Quốc tế

Cuộc gặp ở Davos trước các thách thức toàn cầu

06:49, 17/01/2023 (GMT+7)

Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là một trong những diễn đàn toàn cầu uy tín và hoạt động hiệu quả, thu hút sự quan tâm và tham dự của hầu hết lãnh đạo các nước lớn, đại diện các tổ chức quốc tế cũng như các tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để cùng bàn luận những vấn đề kinh tế - phát triển và thời sự toàn cầu.

WEF 2023 diễn ra từ ngày 16 đến 20-1 ở Davos (Thụy Sỹ) với chủ đề “Hợp tác trong một thế giới phân mảnh” với sự tham dự của hơn 2.700 quan khách được mời, trong đó Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres thuộc những nhân vật nổi bật nhất. Đây là một số lượng người tham dự kỷ lục từ trước đến nay tại WEF.

Cuộc gặp tại Davos diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức không nhỏ như khủng hoảng năng lượng, chi phí sinh hoạt tăng vọt, cuộc chiến thương mại, khủng hoảng khí hậu, sự gia tăng phân cực xã hội… đang làm sâu sắc thêm sự chia rẽ và chia cắt. Điều này đặt ra yêu cầu vô cùng cấp thiết mà các nhà lãnh đạo phải tập trung giải quyết các nhu cầu quan trọng và tức thời của người dân, đồng thời đặt nền móng cho một thế giới bền vững, tự cường hơn vào cuối thập niên này.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, trong bối cảnh Covid-19 vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhất là việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau 3 năm “nói không với Covid-19”, thế đối đầu kinh tế-chính trị gia tăng giữa các cường quốc, cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp diễn và xu hướng toàn cầu hóa có thể đang dần bị thế chỗ là những thách thức nghiêm trọng. Cựu Ngoại trưởng Na Uy Borge Brende nhận định, WEF2023 diễn ra trong bối cảnh địa chính trị và địa kinh tế thế giới đang có những biến chuyển phức tạp nhất trong nhiều thập niên qua. Trong khi đó, bà Karen Harris, chuyên gia kinh tế của Công ty tư vấn Bain & Company cho rằng, thế giới đang bước sang giai đoạn mới, khi xu hướng toàn cầu hóa không còn tồn tại như trước đây khi giờ đây phải đối mặt với sự rạn nứt quốc tế, chủ nghĩa dân tộc đang có xu hướng trỗi dậy và chủ nghĩa bảo hộ ngày càng tăng.

Tình trạng phân mảnh nghiêm trọng của nền kinh tế toàn cầu sau nhiều thập niên thúc đẩy hội nhập có thể làm giảm sản lượng kinh tế toàn cầu tới 7%, thậm chí 8-12% ở một số nền kinh tế. Đây là cảnh báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 15-1. IMF lưu ý rằng các nền kinh tế thị trường mới nổi và các quốc gia có thu nhập thấp có thể hứng chịu rủi ro cao nhất khi nền kinh tế toàn cầu ngày càng chuyển sang “khu vực hóa” và hệ thống thanh toán toàn cầu bị phân mảnh. Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva cảnh báo, 1/3 nền kinh tế trên toàn cầu sẽ suy thoái trong năm nay.

Để tìm hướng đi trước những thách thức đó, diễn đàn năm nay sẽ có khoảng 250 phiên thảo luận, tập trung vào 5 nhóm chủ đề lớn, bao gồm: lạm phát, nợ công cao trong bối cảnh tăng trưởng giảm; các rủi ro địa chính trị trong thế giới đa cực mới; khủng hoảng năng lượng và an ninh lương thực; ứng dụng công nghệ tạo động lực tăng trưởng; các chủ đề về xã hội như chính sách cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong hệ thống an sinh. Bên cạnh đó, cuộc xung đột tại Ukraine và những biến động địa chính trị kéo theo, vấn đề viện trợ nhân đạo và tái thiết cũng là chủ đề hàng đầu của các cuộc thảo luận.

Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành WEF, G.S Klaus Schwab cho biết, thế giới hiện đang rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng. Đã có sự phân mảnh ngày càng tăng ở cấp độ toàn cầu và sự xói mòn lòng tin giữa các quốc gia. Vì thế, giải pháp tốt nhất là các chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức cùng phối hợp với nhau để giải quyết các thách thức. Điều quan trọng và trên hết là phát triển kinh tế phải trở nên bền vững hơn và không ai bị bỏ lại phía sau.

TUYẾT MINH

.