Lebanon phải cải cách nếu muốn nhận viện trợ

.

Các nhà lãnh đạo thế giới và tổ chức quốc tế khẳng định sẽ không rót tiền để tái thiết thủ đô Beirut sau vụ nổ kinh hoàng, nếu Lebanon không cải cách về chính trị và kinh tế.

Nhiều cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra trên đường phố Beirut nhằm phản đối chính phủ Lebanon. Ảnh: AP
Nhiều cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra trên đường phố Beirut nhằm phản đối chính phủ Lebanon. Ảnh: AP

Báo The Telegraph cho biết, nhiều nước cam kết hỗ trợ “các nguồn lực chính” để giúp tái thiết Beirut sau vụ nổ vào đêm 4-8 vừa qua làm 160 người chết và 6.000 người khác bị thương. Song, những nước này tuyên bố sẽ trực tiếp hỗ trợ người dân Lebanon, dưới sự điều hành của Liên Hợp Quốc, thay vì rót tiền cho một chính phủ tham nhũng.

Các nước đưa ra cam kết đóng góp gần 300 triệu USD tại hội nghị thượng đỉnh tài trợ quốc tế vào ngày 9-8 theo hình thức trực truyến, trong lúc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo rằng tương lai của Lebanon đang lơ lửng sau vụ nổ tàn phá Beirut. “Vụ nổ ngày 4-8 như tiếng sét. Đã đến lúc phải thức tỉnh và hành động. Tương lai của Lebanon đang bị đe dọa”, ông Macron nói. Nhà lãnh đạo Điện Élysée nhấn mạnh, nếu Lebanon cải cách chính trị và kinh tế thì cộng đồng quốc tế sẽ cùng hành động hiệu quả với quốc gia này trong công tác tái thiết.  

Cũng theo báo The Telegraph, Anh cam kết đóng góp thêm 20 triệu bảng để viện trợ cho Beirut, ngoài mức 5 triệu bảng đã hứa trước đó, thông qua Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hợp Quốc. Pháp hỗ trợ Lebanon 30 triệu euro. Đức hỗ trợ khoảng 20 triệu euro. Liên minh châu Âu (EU) cam kết hỗ trợ thêm 30 triệu euro, bên cạnh 33 triệu euro đã công bố. Mỹ cam kết hỗ trợ khoảng 15 triệu USD. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cũng nêu một số cải cách cần thiết, trong đó có các bước khôi phục khả năng thanh toán nợ tài chính công và sự ổn định của hệ thống tài chính của Lebanon…

Tổng thống Pháp Macron ngoài việc thúc giục các nước rót tiền cho Beirut, còn kêu gọi điều tra độc lập, khách quan về nguyên nhân thảm họa. Trước đó, trong một tuyên bố, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng thúc giục chính phủ Lebanon điều tra toàn diện, minh bạch và Washington sẵn sàng hỗ trợ cuộc điều tra này. Tuy nhiên, Tổng thống Lebanon Michel Aoun nhanh chóng bác bỏ một cuộc điều tra quốc tế, cho rằng đây là sự lãng phí thời gian.

Tại Beirut, 3 Bộ trưởng Lebanon bao gồm: Bộ trưởng Thông tin Manal Abdel-Samad, Bộ trưởng Môi trường Damianos Kattar, Bộ trưởng Tư pháp Marie Claude Najm, đã từ chức. Nếu 7/20 bộ trưởng từ chức, nội các của Thủ tướng Hassan Diab sẽ phải từ chức và chỉ duy trì chính phủ tạm quyền. 8 nghị sĩ cũng đệ đơn từ chức, rời khỏi Quốc hội gồm 128 ghế. Từ ngày 5-8 đến nay, hàng loạt cuộc biểu tình diễn ra ở Beirut, yêu cầu chính phủ giải tán và chịu trách nhiệm vì sự tắc trách dẫn đến vụ nổ nghiêm trọng này.

Hãng AP dẫn lời bà Maha Yahya, Giám đốc Trung tâm Carnegie Trung Đông có trụ sở ở Beirut, cho rằng chính phủ Lebanon hiện tại không thể thực hiện bất kỳ cải cách nào hoặc thể hiện sự độc lập trong bầu không khí chính trị chia rẽ cao độ. “Ngay cả các bộ trưởng cũng bỏ rơi con tàu đang chìm”, bà Yahya nói.
Tuyên bố của hội nghị tài trợ do Liên Hợp Quốc và Pháp đồng chủ trì nêu rõ: “Trong thời điểm khủng khiếp này, Lebanon không đơn độc”.

Tuy nhiên, với một đất nước chìm trong nội chiến suốt 15 năm và thường bị cuốn vào các cuộc xung đột khu vực, việc dọn dẹp những gì đã xảy ra trong quá khứ là nhiệm vụ quá khó khăn giữa lúc khủng hoảng kinh tế kéo dài, chứ chưa nói đến việc tái thiết Beirut sau vụ nổ.

PHÚC NGUYÊN

 

;
;
.
.
.
.
.