Quốc tế

Thiên đường thuế không mang lại lợi ích kinh tế

07:41, 12/05/2016 (GMT+7)

Vấn đề thiên đường thuế sẽ được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh về chống tham nhũng toàn cầu diễn ra ở thủ đô London của Anh. Theo đó, thông điệp được chuyển tải là sự tồn tại của các thiên đường thuế không mang lại sự giàu có hay cuộc sống tốt đẹp, cũng không mang lại lợi ích kinh tế.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tham dự hội nghị ở London. 			Ảnh: BBC
Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari (trái) và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry sẽ tham dự hội nghị ở London. Ảnh: BBC

Hôm nay (12-5), Thủ tướng Anh David Cameron chủ trì hội nghị thượng đỉnh về chống tham nhũng toàn cầu lần đầu tiên, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo 40 quốc gia cùng nhiều thể chế tài chính như Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức phi chính phủ. Theo Reuters, hội nghị sẽ bàn thảo cách thức hành động chung trong cuộc chiến chống trốn thuế và tham nhũng toàn cầu, nhất là sau khi “Tài liệu Panama” của Công ty luật Mossack Fonseca bị rò rỉ, gây chấn động về việc hàng trăm người giàu và có quyền lực trốn thuế.

Thủ tướng Cameron cho biết, ông muốn đặt nội dung chống tham nhũng vào vị trí đầu tiên trong chương trình nghị sự vì tham nhũng là “gốc rễ của nhiều vấn đề trên thế giới”. Song, nhà lãnh đạo Anh nói rằng, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không giành thắng lợi trong một đêm. “Nó đòi hỏi thời gian, lòng can đảm và sự quyết tâm để thực hiện những cải cách cần thiết”, ông Cameron nhấn mạnh.

Hơn 300 nhà kinh tế học hàng đầu ở các trường đại học, viện nghiên cứu danh tiếng trên thế giới cũng vừa gửi thư đến lãnh đạo các quốc gia toàn cầu, kêu gọi tận dụng hội nghị thượng đỉnh nói trên để thúc đẩy những bước đi quan trọng trong việc chấm dứt “kỷ nguyên của thiên đường thuế”.

Bức thư nêu rõ: Như những gì mà “Tài liệu Panama” tiết lộ, việc các thiên đường thuế bảo mật thông tin chính là nguyên nhân gia tăng nạn tham nhũng, khiến nhiều nước thất thu những khoản thuế hợp pháp. Các nhà kinh tế học cũng khẳng định các nước nghèo bị thất thoát nguồn thu thuế nhiều nhất với khoảng 170 tỷ USD/năm.

“Để xóa bỏ những bí mật về bảo mật thông tin của các thiên đường thuế, chúng ta cần những thỏa thuận mang tính toàn cầu về những vấn đề như: báo cáo công khai giữa các quốc gia, gồm cả quốc gia được xem là thiên đường thuế; các chính phủ phải bảo đảm công khai thông tin sẵn có về người sở hữu thực sự của các công ty và quỹ. Anh - nước chủ trì hội nghị thượng đỉnh - có vị thế đặc biệt để tiên phong thực hiện nhiệm vụ này”, bức thư viết.

Trong khi đó, theo tổ chức Oxfam, số tiền mà giới nhà giàu và có quyền lực đem giấu ở nước ngoài là tiền chiếm đoạt từ các khoản thuế cần thiết cho y tế và giáo dục. “Hàng triệu người nghèo trên thế giới sẽ tiếp tục là nạn nhân của nạn trốn thuế cho đến khi chính phủ các nước cùng hành động để xóa bỏ thiên đường thuế”, bà Winnie Byanyima, Giám đốc điều hành Oxfam nói.

Trong diễn biến liên quan, ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Cameron đã gặp sự cố khi ông diện kiến Nữ hoàng Elizabeth II tại Cung điện Buckingham vào ngày 10-5 và gọi Nigeria cùng Afghanistan là “những nước tham nhũng đến khó tin”. “Chúng tôi đã có một buổi họp nội các rất thành công vào sáng nay, bàn về hội nghị chống tham nhũng. Chúng tôi đã mời Nigeria, thật ra là đã mời lãnh đạo của những quốc gia tham nhũng đến khó tin tới nước Anh”, ông Cameron nói với Nữ hoàng Elizabeth II. Nhà lãnh đạo Anh còn nói tiếp: “Nigeria và Afghanistan có lẽ là hai trong số các nước tham nhũng nhất thế giới”.

Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đều tham dự hội nghị. Hai ông cũng nhận biết tình trạng tham nhũng ở nước mình và cam kết sẽ xóa sạch nạn này. Ngay khi lên nắm quyền vào năm ngoái, ông Buhari đã mở chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn.

Cũng theo AFP, trong một tuyên bố, người phát ngôn Garba Shehu của Tổng thống Buhari bày tỏ cảm giác sốc và xấu hổ bởi “cả thế giới nhìn vào những gì đang diễn ra ở đây”. Tổng thống Buhari nói rằng, ông không muốn Thủ tướng Cameron phải xin lỗi nhưng Anh có thể trả lại số tài sản mà các quan chức Nigeria đã đánh cắp và chạy đến London.

Ông Buhari đề cập trường hợp cựu Thống đốc Diepreye Alamieyeseigha của bang Bayelsa giàu dầu mỏ đã bị bắt ở London vì cáo buộc rửa tiền hồi năm 2005. Alamieyeseigha đã qua đời ở Nigeria hồi tháng 10 năm ngoái, để lại tài khoản ngân hàng và các tài sản cố định mà nước Anh chuẩn bị trả lại cho Nigeria.

Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế năm 2015, Afghanistan xếp thứ 166 về chỉ số ít tham nhũng, tức xếp thứ hai từ dưới lên. CHDCND Triều Tiên và Somalia xếp thứ 167. Nigeria xếp thứ 136.

BÌNH YÊN

.