Quốc tế
Venezuela trượt trong khủng hoảng
Các cuộc biểu tình ở Venezuela vẫn gia tăng và một cuộc thăm dò cho thấy gần 70% người dân quốc gia Nam Mỹ này nói rằng, họ muốn Tổng thống Nicolas Maduro từ chức. Giới quan sát nhận định: Nguy cơ đảo chính lật đổ ông Maduro có thể xảy ra trong năm nay.
Những người biểu tình ở thủ đô Caracas ủng hộ việc trưng cầu dân ý bất tín nhiệm đối với Tổng thống Nicolas Maduro. Ảnh: Getty Images |
Ngày 15-5 (giờ Caracas), Phó Tổng thống Venezuela Aristóbulo Istúriz tuyên bố sẽ không tiến hành trưng cầu dân ý bất tín nhiệm đối với Tổng thống Nicolas Maduro do có sự gian lận trong thủ tục liên quan cuộc bỏ phiếu này. Hãng Reuters dẫn lời ông Istúriz chỉ trích hành vi gian lận trong quá trình Liên minh Bàn đoàn kết dân chủ (MUD) đối lập thu thập 1,85 triệu chữ ký để yêu cầu tổ chức trưng cầu dân ý, đồng thời cáo buộc hành động “lừa dối thiếu trách nhiệm” của MUD.
Không những thế, ông Istúriz còn tố cáo Mỹ âm mưu phá hoại cuộc cách mạng hiện nay của Venezuela. Theo ông, “chủ nghĩa đế quốc” đang tấn công các dân tộc quyết tâm đấu tranh vì sự giải phóng và tự do của mình, trong đó có nhân dân Venezuela.
Phe đối lập luôn cho rằng, Hội đồng bầu cử quốc gia (CNE), vốn do phe cầm quyền kiểm soát, đang cố gắng sử dụng thủ tục kỹ thuật để trì hoãn cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý đến năm 2017. Bởi lẽ, khi đó, nếu Tổng thống Maduro dù bị phế truất do không đủ số phiếu nhưng cũng sẽ không có việc bầu cử sớm mà Phó Tổng thống sẽ nắm quyền nốt thời gian còn lại.
Hãng AP cho biết, để đối phó với những gì được cho là âm mưu phá hoại từ bên ngoài, Tổng thống Maduro đã ra lệnh quân đội tiến hành tập trận trong vòng 1 tuần, kể từ ngày 16-5. Trước đó, ông ban bố tình trạng khẩn cấp trên cả nước, kéo dài trong vòng 60 ngày.
Xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia, Tổng thống Maduro cam kết hoàn tất nhiệm kỳ, đồng thời cáo buộc Mỹ bí mật tạo ra một cuộc đảo chính chống lại ông và các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã đồng tình với kế hoạch này. Tổng thống Maduro nói rằng, việc ban bố tình trạng khẩn cấp nhằm chống lại âm mưu của Mỹ và OPEC muốn lật đổ ông.
Cuối tuần trước, phát biểu với báo giới, các quan chức tình báo Mỹ bày tỏ quan ngại về khủng hoảng kinh tế và chính trị ở Venezuela, đồng thời dự đoán ông Maduro sẽ không thể hoàn thành nhiệm kỳ.
Với những gì đang diễn ra, Venezuela không những đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất mà còn đang loay hoay trong cuộc khủng hoảng kinh tế kể từ khi giá dầu lao dốc. Ngày 14-5, ông Maduro ra lệnh trưng thu nhà xưởng và bắt giữ chủ các công ty không chịu sản xuất hàng hóa “do thói trưởng giả”. Trước đó, ông cũng tuyên bố mở rộng tình trạng khẩn cấp kinh tế thêm hai tháng.
Thực tế, kinh tế của Venezuela bắt đầu bị ảnh hưởng nặng nề khi giá dầu xuống dốc, minh chứng rõ nhất là con số tăng trưởng -5% vào năm ngoái; tỷ lệ lạm phát lên đến 180,9%, dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là 700% trong năm nay, kịch bản vỡ nợ đang cận kề; nạn cướp bóc xảy ra… Thêm vào đó, cuộc khủng hoảng điện trên toàn quốc càng đẩy Caracas vào bế tắc.
Theo quy định, Tổng thống Maduro sẽ bị phế truất nếu số người bỏ phiếu bất tín nhiệm ông bằng hoặc vượt quá số lượng phiếu ủng hộ ông nhận được trong cuộc bầu cử năm 2013 (tức 7,5 triệu phiếu), và ít nhất 25% số cử tri đăng ký trên toàn quốc (tương đương 4,8 triệu cử tri) phải tham gia bỏ phiếu. Nếu nhà lãnh đạo 53 tuổi thua cuộc trong cuộc trưng cầu dân ý, Venezuela sẽ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm. Hiện tại, các cuộc biểu tình vẫn diễn ra trên khắp cả nước và có đến 70% người dân nói rằng, họ muốn ông Maduro rời nhiệm sở.
Trong khi đó, ngày 16-5, khi được hỏi về kế hoạch viện trợ cho Venezuela, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế là vấn đề nội bộ của quốc gia này. Venezuela vốn được Trung Quốc rót khoảng 50 tỷ USD kể từ năm 2007.
Còn quan hệ giữa Venezuela với Mỹ vốn “băng giá” trong nhiều năm, nhất là sau khi Washington ủng hộ cuộc đảo chính năm 2002 nhằm chống lại cố Tổng thống Hugo Chavez.
PHÚC NGUYÊN