Kết thúc cuộc họp Tham vấn cấp Bộ trưởng Mỹ - Australia (AUSMIN) lần thứ 30 vào tối 28-7 tại thủ đô Washington (Mỹ), các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước đã ra tuyên bố chung đề cập một loạt vấn đề song phương, khu vực và quốc tế, trong đó đặc biệt bày tỏ quan ngại về diễn biến gần đây tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung nêu rõ theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở La Haye (Hà Lan) liên quan đến việc Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, Mỹ và Australia khẳng những yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông không có giá trị theo luật pháp quốc tế.
Tuyên bố nhấn mạnh Trung Quốc không thể đưa ra các yêu sách hàng hải trên Biển Đông dựa trên "đường 9 đoạn", "quyền lịch sử" hoặc toàn bộ các nhóm đảo trên Biển Đông, cho rằng hành động của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982.
Hai bên khẳng định phán quyết năm 2016 của PCA là quyết định cuối cùng và có tính ràng buộc, đồng thời nhấn mạnh tất cả các tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông phải được đưa ra và giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Mỹ và Australia bày tỏ sự ủng hộ đối với quyền khai thác hợp pháp các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi, bao gồm các dự án khai thác dầu mỏ và khí đốt lâu đời, cũng như đảm bảo nghề cá tại Biển Đông .
Tuyên bố chung cũng hoan nghênh tuyên bố gần đây của lãnh đạo Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN) khẳng định Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phải phù hợp với UNCLOS, đồng thời nhấn mạnh rằng bất cứ Bộ quy tắc nào cũng không được làm phương hại đến quyền và lợi ích của các quốc gia theo luật pháp quốc tế hoặc làm suy yếu cấu trúc khu vực. Tuyên bố cho rằng các bên cần tăng cường cam kết không tham gia các hành động làm phức tạp và leo thang căng thẳng, đặc biệt là quân sự hóa ở Biển Đông.
Ngoài vấn đề Biển Đông, tuyên bố chung của các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng hai nước cũng khẳng định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trọng tâm của liên minh Mỹ - Australia và hai nước sẽ cùng hợp tác với ASEAN, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc để duy trì một khu vực an toàn, thịnh thượng và dựa trên luật pháp quốc tế. Mỹ và Australia cũng hoan nghênh Việt Nam, trong vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, thể hiện rõ sự đi đầu trong cuộc chiến chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Về hợp tác khu vực, Mỹ và Australia tái khẳng định cam kết thúc đẩy các cuộc đối thoại 3 bên với Nhật Bản và các cuộc tham vấn 4 bên cùng với Nhật Bản và Ấn Độ. Hai bên nhấn mạnh vai trò của Hội nghị cấp cao Đông Á trong việc giải quyết những thách thức chính trị và an ninh; hoan nghênh và thừa nhận vai trò của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á (APEC) là diễn đàn kinh tế hàng đầu của khu vực góp phần củng cố sức mạnh, giúp khu vực chống đỡ trước các cú sốc kinh tế trong tương lai và giải quyết các mối đe dọa liên quan đếu sức khỏe con người, cụ thể là các bệnh truyền nhiễm, thúc đẩy đầu tư và giao thương trong khu vực.
Hai bên thể hiệp lập trường tiếp tục ủng hộ các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên nhằm phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cam kết thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng; tăng cường hợp tác chống khủng bố, ứng phó và khắc phục những tác động của đại dịch COVID-19.
Về hợp tác quốc phòng song phương, Mỹ và Australia quyết tâm tăng cường hợp tác quốc phòng và thừa nhận sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ an ninh và thịnh vượng của khu vực.
Theo Báo Tin Tức