G20 tìm giải pháp ứng phó Covid-19

.

Bị chỉ trích phản ứng chậm với Covid-19, các nhà lãnh đạo nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) họp trực tuyến vào hôm nay (26-3) để tìm giải pháp ứng phó dịch bệnh.

Saudi Arabia cho biết, Quốc vương Salman 84 tuổi của nước này chủ trì cuộc họp nhằm thúc đẩy phản ứng phối hợp của toàn cầu đối với Covid-19.

Quốc hội Đức nhóm họp ở thủ đô Berlin ngày 25-3 hoan nghênh các bác sĩ, y tá tham gia chống dịch bệnh và thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (hơn 812 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế.  Ảnh: Getty Images
Quốc hội Đức nhóm họp ở thủ đô Berlin ngày 25-3 hoan nghênh các bác sĩ, y tá tham gia chống dịch bệnh và thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (hơn 812 tỷ USD) để hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh: Getty Images

Kế hoạch “thời chiến”

Theo AFP, cuộc họp của G20 sẽ bị tác động bởi cuộc chiến về giá dầu giữa Saudi Arabia và Nga, nói đúng hơn thì đây là cuộc chiến tranh giành thị phần dầu thế giới. Một vấn đề phủ bóng cuộc họp nữa là căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc xung quanh nguồn gốc của SARS-CoV-2.

Đầu tuần này, các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng Trung ương của các nước G20 đã thống nhất phát triển “kế hoạch hành động” nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19. Hãng Fox News dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin khẳng định, những người đồng cấp của ông đã nhất trí hành động để hỗ trợ nền kinh tế của họ và phối hợp toàn cầu khi cần thiết. Song, ông Mnuchin không nêu thông tin chi tiết.

Cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lẫn Ngân hàng thế giới (WB) đều dự đoán đại dịch sẽ dẫn đến suy thoái toàn cầu trong năm nay. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva hoan nghênh việc các nước đưa ra các gói cứu trợ khẩn cấp, nhưng kêu gọi cần hành động nhiều hơn, nhất là ở lĩnh vực tài chính. Theo Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, G20 cần thông qua kế hoạch “thời chiến”, trong đó có gói kích thích kinh tế hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ các doanh nghiệp, người lao động và hộ gia đình ở các nước đang phát triển. Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về tác động của Covid-19 và thúc giục G20 hành động không do dự.

Tổng thống Trump muốn người Mỹ trở lại làm việc

Hãng AP cho biết, ngày 24-3 (giờ Washington), Tổng thống Donald Trump và Thượng viện Mỹ đạt được thỏa thuận về dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD nhằm giảm tác động về kinh tế do dịch bệnh. Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số ở Thượng viện gọi gói cứu trợ kinh tế lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ là “khoản đầu tư vào đất nước như trong thời chiến”. Theo đó, 500 tỷ USD được chyển trực tiếp cho cá nhân và gia đình, 350 tỷ USD dưới dạng tiền vay cho doanh nghiệp nhỏ, 250 tỷ USD là bảo hiểm thất nghiệp, 500 tỷ USD dành cho các công ty thiệt hại từ dịch bệnh, ít nhất 75 tỷ USD cho các bệnh viện…

Ông Larry Kudlow, Cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống Trump, mô tả gói kích thích nói trên là biện pháp cần thiết để thúc đẩy nền kinh tế, cung cấp tiền mặt và thanh khoản, ổn định thị trường tài chính, đưa đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn. Dự kiến gói này sẽ được thông qua tại Quốc hội vào cuối tuần này và ông Trump ký ban hành.

Tổng thống Trump đang cân nhắc điều chỉnh biện pháp cách ly để người lao động Mỹ có thể trở lại làm việc và giúp nền kinh tế quay lại đúng hướng. Người đứng đầu Nhà Trắng mong muốn các doanh nghiệp Mỹ sẽ mở cửa lại vào dịp lễ Phục sinh (12-4). Thăm dò mới nhất do Ipsos/Axios công bố cho thấy, 74% số người dân Mỹ hiện ngừng tụ tập đông người, 48% hoãn các kế hoạch du lịch nên các sân bay đều vắng vẻ.

Mỹ hiện có hơn 53.000 ca mắc Covid-19 ở tất cả 50 bang, quận Columbia và các lãnh thổ khác. Ngày 29-2, Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên và đến nay có hơn 700 ca tử vong.

Đức lo thiệt hại kinh tế

Theo CNN, Quốc hội Đức ngày 25-3 thông qua gói cứu trợ trị giá 750 tỷ euro (hơn 812 tỷ USD) nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế. Ông Ralph Brinkhaus, Chủ tịch liên đảng Bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) nói rằng, đây có thể không phải là gói cứu trợ cuối cùng. Bộ trưởng Kinh tế Peter Altmaier cũng cho biết, gói này chỉ là bước khởi đầu để giải quyết cuộc khủng hoảng đối với nền kinh tế Đức.

Theo tính toán của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo, nền kinh tế Đức có thể thiệt hại từ 255-729 tỷ euro. Đức hiện có hơn 32.000 người mắc Covid-19 và 154 người tử vong.

Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm chống dịch

Tại châu Á, Hàn Quốc quyết định cứu trợ khẩn cấp 42.000 tỷ won (34 tỷ USD) nhằm giảm căng thẳng tín dụng và ổn định thị trường tài chính do tác động của dịch bệnh. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tăng gấp đôi gói hỗ trợ tài chính khẩn cấp từ mức 50.000 tỷ won lên 100.000 tỷ won dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng.

Hãng Yonhap cho hay, tại cuộc họp G20, ông Moon dự kiến nói về phản ứng hiệu quả của Hàn Quốc nhằm chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng quốc tế trong việc chống Covid-19. Trong nhiều ngày qua, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc giảm. Seoul cho rằng, kết quả này là do việc xét nghiệm sớm - truy tìm (nguồn tiếp xúc) sớm và điều trị sớm.

Số ca tử vong ở Tây Ban Nha vượt Trung Quốc

Đến ngày 25-3, với việc Bộ Y tế Tây Ban Nha ghi nhận tổng cộng 3.434 người chết do Covid-19, nước này đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong, trong khi Trung Quốc đại lục có 3.281 ca.

Theo CNN, Tây Ban Nha có tổng cộng hơn 47.600 ca mắc Covid-19, trong khi Trung Quốc đại lục có hơn 81.000 ca.

Thống kê từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho hay, Ý có số người chết cao nhất với 6.820 người.
 

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.