Mỹ Latinh đối mặt làn sóng Covid-19

.

Trong lúc số ca nhiễm và tử vong do Covid-19 tiếp tục giảm ở Vương quốc Anh, châu Âu và một số bang của Mỹ, tâm dịch chuyển hướng sang Brazil. Mỹ Latinh trở thành vùng tâm dịch mới và có thể khiến 14 triệu người ở khu vực này bị thiếu ăn.

Các nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân Covid-19 ở Santiago, Chile. Nước này có hơn 82.200 ca nhiễm và 841 ca tử vong. Ảnh: AFP/Getty Images
Các nhân viên y tế vận chuyển bệnh nhân Covid-19 ở Santiago, Chile. Nước này có hơn 82.200 ca nhiễm và 841 ca tử vong. Ảnh: AFP/Getty Images

Hãng CNN cho biết, Bộ Y tế Brazil ngày 27-5 ghi nhận hơn 20.500 ca nhiễm mới và 1.000 ca tử vong. Theo đó, nước này có tổng cộng hơn 411.800 ca nhiễm và gần 25.600 ca tử vong, đứng thứ hai thế giới (chỉ sau Mỹ). Một số chuyên gia thậm chí cảnh báo, những con số này sẽ còn tăng cao đến tháng 8. Người dân Brazil đặt câu hỏi vì sao đất nước họ lại có những ngày đen tối như vậy. Nguyên nhân được cho là các thành phố đông dân, điều kiện không hợp vệ sinh ở các khu ổ chuột, sự vắng mặt của lãnh đạo - nhất là của Tổng thống Jair Bolsonaro, việc quản lý yếu kém các quy định giãn cách xã hội… làm tình hình dịch bệnh ở quốc gia lớn nhất Nam Mỹ thêm trầm trọng.

Mấy ngày trước, TS. Michael Ryan - Giám đốc điều hành chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, “Nam Mỹ là tâm dịch mới của Covid-19”. Các phương tiện truyền thông nhận định, tâm dịch mới là cả Mỹ Latinh, hay châu Mỹ. Thực tế, Mỹ Latinh đang đối mặt với những tuần khó khăn và không dễ vượt qua “thảm họa y tế”.

Theo CNN, khi Covid-19 lan khắp châu Âu, thậm chí “gõ cửa” Văn phòng Thủ tướng Anh Boris Johnson, tràn vào thành phố New York (Mỹ), Brazil được cảnh báo thảm họa đang trên đường đến quốc gia Nam Mỹ. Thế nhưng, khi số ca nhiễm và tử vong bắt đầu gia tăng mạnh, Tổng thống Bolsonaro vẫn nói rằng, bệnh này giống cúm mùa thông thường, đồng thời luôn giảm mức độ lây nhiễm và tác động của dịch. Ông Bolsonaro công khai bác bỏ việc phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội, dù nhiều thống đốc và thị trưởng triển khai những biện pháp này. Hệ thống y tế công cộng của
Brazil - đất nước có 210 triệu dân - đối mặt với sức ép khi các bệnh viện tại những thành phố lớn đều quá tải.

Brazil đã đóng cửa biên giới đối với khách nước ngoài cho đến ngày 28-5. Giờ đây, theo báo The Telegraph, khi thời hạn đóng cửa qua đi, không một ai có thể đến Brazil trong tương lai gần bởi Covid-19 đang lây lan nhanh chóng ở các trung tâm đô thị, hay các bang đông dân, đáng chú ý là Sao Paulo, Rio de Janeiro, Pará, Mato Grosso do Sul… Tổng thống Bolsonaro muốn bắt đầu mở cửa biên giới nhưng các chính phủ Mỹ Latinh khác lo ngại động thái như vậy sẽ làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong khi đó, Peru có tổng cộng gần 136.000 ca nhiễm và hơn 3.900 ca tử vong, xếp thứ 12 của thế giới, vượt cả Trung Quốc đại lục. Chile có hơn 82.200 ca nhiễm và 841 ca tử vong, xếp vị trí 15 trong bức tranh tổng thể của thế giới về tình hình Covid-19. Tổng thống Chile Sebastián Piñera lo ngại hệ thống chăm sóc y tế của nước ông tiến “rất gần đến giới hạn” sụp đổ. Argentina có dân số khoảng 45 triệu người, hiện có gần 14.000 ca nhiễm và 500 ca tử vong. Cuối tháng 4, Argentina cấm các chuyến bay thương mại đi và đến cho tới ngày 1-9.

Ở khu vực Trung Mỹ, đất nước bị ảnh hưởng dịch bệnh nghiêm trọng nhất là Panama với hơn 11.700 ca nhiễm và 315 ca tử vong. Con số này ở Costa Rica lần lượt là 984 và 10. Costa Rica bắt đầu nới lỏng một số biện pháp kiểm soát dịch bệnh từ ngày 1-5; cho phép các nhà hát, rạp phim, phòng tập thể hình mở cửa trở lại với khung giờ nhất định. 29 công viên quốc gia và các khu bảo tồn động vật hoang dã vốn đóng cửa từ ngày 20-3 cũng đã được hoạt động lại. Các công viên quốc gia khác được hoạt động từ ngày 18-5. Song, Costa Rica cấm khách nước ngoài nhập cảnh tới ngày 15-6.

Tại Caribbean, với hơn 15.700 ca nhiễm và 474 ca tử vong, Cộng hòa Dominica bị ảnh hưởng nghiêm trọng dịch bệnh. Hầu hết các đảo nhỏ hơn ở vùng Caribbean có kế hoạch mở cửa biên giới từ đầu tháng 6. Song, Văn phòng Ngoại giao Anh vẫn khuyến cáo công dân không nên đến khu vực này nếu không thực sự cần thiết.

Chương trình Lương thực thế giới (WFP) cảnh báo, ít nhất 14 triệu người ở Mỹ Latinh sẽ bị thiếu ăn khi khu vực này trở thành vùng tâm dịch mới của Covid-19. Hãng AP dẫn lời ông Miguel Barreto, Giám đốc khu vực Mỹ Latinh của WFP nhận định: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn rất phức tạp” và gọi giai đoạn này là “đại dịch đói”.
Các chuyên gia đưa ra dẫn chứng, hàng triệu người dân Peru đang ở trong tình trạng đói nghèo, tình hình ở Chile cũng ảm đạm tương tự. Tại Nam Mỹ, hàng triệu người đang sống trong các khu ổ chuột và tỷ lệ người nghèo chiếm 30% dân số toàn khu vực. Bức tranh này sẽ càng trở nên u ám hơn với “làn sóng hủy diệt” của Covid-19.
 

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.