Quốc tế
Biển Đông phủ bóng đối thoại Mỹ - Trung
Mỹ muốn cùng Trung Quốc nỗ lực tìm giải pháp ngoại giao đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (giữa) gặp gỡ Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung. Ảnh: AFP |
Vấn đề Biển Đông sau khi “nóng” lên tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore trong 3 ngày (từ ngày 3 đến 5-6) thì tiếp tục chiếm lĩnh diễn đàn Đối thoại chiến lược và kinh tế Mỹ - Trung (S&ED) lần thứ 8, khai mạc vào sáng 6-6 ở Bắc Kinh. Đây là đối thoại thường niên giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hãng AFP dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu khai mạc Đối thoại cho rằng, nước ông và Mỹ cần tin tưởng lẫn nhau nhiều hơn, đồng thời hóa giải những khác biệt khi cả hai đều tìm giải pháp giảm thiểu căng thẳng trên Biển Đông. “Trung Quốc và Mỹ cần gia tăng sự tin tưởng lẫn nhau”, ông Tập Cận Bình nói; đồng thời kêu gọi hai cường quốc nỗ lực gấp đôi để kiểm soát xung đột và tránh xét đoán sai chiến lược. Cũng theo ông Tập Cận Bình, một số tranh chấp không thể giải quyết trong thời điểm hiện tại, cả hai phía nên có thái độ thực tế và xây dựng để hướng đến những vấn đề này.
Trung Quốc hiện tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết khu vực Biển Đông, bất chấp phản đối của các nước ở Đông Nam Á. Không những thế, Bắc Kinh còn bồi đắp trái phép các đảo trên Biển Đông để dùng cho mục đích quân sự. Mỹ đã phản ứng bằng việc đưa các tàu chiến đến gần khu vực mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và động thái của Washington làm Bắc Kinh tức giận.
Phát biểu tại Đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry kêu gọi giải pháp ngoại giao để giải quyết vấn đề Biển Đông. “Chúng ta đang tìm kiếm một giải pháp hòa bình đối với tranh chấp trên Biển Đông và phản đối bất kỳ nước nào giải quyết bằng hành động đơn phương”, ông Kerry nhấn mạnh, hàm ý đề cập các hoạt động gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ không thể giải quyết vấn đề trên bằng hành động đơn phương mà phải thông qua luật pháp, ngoại giao và thương lượng.
Sự kiện S&ED diễn ra sau Đối thoại Shangri-La, diễn đàn an ninh thường niên quan trọng nhất của châu Á. Tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã cảnh báo việc Trung Quốc có những hoạt động xây dựng trái phép trên Biển Đông sẽ thúc đẩy hành động của Mỹ và các nước khác.
Căng thẳng trển Biển Đông càng gia tăng sau khi báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng hồi tuần trước đưa tin, Bắc Kinh có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực biển này. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry cho rằng, động thái như vậy sẽ bị xem là “hành động khiêu khích và gây bất ổn”.
Hiện Trung Quốc đối mặt với vụ kiện của Philippines khi Manila đệ đơn lên Tòa án trọng tài thường trực quốc tế ở The Hague (Hà Lan) chống lại Bắc Kinh. Trung Quốc “tẩy chay” các thủ tục tố tụng và khẳng định sẽ không công nhận phán quyết của tòa. Song, theo các nhà quan sát, nếu Bắc Kinh bác bỏ phán quyết thì cũng đồng nghĩa với việc không tôn trọng luật pháp quốc tế.
Đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra ở Bắc Kinh là cuộc gặp quan trọng nhất giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới và hai cường quốc quân sự. Giới quan sát cho rằng, S&ED mang lại cho Mỹ và Trung Quốc cơ hội tìm kiếm thỏa thuận và giải quyết các tranh chấp đối với hàng loạt vấn đề liên quan đến an ninh cũng như kinh tế.
Tại S&ED, Mỹ và Trung Quốc cũng trao đổi về vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Ông Kerry thúc giục Trung Quốc gây sức ép với CHDCND Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư hôm 6-1 vừa qua và liên tiếp thử tên lửa đạn đạo hồi tháng 2. Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng khác như: biến đổi khí hậu, an ninh mạng, khủng bố, hợp tác thương mại và kinh tế.
Người đứng đầu cơ quan phòng vệ Đài Loan Feng Shih-kuan ngày 6-6 khẳng định sẽ không thừa nhận bất cứ vùng nhận diện phòng không (ADIZ) nào do Trung Quốc tuyên bố thành lập tại Biển Đông. Không những thế, cơ quan này còn cảnh báo rằng, việc thành lập ADIZ sẽ làm làn sóng căng thẳng dấy lên trong khu vực. |
PHÚC NGUYÊN