Quốc tế

Mỹ tăng lực lượng chống IS ở Syria

08:05, 26/04/2016 (GMT+7)

Mỹ sẽ đưa thêm 250 binh sĩ đến Syria nhằm gia tăng lực lượng chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Quyết định này được Tổng thống Barack Obama công bố tại Hannover (Đức) vào tối 25-4, khi kết thúc chuyến công cán 6 ngày ở nước ngoài.

Cảnh tượng ở Marea (Syria) tan hoang sau một vụ đánh bom do IS thực hiện. 					              Ảnh: AFP
Cảnh tượng ở Marea (Syria) tan hoang sau một vụ đánh bom do IS thực hiện. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, Mỹ bổ sung thêm 250 binh sĩ, nâng tổng số quân nhân của cường quốc này hiện có ở Syria lên khoảng 300 người. Đây sẽ là lần mở rộng lực lượng bộ binh lớn nhất của Mỹ tại Syria kể từ khi cuộc nội chiến ở đất nước này bắt đầu diễn ra.

“Để mang lại thành công, tôi phê chuẩn việc triển khai thêm 250 binh sĩ ở Syria”, ông Obama nói tại một hội chợ thương mại ở thành phố Hanover, chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của ông. Theo ông, lực lượng được bổ sung là cần thiết để huấn luyện và hỗ trợ lực lượng địa phương tiếp tục chống IS.

Không những thế, Tổng thống Obama cũng thúc giục châu Âu và các đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nỗ lực hơn nữa trong cuộc chiến chống IS (còn được gọi là ISIS, hay ISIL). “Ngay cả khi các nước châu Âu có những đóng góp quan trọng để chống ISIL thì châu Âu, NATO có thể làm được hơn nữa”, ông chủ Nhà Trắng nhấn mạnh sau cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Pháp và Ý.

Tổng thống Obama đã dùng cuộc hội đàm này để đề nghị Đức, Anh, Pháp và Ý thúc đẩy nỗ lực đóng góp cho chiến dịch chống IS và huấn luyện lực lượng địa phương. “Chúng tôi cần thêm các nước đóng góp người huấn luyện để hỗ trợ xây dựng lực lượng địa phương ở Iraq. Chúng tôi cần thêm các nước đóng góp trợ giúp kinh tế cho Iraq để đất nước này ổn định những khu vực tự do, phá vỡ vòng quay của chủ nghĩa cực đoan bạo lực và để ISIL không thể trở lại”, ông Obama nói.

IS hiện chiếm các thành phố Mosul (Iraq), Raqqa (Syria). IS vẫn được cho là mối đe dọa với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có việc nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan này nhận trách nhiệm về các vụ tấn công ở thủ đô Paris của Pháp hồi tháng 11 năm ngoái và thủ đô Brussels của Bỉ hồi tháng 3 năm nay.

Theo Reuters, ông Obama vốn cam kết rút dần khỏi các cuộc chiến tranh ở Trung Đông khi đắc cử Tổng thống lần đầu vào năm 2008. Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ, ông nhận ra rằng, cần thiết duy trì hoặc bổ sung binh sĩ để giúp giải quyết các cuộc xung đột tại Iraq, Afghanistan và Syria.

Năm ngoái, ông đưa 50 binh sĩ thuộc lực lượng đặc biệt đến Syria với sứ mệnh mà các quan chức Mỹ gọi là “chống khủng bố”. Còn bây giờ, ông bổ sung binh sĩ với sứ mệnh vận động nhiều hơn lực lượng người Arab Sunni tham gia cuộc chiến chống IS cùng các đơn vị người Kurd ở vùng đông bắc Syria. Các quan chức Mỹ cũng tin rằng, họ cần sự hỗ trợ lớn hơn từ cộng đồng dân cư phần lớn là người Arab ở trong và xung quanh khu vực Raqqa, thành phố được xem là “thủ đô” của IS tại Syria, để có thể bắt đầu đợt tấn công cuối cùng quét sạch nhóm chiến binh này.

Theo Phó cố vấn an ninh quốc gia Ben Rhodes, lực lượng Mỹ được đưa đến Syria với “sứ mệnh chiến đấu”.

Một tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter công bố thêm hơn 200 binh sĩ nước này sẽ đến Iraq, nơi lực lượng địa phương đang chống IS.

Vấn đề Syria cũng là nội dung chính trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến công du của ông Obama lần này. Điều này cho thấy vị Tổng thống Mỹ đang chịu sức ép đáng kể từ dư luận trong nước về việc Washington cần hành động nhiều hơn để chống IS. Thực tế, trước đó, ông Obama vốn chần chừ trong việc điều binh tham chiến bởi lo ngại nguy hiểm tại vùng chiến sự.

THIÊN BÌNH

.