Gần hai thập niên sau khi Tòa tháp đôi ở quận Manhattan sụp đổ vì vụ tấn công trên lãnh thổ Mỹ ngày 11-9-2001, đại dịch Covid-19 đang tạo ra khủng hoảng và một lần nữa thử thách người New York.
New York bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với tất cả các bang của Mỹ. Ảnh: AFP/Getty Images |
Theo hãng AFP, những thách thức đặt ra từ khủng hoảng sau vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 hay cuộc đại suy thoái năm 2008 đều không đáng kể so với nhiệm vụ mở cửa lại “Quả táo lớn” (Big Apple - biệt danh của thành phố New York) trong thời điểm này. Vụ tấn công ngày 11-9-2001 nhằm vào Trung tâm Thương mại Thế giới khiến gần 3.000 người chết. Còn trong đại dịch Covid-19, thành phố New York có đến 16.000 người chết và khi so sánh thì người dân ở đây gọi Covid-19 là “căn bệnh ung thư chậm”.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo nói rằng, sự kiện 11-9 là “ngày đen tối nhất ở New York”. Về sự lây lan của SARS-CoV-2, ông Cuomo mô tả không có vụ nổ nào như sự kiện 11-9 nhưng vụ nổ đã thầm lặng xảy ra và tạo ra làn sóng chấn động xã hội. Cũng như ông Cuomo, người dân New York so sánh vụ 11-9 với Covid-19, đại dịch đang gây tác động nghiêm trọng đối với thành phố có hơn 8 triệu người sinh sống, cũng là thành phố có mật độ dân cư đông đúc nhất nước Mỹ (11.000 người/km2). Maggie Dubris, nhân viên y tế từng được điều động tham gia lực lượng cấp cứu đến Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 9-11-2001 bày tỏ, lúc đó cô nghĩ đã trải qua thảm họa lớn nhất đời mình, nhưng đại dịch lần này khiến cô cảm thấy sợ hãi hơn thế.
Cuối tháng 2-2020, một người phụ nữ 39 tuổi từ Iran về sân bay quốc tế John F. Kennedy ở bang New York. Ngày 1-3, người phụ nữ này có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, đánh dấu ca nhiễm đầu tiên tại New York. Ngày 2-3, một luật sư đến từ New Rochelle, ngoại ô thành phố New York, có kết quả dương tính mặc dù người này không đến bất kỳ quốc gia/vùng lãnh thổ nào đang xảy ra dịch bệnh. New York bắt đầu bước vào những ngày kinh hoàng với tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng và số ca nhiễm cũng như tử vong không ngừng tăng.
Tuy nhiên, Thống đốc Cuomo và Thị trưởng New York Bill de Blasio vẫn tin rằng dịch bệnh sẽ được kiểm soát hiệu quả. Ông Cuomo còn khẳng định hệ thống y tế của bang là “tốt nhất trên hành tinh”. Đến nay, bang New York có hơn 282.000 ca nhiễm và 22.000 người tử vong, số ca nhiễm cao hơn bất kỳ quốc gia/vùng lãnh thổ nào khác bên ngoài Mỹ.
Giữa tháng 4, Thống đốc Cuomo nhận định, giai đoạn đen tối nhất đã qua khi biểu đồ thể hiện số ca nhập viện mới mỗi ngày bắt đầu đi ngang và số ca tử vong mới liên tục giảm. Ngày 25-4, số ca tử vong ở bang New York tăng từ 422 lên 437 ca, nhưng đây là ngày thứ 6 liên tiếp số ca tử vong dưới mức 500 ca; số ca nhiễm mới là 1.100 ca.
Bang New York và thành phố New York cũng có kế hoạch dần nới lỏng lệnh phong tỏa. Ông Cuomo cho biết, thành phố New York sẽ dần trở lại công việc kinh doanh theo từng khu vực, nhưng không nêu rõ về thời gian và các điều kiện kèm theo. Theo AFP, 25.000 bar, nhà hàng, hộp đêm ở New York đang quan tâm việc các cơ sở này có được hoạt động hoàn toàn trong lúc cả thế giới vẫn trong tình trạng giãn cách xã hội hay không. “Nếu phải mở cửa lại với công suất 50%, nhiều doanh nghiệp sẽ không đủ khả năng về tài chính”, ông Andrew Rigie, Giám đốc điều hành Liên minh Khách sạn thành phố New York nói.
Đóng cửa 25.000 bar, nhà hàng, hộp đêm là một vấn đề, nhưng việc thu hút khách hàng quay trở lại còn là vấn đề lớn hơn. Nhiều doanh nghiệp chưa trả tiền thuê nhà và các hóa đơn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ chưa nhận được các khoản vay khẩn cấp từ các gói cứu trợ khổng lồ mà Quốc hội đã phê chuẩn...
Tính đến ngày 25-4, tổng số ca tử vong tại Mỹ lên đến 53.700, cao gấp 17,9 lần số người chết trong vụ khủng bố 11-9-2001. Tổng số ca nhiễm ở cường quốc này sắp chạm mốc 1 triệu. Việc phục hồi đất nước sẽ là nhiệm vụ vô cùng khó khăn đối với Tổng thống Donald Trump bởi vừa phải mở cửa trở lại nền kinh tế, vừa phải tiếp tục kiểm soát dịch bệnh. Trong khi đó, cuộc bầu cử tổng thống đang đến rất gần.
VĨNH AN