Quốc tế
Nước Anh trước giờ bỏ phiếu
Ngày 23-6, người dân Anh sẽ bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về việc nước Anh sẽ ra đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU). Câu chuyện Brexit (Anh rời EU) không chỉ là chuyện của riêng nước này, bởi theo cảnh báo của các chuyên gia, hệ quả từ nó sẽ gây ảnh hưởng toàn cầu.
Một người ủng hộ chủ trương Brexit giăng cờ Anh trong cuộc tuần hành tại London. Ảnh: Reuters |
Trong tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh các nước công nghiệp phát triển (G7) vừa qua tại Nhật Bản, lãnh đạo các quốc gia thành viên đã cùng cảnh báo rằng, việc Anh rời EU sẽ là nguy cơ nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế toàn cầu. Theo đó, một phần của bản tuyên bố chung dài 32 trang của Hội nghị thượng đỉnh G7 viết: “Việc Vương quốc Anh rời EU sẽ làm đảo lộn xu thế thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như số việc làm do xu thế ấy tạo ra, và là nguy cơ nghiêm trọng hơn với sự phát triển”.
Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, mặc dù Brexit không là vấn đề chính thức trong chương trình nghị sự nhưng Thủ tướng Anh David Cameron muốn tranh thủ để góp một ảnh hưởng nào đó với những cử tri còn dao động trước cuộc trưng cầu dân ý.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng, không có điểm lạc quan nào về kinh tế nếu Anh rời EU. Ngân hàng Anh cũng nhận định: Nền kinh tế nước này sẽ lao dốc mạnh và thậm chí có thể rơi vào một giai đoạn suy thoái ngắn. Trong khi đó, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cảnh báo, những người ủng hộ xu thế Brexit sẽ phải đối mặt với việc phải đóng thuế tương đương với một tháng lương vào năm 2020 nếu họ rời bỏ EU.
FED lo ngại
Trong bài phát biểu ngày 6-6, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), bà Janet Yellen cho biết, việc Anh rời EU là một trong những yếu tố quan trọng để FED cân nhắc chuyện có tăng lãi suất hay không. Cuộc họp tiếp theo của FED bàn về lãi suất sẽ diễn ra vào ngày 14 và 15-6 tới. Tháng 12 năm ngoái, lần đầu tiên trong 9 năm FED tăng lãi suất lên 0,25% và kể từ đó tới nay vẫn giữ nguyên mức tăng này.
Nếu FED không tăng lãi suất trong kỳ họp sắp tới thì khả năng đó sẽ để ngỏ trong kỳ họp vào tháng 7. Khi đó, cuộc họp sẽ diễn ra sau khi Anh đã tổ chức xong cuộc trưng cầu dân ý về chuyện Brexit vào ngày 23-6. Kết quả trưng cầu được xem là cơ hội để FED đánh giá về tác động của nó với các thị trường toàn cầu.
Một số chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, Brexit có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho nền kinh tế Mỹ. Bà Yellen nói: “Nếu Anh rời EU có thể sẽ gây ra những hậu quả kinh tế nghiêm trọng”. Nhận định của bà Yellen cũng đồng quan điểm với các chuyên gia kinh tế khác về ảnh hưởng của Brexit với nền kinh tế Mỹ.
Kịch bản nào cho Brexit?
Ngoài những tác động về kinh tế, cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh đi hay ở lại EU còn có liên hệ chặt chẽ với vận mệnh chính trị của Thủ tướng David Cameron và đảng Bảo thủ của ông.
Thủ tướng Cameron nói rằng, ông sẽ không từ chức nếu kết quả cuộc trưng cầu dân ý xuôi theo mong muốn của những người ủng hộ Brexit. Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đảng Bảo thủ tỏ ra không tin điều này. Bởi lẽ, theo họ, nếu thế, ngay sau khi có kết quả trưng cầu, quyền lực trong nội các chính phủ Anh sẽ nhanh chóng được chuyển giao cho những người ủng hộ việc rời EU.
Tại thời điểm này, khi ngày bỏ phiếu cận kề, báo Financial Times cho biết, tỷ lệ người dân đồng tình quan điểm ra đi/ ở lại EU theo điều tra của báo này là 45% so với 43%. Thăm dò của YouGov cho thấy, 45% cử tri sẽ bỏ phiếu rời đi so với 41% chọn ở lại. Theo thăm dò do hãng ICM thực hiện, con số này là 48% và 43%.
Nếu người Anh đồng ý rời EU, quá trình để Anh chính thức rút khỏi liên minh này có thể bị trì hoãn vì những tranh cãi trong nội bộ đảng Bảo thủ cũng như các đàm phán liên quan của EU. Tùy theo tính chất phức tạp của các cuộc đàm phán đó, thời gian tối đa để hoàn tất quá trình Brexit sẽ rơi vào khoảng từ 4-10 năm.
Trong trường hợp Anh vẫn tiếp tục là thành viên EU vào năm 2020, khi đó, mối quan hệ trong tương lai giữa EU với Anh sẽ lại trở thành vấn đề trung tâm tại cuộc bầu cử khóa tới.
TRẦN ĐẮC LUÂN