Quốc tế

APEC 2022 tìm giải pháp phục hồi "xanh"

07:00, 18/11/2022 (GMT+7)

Khi lãnh đạo các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tụ họp tại Bangkok (Thái Lan) tuần này, giới quan sát kỳ vọng họ sẽ cùng thảo luận những giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư sâu hơn trong bầu không khí địa chính trị thế giới nhiều chia rẽ. Trên cương vị nước chủ nhà đăng cai APEC 2022, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha kỳ vọng có thể thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế, chính trị của xứ sở chùa vàng với 20 nền kinh tế còn lại của APEC.

Đây là kỳ diễn đàn thường niên APEC đầu tiên kể từ năm 2018 mà lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC họp mặt trực tiếp. Trong hai ngày hội nghị thượng đỉnh 18 và 19-11, lãnh đạo các nền kinh tế APEC sẽ tập trung bàn bạc, tìm kiếm giải pháp ngăn chặn giá năng lượng và thực phẩm tăng cao, khắc phục tình trạng đứt gãy hoặc gián đoạn chuỗi cung ứng.

Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo tăng trưởng tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm, từ 6,5% năm 2021 xuống còn 4% năm 2022 và 4,3% năm 2023 do tác động từ các nhân tố ảnh hưởng chính, gồm xung đột tại Ukraine, các chính sách siết chặt tín dụng toàn cầu và sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc. Tuy nhiên, Krishna Srinivasan, Giám đốc Bộ phận châu Á và Thái Bình Dương của IMF, cho biết bất chấp sự cắt giảm tăng trưởng, châu Á vẫn là một điểm sáng tương đối trong bức tranh kinh tế toàn cầu ngày càng mờ nhạt.

Kyodo dẫn các nguồn tin từ chính phủ Nhật Bản cho biết, các thành viên APEC dự kiến thông qua “những mục tiêu Bangkok” với Chiến lược về Kinh tế Sinh học, Tuần hoàn và Xanh (BCG), tức chiến lược phát triển hậu Covid-19 vì một hành tinh bền vững. Đây là lần đầu tiên APEC thiết lập những mục tiêu toàn diện về các vấn đề môi trường và khí hậu. Việc hoàn thành và thông qua BCG sẽ đưa APEC vào quỹ đạo tăng trưởng hướng tới một tương lai mạnh mẽ, cân bằng, bền vững, bao trùm và có khả năng phục hồi.

Trong bối cảnh thế giới đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng cùng lúc như hiện nay, không ngạc nhiên khi mọi sự kiện, diễn đàn đa phương khu vực hay quốc tế đều chú trọng việc tìm kiếm các giải pháp, sáng kiến phục hồi và phát triển kinh tế. Businesstimes dẫn thông cáo của văn phòng Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, các nhà lãnh đạo APEC sẽ bàn bạc về những giải pháp tăng cường phục hồi kinh tế toàn cầu thông qua thúc đẩy tăng trưởng cân bằng, bao trùm và bền vững cũng như thương mại và đầu tư. Thái Lan hy vọng diễn đàn APEC sẽ tìm giải pháp khả dĩ cho những vấn đề quan tâm lớn nhất của khu vực hiện nay là giải quyết vấn đề an ninh lương thực và năng lượng và tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, cũng như mở cửa lại biên giới cho du lịch quốc tế.

Đề cập mong muốn lâu nay của APEC về việc thông qua hiệp định khu vực thương mại tự do châu Á-Thái Bình Dương (FTAAP), Bí thư Thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan, Trưởng SOM APEC 2022 Thani Thongphakdi cho biết nước chủ nhà kỳ vọng hội nghị ít nhất sẽ đạt được đồng thuận về kế hoạch hành động giai đoạn 2023-2026 để thiết lập một khuôn khổ đối thoại lâu dài cho FTAAP, qua đó tạo động lực cho hiệp định này mang lại những lợi ích đáng kể cho các nền kinh tế thành viên APEC.

Theo giới quan sát, tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ chủ động nhấn mạnh những cam kết lâu dài về kinh tế của Washington với khu vực thông qua việc trình bày một chương trình nghị sự kinh tế toàn diện, trong đó có sáng kiến Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (IPEF) do Mỹ dẫn dắt tại khu vực.

Trong khi đó, nhắc đến vai trò của Trung Quốc, ông Koh King Kee, Chủ tịch Trung tâm Châu Á hòa nhập mới (Malaysia), cho biết Trung Quốc, nước đi đầu trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nên tận dụng tốt các nền tảng đa phương này trong việc chia sẻ bài học kinh nghiệm và chuyên môn trong các lĩnh vực này với các thành viên khác. Bên cạnh đó, Bắc Kinh có thể chia sẻ công nghệ xanh để thúc đẩy phát triển xanh và giúp các nước đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch, qua đó đóng góp to lớn cho nỗ lực toàn cầu trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.