Israel thúc đẩy kế hoạch sáp nhập Bờ Tây

.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến bắt đầu họp nội các vào ngày 1-7 để bàn thảo về việc sáp nhập Bờ Tây theo kế  hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ.

Khu định cư Givat Zeev của Israel ở gần thành phố Ramallah, Bờ Tây.                      Ảnh: Reuters
Khu định cư Givat Zeev của Israel ở gần thành phố Ramallah, Bờ Tây. Ảnh: Reuters

Israel dự kiến sáp nhập hơn 30% diện tích các vùng đất tại Bờ Tây, bao gồm Thung lũng Jordan cũng như áp đặt chủ quyền đối với các khu định cư Do Thái. Ngày 1-7, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ bắt đầu tiến trình sáp nhập, bấp chấp sự phản đối của Liên Hợp Quốc (LHQ), châu Âu và các nước Arab.

Hãng AFP dẫn lời Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi chính phủ Israel ngừng kế hoạch nói trên. Điều phối viên đặc biệt của LHQ về Trung Đông, ông Nikolay Mladenov, nhấn mạnh kế hoạch của Israel không những bất hợp pháp mà còn “dập tắt giấc mơ hòa bình”. Ông Mladenov thúc giục Palestine: “Các bạn không thuê nhà ở đây, nơi đây là nhà của các bạn. Người dân Palestine đừng bao giờ từ bỏ, bởi vì hòa bình là điều mà tất cả chúng ta mong muốn”.

Trong một tuyên bố chung, 7 quốc gia châu Âu bao gồm Bỉ, Anh, Estonia, Pháp, Đức, Ireland và Na Uy cảnh báo, việc sáp nhập sẽ “làm suy yếu nghiêm trọng” triển vọng nối lại tiến trình hòa bình Trung Đông. “Theo luật pháp quốc tế, sáp nhập sẽ dẫn đến hệ lụy cho mối quan hệ giữa chúng tôi với Israel và sẽ không được chúng tôi công nhận”, các nước này nêu rõ. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit cho rằng, việc sáp nhập sẽ phá hủy triển vọng hòa bình trong tương lai và đe dọa sự ổn định của khu vực.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn “bật đèn xanh” cho Israel. Phát biểu với báo giới tại Washington, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định, quyết định về việc Israel mở rộng lãnh thổ là do người Israel đưa ra. Thực tế, động thái sáp nhập là một phần trong kế hoạch hòa bình Trung Đông của Tổng thống Donald Trump, còn được gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”.

Hồi tháng 1-2020, ông Trump tiết lộ kế hoạch hòa bình Trung Đông, mở đường để Israel sáp nhập những khu vực xung quanh các khu tái định cư Do Thái và Thung lũng Jordan mà nước này đã chiếm trong cuộc chiến tranh 6 ngày trong năm 1967. Theo đó, Palestine sẽ là nhà nước độc lập với thủ đô là một số khu vực ở đông Jerusalem, kèm theo những điều kiện nghiêm ngặt cụ thể, chẳng hạn người Palestine phải công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel nhưng đây lại điều mà Palestine từ trước đến nay kiên quyết bác bỏ. Ngoài ra, các nước tài trợ và nhà đầu tư sẽ đóng góp hơn 50 tỷ USD/năm để thúc đẩy kinh tế cho Palestine và các nước láng giềng Ai Cập, Jordan trong 10 năm.

Palestine phản đối mạnh mẽ “Thỏa thuận thế kỷ”, cho rằng kế hoạch này sẽ hủy hoại triển vọng của giải pháp đàm phán. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas thậm chí gọi đây là “cái tát thế kỷ” đánh vào tiến trình hòa bình Trung Đông. Tại LHQ, đại diện Palestine Riyad al-Malki chỉ trích Israel phớt lờ sự ngăn cản của cộng đồng quốc tế. Nhà ngoại giao này cảnh báo Palestine có thể đưa vấn đề ra Tòa án Công lý quốc tế và thúc giục các nước áp đặt các biện pháp trừng phạt Israel nếu Tel Aviv vẫn kiên quyết theo đuổi kế hoạch.

Trong cuộc chiến tranh 6 ngày với các nước Arab, Israel đã chiếm giữ Bờ Tây vào ngày 7-6-1967, bao gồm đông Jerusalem, và kiểm soát vùng lãnh thổ này đến nay. Tòa án Công lý quốc tế đã ra phán quyết khu Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Song, Israel xem Bờ Tây là “vùng tranh chấp”. Trong những năm qua, Israel đã xây dựng hàng loạt khu định cư ở khắp Bờ Tây, kể cả ở đông Jerusalem, cho gần 500.000 người Israel. Đây là trở ngại lớn khiến các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel luôn bế tắc. Các nghị quyết của LHQ hướng tới giải pháp công bằng, toàn diện và bền vững đối với xung đột dai dẳng Israel - Palestine cũng không làm thay đổi tình hình.


Theo hãng tin AP, những ngày tới, Tổng thống Trump sẽ quyết định có ủng hộ Thủ tướng Netanyahu thúc đẩy kế hoạch sáp nhập một phần Bờ Tây hay không. Các cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump đã nhóm họp vào ngày 24-6 (giờ Washington) tại Nhà Trắng để bàn thảo về vấn đề này. Các nhà phân tích cho rằng, ông Trump có thể đứng hoàn toàn về phía đồng minh Netanyahu, hoặc nêu quan điểm tán thành việc sáp nhập, chứ khó xảy ra kịch bản phản đối. Về phía Thủ tướng Netanyahu, nhà lãnh đạo này có thể hành động trước mùa thu năm nay khi triển vọng tái đắc cử của ông Trump không chắc chắn, còn ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden thì phản đối kế hoạch sáp nhập Bờ Tây.

Theo Reuters, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu dự kiến việc sáp nhập Bờ Tây theo từng giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1-7, Israel bắt đầu sáp nhập các khu định cư nhỏ và sau khi đàm phán hòa bình với Palestine sẽ sáp nhập những phần còn lại.

Trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Antonio Guterres thúc giục Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga nhanh chóng đảm nhận vai trò hòa giải cùng với LHQ để hình thành “Bộ Tứ”, từ đó tìm kiếm giải pháp mà cả Palestine lẫn Israel đều có thể chấp thuận và hài lòng.

PHÚC NGUYÊN

;
;
.
.
.
.
.