Mỹ đang thúc đẩy nhóm các nền kinh tế G20 đạt được thỏa thuận về mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu nhằm chống xói mòn nguồn thu của Chính phủ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trao đổi với Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng ngày 29-1-2021. Ảnh: Reuters |
Hãng tin AP cho biết, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, cũng là cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (tức Ngân hàng Trung ương), bà Janet Yellen, đưa ra những quan điểm đáng chú ý về thực hiện mức thuế tối thiểu trên toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia. Trong lúc đó, chính giới Mỹ đang tranh luận sôi nổi xung quanh kế hoạch tham vọng của Tổng thống Joe Biden về việc tăng thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ 10,5% lên 21% để có nguồn thu ngân sách cho các dự án phát triển hạ tầng.
Nguồn thu ngân sách ổn định
Phát biểu tại Hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu (Chicago Council on Global Affairs) ngày 5-4, bà Yellen cho rằng, việc xây dựng chính sách thuế doanh nghiệp có sự đồng thuận của nhiều nước lớn trên thế giới “sẽ giúp bảo đảm cho các chính phủ có hệ thống thuế ổn định, tăng nguồn thu cho ngân sách đủ để đầu tư vào hàng hóa công cộng thiết yếu và phản ứng lại các cuộc khủng hoảng, và đó cũng là cách để mọi công dân tham gia chia sẻ công bằng với gánh nặng tài chính của chính phủ”.
Thực tế, theo báo The Guardian, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) mà Mỹ là thành viên cũng đang trong quá trình xây dựng một bộ nguyên tắc đánh thuế xuyên biên giới, trong đó bao gồm một mức thuế tối thiểu toàn cầu áp dụng với các tập đoàn đa quốc gia. Tuy nhiên, bà Yellen còn muốn thuyết phục các nước về một thỏa thuận đánh thuế doanh nghiệp đa quốc gia ở quy mô lớn hơn nữa, không chỉ bao gồm các thành viên G20 mà cả các nước khác.
Những tuyên bố mới của bà Yellen đánh dấu sự trở lại của nước Mỹ trong chiến lược hợp tác với các quốc gia khác sau giai đoạn “tự cô lập” dưới thời ông Donald Trump. Không nghi ngờ rằng những tuyên bố đó cho thấy quyết tâm trở lại lãnh đạo chính sách kinh tế quốc tế của Washington. “Trong 4 năm qua, chúng tôi trực tiếp chứng kiến những gì đã xảy ra khi nước Mỹ rút khỏi diễn đàn toàn cầu”, bà Yellen nói. “Nước Mỹ trên hết” không được trở thành “Nước Mỹ đơn độc”, bà nhắc tới câu khẩu hiệu biểu trưng cho cương lĩnh tranh cử và cũng là quan điểm xuyên suốt trong thời ông Donald Trump làm Tổng thống.
Bà Yellen cũng nhấn mạnh cần có sự hợp tác quốc tế trong việc xây dựng chính sách chống rửa tiền, chống các chiêu trò chuyển lợi nhuận để trốn/tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia. “Chúng ta có thể áp một mức thuế tối thiểu toàn cầu để bảo đảm nền kinh tế thế giới phát triển trên cơ sở một sân chơi bình đẳng hơn trong việc đánh thuế với các công ty đa quốc gia, thúc đẩy tiến bộ công nghệ, phát triển và thịnh vượng”, báo Financial Times trích dẫn phát biểu của bà Yellen.
Ngăn “cuộc đua xuống đáy”
Kế hoạch đề xuất của Tổng thống Joe Biden sẽ đảo ngược một số chính sách cắt giảm thuế doanh nghiệp trước đây của người tiền nhiệm, tăng thuế doanh nghiệp trong nước từ 21% lên 28%. Ngoài ra, đề xuất đó cũng sẽ có điều khoản nâng mức thuế tối thiểu phải đóng đối với phần thu nhập tại nước ngoài của các công ty Mỹ, trong khi tạo ra cơ chế khiến các công ty thuộc sở hữu nước ngoài có hoạt động tại Mỹ khó khăn hơn khi muốn điều chuyển lợi nhuận từ Mỹ tới các quốc gia có chính sách thuế doanh nghiệp ưu đãi hơn, tức các “thiên đường thuế” vốn lừng danh thế giới lâu nay như: Ireland, Luxembourg, đảo Cayman, Mauritius, Bermuda...
Cũng theo chia sẻ của bà Yellen, trong các đề xuất tuần trước, Tổng thống Biden kêu gọi cần hành động mạnh tay hơn về chính sách thuế ngay từ trong lòng nước Mỹ; trong đó có đề xuất nâng mức thuế tối thiểu áp dụng nội địa, tái khởi động những cam kết tham gia quốc tế trong vấn đề này, thừa nhận việc hợp tác với các nước khác để chấm dứt các sức ép về cạnh tranh thuế.
“Chúng tôi đang làm việc với các nước G20 để thống nhất một mức thuế doanh nghiệp cơ bản toàn cầu giúp ngăn chặn “cuộc đua xuống đáy””, bà Yellen nói. “Xuộc đua xuống đáy (nguyên gốc tiếng Anh là “race to the bottom”) là thuật ngữ chỉ sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, quốc gia, tiểu bang, bằng các cách tiêu cực như giảm chất lượng hoặc hy sinh lợi ích của người lao động để giảm giá sản phẩm xuống thấp hơn đối thủ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, có thể hiểu bà muốn nhấn mạnh tới khía cạnh chạy đua về việc hạ mức thuế doanh nghiệp của nhiều quốc gia bất chấp việc đó có thể gây thiệt hại ngân sách lớn cho các nước khác.
Tờ Wall Street Journal nhận định: Chính phủ của Tổng thống Joe Biden sẽ nỗ lực kêu gọi các nước lớn, trước hết là các nước trong nhóm G20, ủng hộ cơ chế áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu. Mức tăng thuế doanh nghiệp theo đề nghị của ông Biden nếu được phê duyệt sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 1-2022.
TRẦN ĐẮC LUÂN