Áp lực lớn với Thủ tướng Anh

.

Khi số ca tử vong do Covid-19 ở Vương quốc Anh vượt mốc 32.000 người - cao nhất ở châu Âu, áp lực đặt ra đối với Thủ tướng Boris Johnson càng lớn. Điều đau đầu là chính các nghị sĩ thuộc đảng Bảo thủ của ông cũng thúc giục nới lỏng lệnh phong tỏa.

Số người tử vong do Covid-19 tại Anh vượt mốc 32.000 người, tạo ra áp lực lớn cho Thủ tướng Boris Johnson trong việc xử lý khủng hoảng dịch bệnh. 									Ảnh: Getty Images
Số người tử vong do Covid-19 tại Anh vượt mốc 32.000 người, tạo ra áp lực lớn cho Thủ tướng Boris Johnson trong việc xử lý khủng hoảng dịch bệnh. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Boris Johnson từng cho rằng, Vương quốc Anh đã vượt qua “đỉnh dịch” nhưng vẫn đang trong “giai đoạn nguy hiểm”. Giờ đây, “giai đoạn nguy hiểm” được minh chứng bằng việc số người tử vong do Covid-19 tại Anh vượt mốc 32.000 người, cao nhất ở châu Âu và xếp thứ hai thế giới, sau Mỹ. Con số do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố tạo ra áp lực lớn cho Thủ tướng Johnson trong việc ứng phó với khủng hoảng dịch bệnh.

Theo hãng Reuters, các chính trị gia đối lập vin vào con số tử vong cao ngất ngưởng để chỉ trích chính phủ Anh chậm cung cấp thiết bị bảo hộ đầy đủ cho các bệnh viện và tiến hành xét nghiệm số lượng lớn. Các chuyên gia cảnh báo, con số tử vong thực tế do Covid-19 tại Anh có thể cao hơn thống kê được công bố chính thức. Ngoài số tử vong nói trên, Anh hiện có hơn 196.000 người nhiễm virus, theo Đại học John Hopkins (Mỹ).

Hãng Bloomberg nhận định, thách thức mà Thủ tướng Johnson đối mặt rất rõ ràng khi các nghiệp đoàn và chính trị gia đối lập yêu cầu chính phủ phải có cách thức phù hợp để bảo vệ người lao động; đồng thời, cả các nghị sĩ đảng Bảo thủ cũng thúc giục nới lỏng lệnh phong tỏa, vốn được áp dụng từ tối 23-3 nhằm ngăn người dân rời khỏi nhà. Ông Graham Brady, Chủ tịch Ủy ban 1922, cơ quan nội chính của đảng Bảo thủ đề nghị ông Johnson nới lỏng phong tỏa và cho các doanh nghiệp lịch trình hoạt động trở lại. Ông Keir Starmer, Chủ tịch Công đảng đối lập cho rằng, chính phủ đã sai lầm ngay ở giai đoạn đầu xảy ra khủng hoảng Covid-19. “Chính phủ đã chậm áp đặt phong tỏa, chậm tiến hành xét nghiệm và chậm cung cấp trang thiết bị bảo hộ cho những người ở tuyến đầu chống dịch”, ông Starmer nói.

Theo dự báo của Viện Kinh tế và Nghiên cứu xã hội quốc gia Anh (NIESR), kinh tế xứ sở sương mù sẽ suy giảm 7,2% trong năm nay nếu các biện pháp hạn chế tiếp tục được thực thi đến giữa tháng 5. Chính phủ đang chi trả 80% lương với mức trần 2.500 bảng Anh/tháng (khoảng 2.900 USD) cho người làm công để các công ty không sa thải nhân viên, áp dụng từ ngày 1-3 và kéo dài 3 tháng. Để làm được như vậy, Anh phải chi đến 8 tỷ bảng (10 tỷ USD).

Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak nói rằng, lệnh phong tỏa không thể kéo dài quá lâu và cảnh báo GDP của Anh có thể giảm từ 25-30% trong quý 2-2020. Song, việc thuyết phục người dân rằng họ sẽ không gặp nguy hiểm khi trở lại làm việc để phục hồi kinh tế là điều không đơn giản, nhất là khi số ca nhiễm mới và tử vong vẫn tăng. Đặc biệt, báo The Telegraph vừa đưa tin: Trước khi Anh ban bố lệnh phong tỏa cả nước, ít nhất 20.000 người mắc Covid-19 đã nhập cảnh vào đất nước này, nhưng chỉ 273 người được cách ly, nghĩa là hầu hết không qua bất kỳ khâu kiểm tra sức khỏe nào.

Thủ ướng Johnson từng phản đối việc áp dụng phong tỏa, nhưng khi hệ thống y tế của Anh quá tải, ông thay đổi quan điểm và buộc phải ban bố biện pháp hạn chế chưa từng có trong thời bình. Giờ đây, nhà lãnh đạo này dự kiến đưa ra kế hoạch vừa mở cửa trở lại một phần nền kinh tế, vừa ngăn chặn làn sóng thứ hai của Covid-19. Tuy nhiên, báo The Independent dẫn lời các chuyên gia y tế của Anh cảnh báo, việc nới lỏng phong tỏa cần được xem xét thận trọng về nguy cơ gia tăng ca nhiễm, tác động kinh tế và sức khỏe của cộng đồng, chứ không phải bất kỳ yếu tố nào khác.

Vừa hồi phục sau khi mắc Covid-19, Thủ tướng Johnson phải đương đầu với nhiều thách thức, trong đó có nguy cơ suy thoái kinh tế nghiêm trọng của đất nước, niềm tin của công chúng vào chính phủ. Hơn nữa, khủng hoảng có thể khiến Anh phải chấp nhận kéo dài thời hạn chuyển tiếp Brexit, thay vì giải quyết xong mối quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31-12-2020. Luẩn quẩn với Brexit, không có bất kỳ thỏa thuận nào để giải quyết thương mại song phương với EU - liên minh 27 thành viên là điều mà ông Johnson chẳng hề mong muốn.

Báo The Independent dẫn lời các chuyên gia y tế của Anh cảnh báo, việc nới lỏng phong tỏa cần được xem xét thận trọng về nguy cơ gia tăng ca nhiễm, tác động kinh tế và sức khỏe của cộng đồng. Vương quốc Anh hiện có hơn 196.000 ca nhiễm và 32.000 ca tử vong.

PHÚC NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.