Quốc tế
Ukraine xin gia nhập EU
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cùng các lãnh đạo Kiev ký đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh Nga mở rộng chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này.
Một thành viên lực lượng Ukraine hướng dẫn các phương tiện bị ùn tắc giao thông trước một điểm kiểm soát quân sự bên ngoài thủ đô Kiev ngày 28-2. Ảnh: AP |
Hãng tin Reuters cho biết, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chính thức đệ đơn xin gia nhập EU, đồng thời đề nghị khối ngay lập tức trao tư cách thành viên cho nước này theo một quy trình đặc biệt. “Chúng tôi đề nghị EU kết nạp Ukraine ngay lập tức thông qua một thủ tục đặc biệt mới. Mục tiêu của chúng tôi là được cùng (chung sống) với tất cả người châu Âu”, ông Zelensky nói.
Đề nghị của Tổng thống Zelensky được đưa ra sau khi cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine ở gần biên giới Belarus - Ukraine kết thúc vào tối 28-2 mà không đạt được kết quả cụ thể nào, ngoài việc hai bên nhất trí tiếp tục gặp nhau trong những ngày tới tại một địa điểm gần biên giới Belarus - Ba Lan.
“Không tồn tại thủ tục nhanh chóng”
Ukraine có thỏa thuận liên kết với EU nhưng Kiev muốn trở thành thành viên chính thức, điều mà Nga phản đối. EU từng cho rằng, muốn gia nhập liên minh, Kiev cần tiến hành cải cách để kiểm soát nạn tham nhũng.
Ngày 28-2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Ukraine trở thành thành viên của khối. “Ukraine thuộc về chúng tôi. Họ là một trong số chúng tôi và chúng tôi muốn Ukraine gia nhập khối”, bà Leyen nói. Tuy nhiên, bà Leyen không có quyền cấp tư cách thành viên EU cho bất kỳ quốc gia nào cũng như tư cách ứng cử viên chính thức. Ukraine muốn gia nhập EU thì phải được sự đồng ý của tất cả 27 thành viên của khối, vốn đang bất đồng sâu sắc về việc mở rộng EU.
Tổng thống của 8 quốc gia Trung Âu và Đông Âu là thành viên EU cũng công bố một thư ngỏ kêu gọi EU ngay lập tức cấp cho Ukraine tư cách ứng cử viên gia nhập khối và tổ chức các cuộc hội đàm về thành viên mới. 8 quốc gia này gồm: Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Slovakia và Slovenia. Song, theo các quan chức châu Âu, “không tồn tại thủ tục nhanh chóng như thế”.
Trong khi đó, các cường quốc Tây Âu trong EU là Đức và Pháp hạ thấp triển vọng về việc Ukraine gia nhập khối trong tương lai gần. Phát biểu tại cuộc họp báo với người đồng cấp Slovenia Anže Logar ở Berlin, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh: “Ukraine là một phần của ngôi nhà chung châu Âu và chúng tôi biết rằng nhiều người Ukraine mong muốn có quan hệ chặt chẽ hơn với EU. Tuy nhiên, mọi người đều nhận thức rằng, việc gia nhập EU không phải là điều có thể thực hiện trong một vài tháng, mà liên quan một quá trình chuyển đổi sâu rộng”. Pháp hoan nghênh nguyện vọng gia nhập EU của Ukraine nhưng cho rằng vấn đề này cần được thảo luận.
Mỹ, Anh từ chối lập vùng cấm bay ở Ukraine
Ngày 1-3, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga bước sang ngày thứ 6 với việc quân đội nước này tiến vào Kherson, miền nam Ukraine, gần với bán đảo Crimea và thiết lập các trạm kiểm tra tại ngoại ô thành phố này. Thị trưởng Kherson, ông Igor Kolykhayev, kêu gọi người dân không rời khỏi nhà trong thời gian thực hiện lệnh giới nghiêm.
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Zelensky kêu gọi phương Tây áp đặt vùng cấm bay trên toàn bộ không phận của Ukraine đối với các máy bay, trực thăng và tên lửa của Nga. Song, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói rằng, việc Mỹ thiết lập vùng cấm bay với Nga là động thái leo thang căng thẳng và đó không phải là điều mà Tổng thống Joe Biden mong muốn. Trong khi đó, Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ không chiến đấu với quân đội Nga ở Ukraine mặc dù quân đội của ông sẽ cung cấp vũ khí và gửi thêm gói hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá 350 triệu USD cho Kiev, trong đó có cả vũ khí phòng thủ sát thương.
Sau Mỹ, Anh bác bỏ đề xuất của Ukraine thiết lập vùng cấm bay đối với Nga. Theo Phó Thủ tướng Anh Dominic Raab, bước đi như vậy có nguy cơ làm xung đột lan rộng và đưa Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc đối đầu trực tiếp với các lực lượng của Nga. Thay vào đó, Anh đang phối hợp với các nước khác nhằm gây sức ép buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin phải thay đổi hướng đi.
Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đang nhóm họp ở New York (Mỹ) để bàn về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngày 2-3, Đại hội đồng sẽ tiến hành bỏ phiếu để thông qua nghị quyết yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine. Tuy nhiên, các nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chỉ mang tính biểu tượng, chứ không có tính ràng buộc thực thi.
Điều kiện gia nhập EU Một quốc gia có thể nộp đơn gia nhập Liên minh châu Âu (EU) khi đáp ứng các điều kiện nhất định, bao gồm: có nền kinh tế thị trường tự do, dân chủ ổn định và chấp nhận tất cả luật pháp của EU cũng như đồng euro. Hiện tại, có 5 quốc gia là ứng cử viên chính thức cho tư cách thành viên EU gồm: Albania, Bắc Macedonia, Montenegro, Serbia và Thổ Nhĩ Kỳ. Montenegro và Serbia đã có các cuộc đàm phán gia nhập kể từ năm 2012 và 2014 nhưng chưa có kết luận rõ ràng. EU đã “bật đèn xanh” cho Albania và Bắc Macedonia đàm phán vào năm 2020 nhưng các cuộc thảo luận vẫn chưa diễn ra. Nhiều nước muốn làm trung gian hòa giải Nga - Ukraine Theo Reuters, ngày 1-3, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev kêu gọi Nga và Ukraine đàm phán, đồng thời cho biết Kazakhstan sẵn sàng làm trung gian hòa giải nếu cần thiết. Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Israel Naftali Bennett đề xuất đóng vai trò trung gian hòa giải để mang lại hòa bình cho Ukraine. Hungary đưa ra đề xuất tương tự, cho rằng thủ đô Budapest của là địa điểm an toàn cho cả hai phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ cũng khẳng định sẵn sàng làm trung gian hướng tới một thỏa thuận ngừng bắn giữa Moscow và Kiev. |
BÌNH YÊN