Quốc tế

Ngày "Siêu thứ ba" ở Mỹ: Cuộc đối đầu căng thẳng

08:04, 02/03/2016 (GMT+7)

Ngày “Siêu thứ ba” đánh dấu cuộc so kè gay cấn với chiến thắng được dự báo thuộc về cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và tỷ phú Donald Trump, để cả hai giành chiếc vé đại diện đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tiến vào Nhà Trắng.

Các nhà quan sát dự đoán cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng sẽ là cuộc đua song mã giữa tỷ phú Donald Trump (trái) và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton.  				Ảnh: CNN
Các nhà quan sát dự đoán cuộc cạnh tranh vào Nhà Trắng sẽ là cuộc đua song mã giữa tỷ phú Donald Trump (trái) và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton. Ảnh: CNN

“Siêu thứ ba” là tên gọi ngày thứ ba đầu tiên của tháng 2 hoặc tháng 3 trong năm bầu cử Tổng thống Mỹ. Trong cuộc bầu cử lần này, “Siêu thứ ba” rơi vào ngày 1-3 với các cuộc bỏ phiếu diễn ra ở 12 bang cũng như vùng lãnh thổ. “Siêu thứ ba” cũng là thời điểm để các đảng Cộng hòa và Dân chủ xác định ứng viên tiềm năng nhất.

Sau “Siêu thứ ba”, số đại biểu đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ được chọn là 595 và 865. Theo đó, số phiếu của đại biểu cần thiết để một ứng viên nhận được đề cử lần lượt là 1.237 và 2.383 phiếu.
Hãng AP cho biết, trong “Siêu thứ ba” (ngày 1-3), phe Dân chủ bỏ phiếu tại Alabama, Arkansas, Georgia, Massachusetts, Oklahoma, Tennessee, Texas, Vermont, Virginia, Colorado, Minnesota và lãnh thổ Samoa.

Giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sơ bộ vào ngày 27-2 tại bang Nam Carolina, đánh bại đối thủ là ông Bernie Sanders, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton được cho là có ưu thế hơn cả để giành tấm vé đi tiếp. Bà đã củng cố được vị thế của mình. Nếu tiếp tục giành thắng lợi tại các bang Alabama, Georgia và Virginia, vị trí ứng viên của đảng Dân chủ sẽ chắc chắn thuộc về bà Clinton.

Tỷ lệ ủng hộ bà hiện là 55%, so với con số 38% dành cho ông Sanders. Để trở thành người đại diện đảng Dân chủ, bà Clinton phải có 2.383 phiếu của đại biểu. Hiện bà có ít nhất 536 phiếu, còn ông Sanders chỉ có 83 phiếu. Vì vậy, các nhà quan sát nhận định khả năng chiến thắng của bà rất lớn. Trong cuộc tranh cử vào năm 2008, cũng vào “Siêu thứ ba”, bà Clinton đã đánh bại ông Barack Obama.

Trong khi đó, ở đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump vẫn vượt lên các đối thủ còn lại và dẫn đầu trong các cuộc thăm dò tại 8/11 bang tham gia “Siêu thứ ba” (11 bang bao gồm: Alabama, Arkansas, Georgia, Massachusetts, Oklahoma, Tennessee, Texas, Vermont, Virginia, Alaska và Minnesota).

Từ một “người ngoại đạo”, ông trùm bất động sản đang trở thành ứng viên sáng giá nhất của đảng Cộng hòa. Từng thất bại ở vòng bầu cử sơ bộ tại bang Iowa, nhưng tỷ phú Trump đã giành chiến thắng ở các bang New Hampshire, Nam Carolina và mới đây nhất là Nevada, nâng số đại biểu ủng hộ ông lên 82 người.

Thăm dò của CNN cho thấy, tỷ phú 69 tuổi này dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ là 49%; tiếp đó là Marco Rubio với 16%, Ted Cruz với 15%... Theo các nhà quan sát, ông Trump sẽ giữ đà tăng tốc ấn tượng như thế trong chặng đường còn lại.

Thực tế, phe Cộng hòa đang chia rẽ sâu sắc với việc các đối thủ liên tục công kích nhau. Ông Marco Rubio, người đang xếp thứ ba (sau ông Trump và ông Cruz), đang hy vọng lội ngược dòng trong cuộc bỏ phiếu tại quê nhà - bang Florida. Song, nếu tỷ phú Trump chiến thắng ở khu vực miền nam Mỹ, nơi diễn ra nhiều cuộc cạnh tranh trong “Siêu thứ ba”, các đối thủ của ông gần như hết cơ hội.

Với những gì đang diễn ra, bức tranh cuộc đua song mã vào tháng 11 tới đang dần hiện ra. Trong đó, bà Clinton có ưu thế hơn so với ông Trump bởi nữ chính khách này từng là ngoại trưởng. Kinh nghiệm trên chính trường của bà sẽ là vũ khí tốt nhất để đánh bại ứng viên của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để nói về chân dung người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama.

Sau “Siêu thứ ba”, đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ sẽ tổ chức Đại hội đảng toàn quốc vào tháng 7 tới. Tại đại hội, mỗi đảng sẽ chính thức chọn ứng viên tổng thống và 2 ứng viên được chọn sẽ có cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình. Người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 tới sẽ kế nhiệm Tổng thống Barack Obama. 


THIÊN BÌNH

.