước đó, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ muốn tìm sự thống nhất trong lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trước thềm hội nghị cấp cao đặc biệt giữa Tổng thống Obama với ASEAN dự kiến diễn ra ở Sunnylands, bang California (Mỹ) vào tháng 2 tới.

Hãng Reuters cho biết, ông Kerry đã gặp gỡ Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Ngoại trưởng Hor Namhong trong những cuộc gặp mà ông cho là “thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Theo Thủ tướng Hun Sen, tất cả các bên liên quan đến tranh chấp cần thực thi đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hướng tới việc đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Song, bàn về việc chống lại những tuyên bố vô lý của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông, Ngoại trưởng Hor Namhong lại cho rằng, quan điểm của Campuchia không thay đổi. Theo đó, Phnom Penh muốn mỗi nước nên giải quyết tranh chấp mà không có sự tham gia của ASEAN.

Điều này khác với quan điểm của Lào nhưng lại “khớp” với quan điểm của Trung Quốc. Ông Kerry nói rằng, Thủ tướng Lào với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2016 mong muốn hiệp hội này thống nhất và không để xảy ra tình trạng quân sự hóa trên Biển Đông, đồng thời quyền tự do hàng hải phải được tôn trọng.

Mỹ tin rằng, với cương vị Chủ tịch ASEAN, Lào sẽ làm tốt hơn so với Campuchia trong việc cân bằng lợi ích của ASEAN với Trung Quốc. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng muốn vấn đề Biển Đông nên được giải quyết bằng cách đàm phán song phương thay vì đàm phán đa phương.

Khi Campuchia là Chủ tịch ASEAN năm 2012, nước này bị cho là “cản trở” hiệp hội gồm 10 nước Đông Nam Á chống lại tuyên bố thiếu căn cứ của Trung Quốc về chủ quyền ở Biển Đông. Cũng trong ngày 26-1, ông Hor Namhong lý giải, Campuchia không phải là tòa án có thể phán quyết đảo này thuộc về nước này hay nước kia (!?).

Theo Reuters, Ngoại trưởng Kerry không đề cập Biển Đông trong các tuyên bố sau những cuộc gặp ở Campuchia, nhưng nhấn mạnh rằng Mỹ và ASEAN có quan hệ đối tác chiến lược và “Campuchia đóng vai trò trong việc xác định đầy đủ mối quan hệ đó”.

Trong chuyến công cán của ông Kerry lần này, Mỹ và Campuchia đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước và hợp tác chống khủng bố, cụ thể là chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hơn nữa, việc Campuchia là một trong những nước tham dự hội nghị cấp cao giữa Tổng thống Obama với ASEAN là cơ hội để thúc đẩy sự hợp tác giữa Phnom Penh với Washington. Các doanh nghiệp Mỹ hiện xem Campuchia là một điểm đến tiềm năng để đầu tư.

Tối 26-1, ông Kerry đến Trung Quốc. Tại Bắc Kinh, vị quan chức này sẽ đề cập việc thúc giục cường quốc châu Á nỗ lực hơn để ngăn chặn chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, đồng thời tái khẳng định quan ngại của Mỹ về những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. Ông Kerry gọi chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là “một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất trên hành tinh ngày nay”.

BÌNH YÊN

.