Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số người tử vong đã vượt mốc 10.000 người khi Covid-19 có mặt ở hơn 180 quốc gia/vùng lãnh thổ tại hầu hết các châu lục, trừ Nam Cực, với gần 250.000 người nhiễm bệnh.
Phun thuốc khử trùng bên ngoài bệnh viện Cabuenes ở thành phố Gijon, Tây Ban Nha. Quốc gia này hiện có hơn 1.000 ca tử vong và gần 20.000 ca mắc Covid-19. Ảnh: Getty Images |
Báo South China Morning Post dẫn thông tin từ WHO cho hay, số ca tử vong trên toàn thế giới là 10.284. Châu Âu ghi nhận tổng cộng hơn 100.000 ca nhiễm và 4.752 ca tử vong, trong khi châu Á có hơn 94.000 ca nhiễm và 3.417 ca tử vong.
Số người chết ở Ý vượt qua Trung Quốc
Hãng tin Bloomberg cho biết, ngày 20-3, Ý ghi nhận 427 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên cao nhất thế giới với 3.405 ca, trong khi con số này ở Trung Quốc là 3.250 ca (bao gồm Trung Quốc đại lục, Hong Kong, Macau và Đài Loan). Điều đáng nói, Ý có 60 triệu dân, so với Trung Quốc có 1,3 tỷ dân. Theo Liên Hợp Quốc, với 30% số dân từ 60 tuổi trở lên, Ý có dân số già lớn thứ hai thế giới (sau Nhật Bản) và người già dễ mắc Covid-19. Ý có số ca nhiễm cao thứ hai (hơn 41.000 ca), sau Trung Quốc đại lục.
Chính phủ của Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đang xem xét mở rộng lệnh phong tỏa hầu như cả nước đến ít nhất đầu tháng 5. Các quan chức nói rằng, quyết định này phụ thuộc vào mức độ lây nhiễm và thực tế nhiều người dân Ý không tôn trọng các quy định. Chính phủ hiện yêu cầu người dân hạn chế đi lại, cấm tất cả cửa hàng hoạt động, trừ quầy tạp hóa, hiệu thuốc và trạm xăng. Song, theo báo Corriere della Sera, khoảng 40% số người dân Ý không chấp hành khuyến cáo “ở yên trong nhà”.
Bộ trưởng Nội vụ Ý Luciana Lamorgese dẫn chứng một con số khác, từ ngày 11-3 đến 17-3, cảnh sát kiểm tra hơn 1 triệu người về việc chấp hành các quy định thì có khoảng 50.000 người không tuân thủ lệnh phong tỏa.
Thủ tướng Conte dự kiến công bố các biện pháp mới trước khi lệnh phong tỏa hiện tại kết thúc vào ngày 25-3, đồng thời hứa sẽ điều 300 bác sĩ thuộc lực lượng đặc biệt mới được thành lập đến những khu vực bị ảnh hưởng dịch nghiêm trọng nhất. Các nhà chức trách ở miền bắc Ý kêu gọi ông Conte đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn và bắt buộc phong tỏa, kể cả có nguy cơ làm tăng trưởng kinh tế giảm sút. Miền bắc vốn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm quốc nội của Ý.
Tại Tây Ban Nha, Bộ Y tế nước này công bố có hơn 1.000 người chết và gần 20.000 ca nhiễm, tính đến ngày 20-3. Giới chức ở thủ đô Madrid mô tả rằng, “cứ 16 phút thì có 1 ca tử vong”. Như vậy, Tây Ban Nha trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới có số ca tử vong vì Covid-19 vượt mốc 1.000 người, sau Trung Quốc, Ý và Iran.
Pháp có 372 ca tử vong và khoảng 11.000 người nhiễm bệnh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thúc giục mọi người cân bằng giữa việc ở yên trong nhà với việc để Covid-19 hoành hành, gây tác động nghiêm trọng đến một trong những nền kinh tế lớn nhất của châu Âu. Theo nhà lãnh đạo Điện Élysée, Pháp chỉ bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid-19 nhưng phải chạy đua để ngăn dịch bệnh.
Trung Quốc: 228 ca nhiễm là người nhập cảnh
Hai ngày liên tiếp (ngày 19 và 20-3), vùng tâm dịch Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc không có ca nhiễm mới. Tuy nhiên, theo ghi nhận ngày 20-3, Trung Quốc đại lục có 39 ca nhiễm mới đều là người nhập cảnh. Trong đó, tỉnh Quảng Đông có 14 ca, Thượng Hải có 8 ca, thủ đô Bắc Kinh có 6 ca, Thiên Tân có 1 ca, Thẩm Dương có 1 ca… Tính đến nay, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 228 ca nhiễm là người nhập cảnh. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc không cho biết các trường hợp mới xác định dương tính với SARS-CoV-2 đến từ đâu, nhưng theo các quan chức địa phương, những người này đến từ Anh, Tây Ban Nha và Mỹ.
Với mối lo ngại về các trường hợp nhiễm bệnh từ nước ngoài, các Ngoại trưởng Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc họp trực tuyến vào ngày 20-3 để bàn thảo cách thức hợp tác nhằm ứng phó với đại dịch.
Hãng CNN gọi các ca nhập cảnh nhiễm bệnh là “làn sóng thứ hai” của Covid-19. Làn sóng thứ hai này có thể tấn công khi một quốc gia đã kiểm soát được tình trạng lây nhiễm trong nước, nhưng bắt đầu ghi nhận những ca bệnh bắt nguồn từ nước ngoài. Theo CNN, số ca nhiễm mới ở các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Singapore giảm đáng kể trong những tuần gần đây nhờ các biện pháp khoanh vùng và phong tỏa. Hàng chục triệu người tại Trung Quốc cũng như nhiều nước châu Á khác không được rời nhà và hạn chế đi lại đến mức tối đa.
Tuy nhiên, số ca nhiễm ngoại nhập tăng cao. Hiện nay, 10 tỉnh, thành phố của Trung Quốc và thủ đô Bắc Kinh yêu cầu cách ly toàn bộ những người từ nước ngoài về trong 14 ngày. Singapore cũng buộc khách đến quốc đảo tự cách ly 14 ngày và khuyến cáo cư dân tránh ra nước ngoài. Hàn Quốc thông báo sẽ xét nghiệm tất cả những người đến từ châu Âu, yêu cầu họ tự cách ly 14 ngày tại nhà hoặc cơ sở tập trung của chính phủ. Đối với người nước ngoài từ châu Âu đến Hàn Quốc lưu trú ngắn hạn, giới chức y tế sẽ gọi điện kiểm tra sức khỏe của họ hằng ngày.
THIÊN BÌNH