Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong toàn cầu do Covid-19 giảm 20% trong tuần qua và số ca nhiễm mới cũng giảm trong 6 tuần liên tiếp. Đây là những tín hiệu lạc quan trong cuộc chiến chống Covid-19.
Hai y tá chuẩn bị tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng AstraZeneca cho người dân ở Granada, Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images |
Trong báo cáo công bố ngày 23-2 (giờ Geneva, Thụy Sĩ), WHO nêu cụ thể: Tuần vừa qua, thế giới ghi nhận 66.000 ca tử vong, giảm 20% so với tuần trước đó và có 2,4 triệu ca nhiễm mới, giảm 11% so với tuần trước đó. Theo WHO, hiện có tổng cộng hơn 110,7 triệu ca mắc Covid-19 và 2,4 triệu ca tử vong. Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm; kế đến là Brazil, Pháp, Nga và Ấn Độ. Trong khi đó, theo trang thống kê Worldometers, các con số này lần lượt là 112,7 triệu và gần 2,5 triệu.
Biến thể SARS-CoV-2 lây lan nhanh
Hãng tin CNN cho hay, báo cáo của WHO đề cập nhiều nước xác nhận số ca nhiễm mới giảm, nhưng biến thể của SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh. Chẳng hạn, biến thể mang tên B.1.1.7 được phát hiện lần đầu tại Anh nay xuất hiện ở 101 nước; biến thể B.1.351 được phát hiện đầu tiên tại Nam Phi nay có ở 51 nước; biến thể B.1.1.28.1 ít phổ biến hơn, được tìm thấy lần đầu tại Brazil và Nhật Bản, nay có mặt ở 29 nước.
Cũng theo CNN, một số chuyên gia ngày 23-2 lại dự đoán rằng, biến thể B.1.1.7 có thể làm gia tăng số ca nhiễm trong mùa xuân. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ ước tính, có đến hơn 1.880 ca nhiễm biến thể B.1.1.7 ở 45 bang tại quốc gia này. Các chuyên gia cho rằng, cách tốt nhất để ngăn chặn làn sóng này là sử dụng vắc-xin và những nỗ lực giảm thiểu khác, chẳng hạn đeo khẩu trang, thực hiện giãn cách xã hội… Thống kê của CDC Mỹ cho biết, hơn 44,5 triệu người dân đã được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin ngừa Covid-19; khoảng 19,8 triệu người đã được tiêm 2 liều, khoảng 6% dân số Mỹ.
Các quốc gia khác trên thế giới cũng đang gấp rút thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19. Theo báo The Telegraph, ở Anh, cứ 100 người thì có 27,47 liều vắc-xin đã được tiêm; trong khi trên khắp EU, con số này chỉ 6,12%. Ở Hungary, tỷ lệ là 6,7%; Pháp là 5,7% và Đức là 6,1%.
Trung Quốc làm “quá ít” trong việc điều tra dịch tễ ban đầu?
Báo The Guardian của Anh ngày 23-2 dẫn một báo cáo chưa được công bố chính thức của WHO cho biết, trong 8 tháng đầu tiên kể từ khi Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc), giới chức nước này đã hành động “quá ít” trong việc truy xét nguồn gốc dịch bệnh. Báo cáo của WHO ghi ngày 10-8-2020, tức trước khi nhóm chuyên gia của tổ chức y tế này đến Vũ Hán để điều tra nguồn gốc Covid-19 từ giữa tháng 1-2021. Báo cáo tóm tắt chuyến đi của chuyên gia WHO Peter Ben Mubarek tới Trung Quốc từ ngày 10-7-2020 đến 3-8-2020. Theo đó, các chuyên gia đã có nhiều cuộc gặp trực tiếp với phía Trung Quốc nhưng họ nhận được ít thông tin mới.
Trong một tuyên bố với The Guardian, WHO cho hay, tổ chức y tế này đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm hiểu về nguồn gốc virus “từ rất sớm”, đồng thời đã thảo luận với các nhà chức trách Trung Quốc trong suốt năm 2020 về việc cần nghiên cứu và chia sẻ thông tin. Tuyên bố nêu: “Tháng 7-2020, WHO được chính phủ Trung Quốc mời đến nước này và chúng tôi đã cử một nhóm đi “tiền trạm” để chuẩn bị cho công việc của nhóm nhà khoa học quốc tế. Một nhóm kết hợp giữa các nhà khoa học quốc tế và Trung Quốc đã bắt đầu tiến hành các cuộc họp trực tuyến vào mùa thu năm 2020”.
Đầu tháng 2-2021, nhóm chuyên gia WHO đến Viện Virus học Vũ Hán và Đại học Nông nghiệp Hoa Trung ở thành phố Vũ Hán để tìm hiểu về nguồn gốc Covid-19. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, WHO nên có những chuyến khảo sát tương tự đến các nước và khu vực khác dựa trên sự thật và trách nhiệm. Song, nhóm chuyên gia này đã kết thúc cuộc điều tra tại Vũ Hán vào ngày 9-2 mà không cung cấp bất kỳ thông tin sâu nào về nguồn gốc của Covid-19. Ông Peter Ben Mubarek nói rằng, việc xác định nguồn gốc Covid-19 chỉ dẫn tới một ổ dơi tự nhiên, nhưng không chắc chắn chúng ở Vũ Hán.
PHÚC NGUYÊN