Mở cửa trở lại Người Mỹ thấy bất an

.

Trong lúc các tiểu bang rục rịch mở cửa trở lại, đa số người dân Mỹ cho rằng, không bảo đảm an toàn khi sớm ngừng các biện pháp giãn cách xã hội. Nhưng những ngày trước đó, chính người dân Mỹ đã biểu tình phản đối lệnh đóng cửa quá lâu.

Ngày 18-4, những người biểu tình đổ xuống đường phố ở Columbus (bang Ohio) phản đối lệnh phải “ở nhà” quá lâu.  Ảnh: AFP/Getty Images
Ngày 18-4, những người biểu tình đổ xuống đường phố ở Columbus (bang Ohio) phản đối lệnh phải “ở nhà” quá lâu. Ảnh: AFP/Getty Images

Trong nhiều tuần qua, chính phủ Mỹ đã nâng mức độ nguy hiểm của Covid-19 lên khi thuyết phục người dân tạm gác mọi hoạt động và hãy ở trong nhà. Giờ đây, lúc muốn mở cửa lại đất nước, Tổng thống Donald Trump đối mặt với một thách thức mới: thuyết phục người dân rằng họ vẫn an toàn khi ra ngoài và nối lại sinh hoạt thường ngày.

Theo hãng AP, các quan chức Nhà Trắng tin rằng, họ bước vào một chương mới trong phản ứng với đại dịch: chuyển từ khủng hoảng sang việc giảm thiểu và quản lý bền vững. Tuần trước, Tổng thống Trump đã công bố những chỉ dẫn của chính quyền liên bang về việc mở cửa lại nền kinh tế, giao quyền tự quyết cho các thống đốc. Ông Trump và người cấp phó của mình - Mike Pence cho rằng, Mỹ đang thành công trong việc “làm phẳng đường cong” của dịch bệnh.

Một số thống đốc đã dỡ bỏ các lệnh hạn chế, chẳng hạn ở bang Montana và Oklahoma. Thống đốc Montana Steve Bullock (đảng Dân chủ) “bật đèn xanh” để mở cửa trường học vào đầu tháng 5. Thống đốc Oklahoma Kevin Stitt (đảng Cộng hòa) cho phép các tiệm làm tóc, spa, tiệm chăm sóc thú cưng mở cửa trở lại vào ngày 24-4. Đáng chú ý, Thống đốc Georgia Brian Kemp (đảng Cộng hòa) đi đầu trong quyết định mở cửa khi cho phép nối lại hoạt động của các trung tâm thể hình, bowling, tiệm xăm, tiệm cắt tóc và nhiều doanh nghiệp nhỏ khác kể từ ngày 24-4. Động thái của các thống đốc trùng với thời điểm bầu không khí ảm đạm trên khắp nước Mỹ khi số ca nhiễm mới và tử vong không ngừng gia tăng.

Hạ viện Mỹ vừa thông qua gói cứu trợ các doanh nghiệp nhỏ và bệnh viện lên đến 484 tỷ USD nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh và tăng cường xét nghiệm. Gói cứu trợ này nâng tổng chi phí hỗ trợ của Mỹ đối với khủng hoảng Covid-19 lên gần 3.000 tỷ USD. Tổng thống Trump cam kết với người dân rằng, sẽ không lặp lại tình trạng phong tỏa cả nước. “Chúng ta sẽ không trở lại những gì chúng ta đã trải qua trong 2 tháng trước”, ông Trump nói.

Tuy nhiên, người Mỹ giờ đây có lẽ cảm thấy sợ hãi. Thăm dò do tổ chức Kaiser Family Foundation thực hiện cho thấy, 80% số người trưởng thành ở Mỹ ủng hộ việc “ở nhà”. Thống đốc New York Andrew Cuomo (thuộc đảng Dân chủ) nói: “Có một điều mà chính phủ cần khẳng định, đó là mọi người an toàn khi ra khỏi nhà. Nếu người ta không tin họ an toàn thì họ sẽ không ra ngoài”. Điều này trái ngược với các cuộc biểu tình diễn ra ở nhiều bang nhằm phản đối lệnh đóng cửa quá lâu. Nhưng theo AP và Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề công cộng (NORC), hầu hết người Mỹ không tin họ sẽ an toàn khi sớm nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại.

Đầu tháng 4, Tổng thống Trump dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ “cất cánh” nhanh chóng khi mở cửa trở lại. Song, các chuyên gia nhận định sự phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn. GS. Robert Blendon chuyên về phân tích chính trị và chính sách y tế tại Đại học Harvard cho rằng, biện pháp đóng cửa từng được các nước áp dụng, chẳng hạn chính phủ Canada đã cách ly khoảng 25.000 cư dân ở Toronto vào năm 2003 để ngăn chặn dịch SARS lây lan; và phải mất vài tuần, thậm chí vài tháng mọi người mới tự tin nối lại các hoạt động thường nhật. GS. Blendon còn cảnh báo về nguy cơ dấy lên làn sóng Covid-19 thứ hai. Cả Giám đốc Trung tâm Phòng chống và kiểm soát bệnh tật (CDC) Mỹ, ông Robert Redfield cũng cảnh báo nguy cơ cường quốc này đối mặt đợt dịch Covid-19 thứ hai dữ dội hơn.

Nói về “làn sóng thứ hai” được dự đoán có thể xảy ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11, hãng AP dẫn lời ông Trump khẳng định: “Chúng ta phải hết sức cẩn thận. Chúng ta không muốn điều đó xảy ra…”.

Ngày 23-4 (giờ Mỹ), các nhà chức trách ghi nhận thêm ít nhất 25.000 ca nhiễm và 3.000 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ lên lần lượt là 868.000 và 49.800, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins.  Tại bang New York, khoảng 16.000 trường hợp nhiễm bệnh đang được điều trị ở các bệnh viện. Trong vòng 5 tuần, 26,5 triệu người Mỹ đã nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp và cứ 6 người lao động thì có 1 người mất việc. Ở bang South Carolina, hơn 14% lực lượng lao động phải nghỉ việc.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.