Quốc tế

Động thái của Đức giúp hạ nhiệt xung đột ở Ukraine

09:21, 31/01/2023 (GMT+7)

Thủ tướng Đức Olaf Scholz một lần nữa bác bỏ yêu cầu của Ukraine về cung cấp máy bay chiến đấu trong bối cảnh Kiev liên tục thúc giục phương Tây cung cấp vũ khí tiên tiến hơn. Berlin cũng kêu gọi các quốc gia phương Tây không tham gia vào “cuộc đua vũ trang”, qua đó giúp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tránh tham gia trực tiếp vào xung đột ở Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong chuyến thăm Kiev vào tháng 6-2022.  Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong chuyến thăm Kiev vào tháng 6-2022. Ảnh: AFP

Tuyên bố mới nhất của nhà lãnh đạo Đức thu hút sự chú ý của dư luận khi xuất hiện những đồn đoán cho thấy Ukraine đang đứng trước nguy cơ mất dần nguồn viện trợ vũ khí từ các “ông lớn” của NATO trong lúc cuộc xung đột ở giai đoạn cao điểm.

Nói “không” với máy bay chiến đấu cho Ukraine

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Tagesspiegel ngày 29-1, Thủ tướng Scholz bác bỏ việc Đức cuối cùng sẽ nhượng bộ trước áp lực cung cấp máy bay chiến đấu, giống như bước đi của nước này đối với việc chuyển giao xe tăng trước đó. Ông Scholz nói rõ: “Câu hỏi về máy bay chiến đấu hoàn toàn chưa được tính đến. Tôi chỉ có thể khuyên các bạn không nên tham gia vào cuộc cạnh tranh liên tục để cung cấp vũ khí tinh vi”. Trong khi đó, Mỹ và Pháp không loại trừ khả năng hỗ trợ như vậy.

Có thể nói, lập trường của ông Scholz trong hoàn cảnh này thể hiện sự không hài lòng với Ukraine và nhằm ám chỉ Kiev nên ngừng đòi hỏi các nước cung cấp vũ khí với cấp độ hiện đại ngày càng cao hơn. Sở dĩ ông Scholz có động thái như vậy là do lo ngại rằng những đòi hỏi liên tục từ Ukraine có thể khiến chính quyền các nước tham gia hỗ trợ càng thêm căng thẳng. Thực tế, những đồn đoán lặp đi lặp lại gần đây về việc cung cấp vũ khí mới cho Ukraine làm xói mòn niềm tin của công chúng vào chính phủ Đức. 

Bình luận của ông Scholz được đưa ra sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Melnyk ngày 28-1 hối thúc Đức cung cấp hàng chục máy bay chiến đấu Tornado và kêu gọi cộng đồng quốc tế tham gia “liên minh máy bay chiến đấu” để viện trợ cho Ukraine, qua đó giúp họ giành lợi thế trên chiến trường. Đến nay, chưa có quốc gia nào chấp nhận yêu cầu này.

Cùng ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một lần nữa yêu cầu các nước phương Tây cung cấp cho Kiev các hệ thống vũ khí cao cấp hơn, chẳng hạn như Hệ thống tên lửa chiến thuật quân đội (ATACMS) - dòng tên lửa đạn đạo cấp chiến thuật duy nhất nằm trong biên chế quân đội Mỹ. Tuy nhiên, một số đối tác có thái độ “bảo thủ” đối với việc chuyển giao vũ khí hiện đại hơn.

Phải tiếp tục liên lạc với Nga

Song song với việc khước từ cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine để tránh gia tăng xung đột, Thủ tướng Scholz cảnh báo không nên làm tăng nguy cơ leo thang, nhất là trong lúc Moscow lên án gay gắt các cam kết cung cấp xe tăng của phương Tây cho Ukraine. “Không có xung đột giữa NATO và Nga. Chúng tôi sẽ không cho phép tình hình leo thang theo chiều hướng như vậy”, ông Scholz quả quyết.

Đáng chú ý, nhà lãnh đạo Đức lưu ý việc cần thiết phải tiếp tục điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin để duy trì kênh liên lạc mở trong lúc tình hình ở Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. “Với tôi, điều quan trọng là các cuộc thảo luận phải quay về mục tiêu chính là tìm cách chấm dứt xung đột”, ông Scholz nói. Cuộc điện đàm gần đây nhất giữa hai lãnh đạo Nga và Đức diễn ra vào đầu tháng 12-2022. Người đứng đầu Điện Kremlin khi đó kêu gọi Đức và phương Tây nói chung suy nghĩ lại về cách tiếp cận đối với vấn đề Ukraine vốn làm cho tình hình thêm căng thẳng. 

Trong khi đó, RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov, ngày 29-1 nêu rõ: “Đến nay chưa có kế hoạch về điện đàm với ông Scholz, song Tổng thống Putin luôn sẵn sàng liên lạc.” Trước đó, nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhiều lần điện đàm với Tổng thống Putin kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trước đó, sau thời gian dài chịu sức ép từ các đồng minh châu Âu và những lời kêu gọi liên tục từ Ukraine, ngày 25-1, Đức cho biết sẽ chuyển 14 xe tăng chủ lực Leopard 2 cho Ukraine, đồng thời chấp thuận đề nghị của các nước đồng minh châu Âu khác về việc cấp loại xe tăng này cho Kiev. Quyết định “bật đèn xanh” này của ông Scholz đi kèm với thông báo của Mỹ về cam kết chuyển 31 xe tăng Abrams cho Ukraine. Điều này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của Nga khi Moscow gọi việc NATO giao xe tăng chiến đấu cho Ukraine là bằng chứng rõ ràng về sự can dự của Mỹ và châu Âu vào cuộc xung đột. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel, Đức là nhà tài trợ khí tài quân sự lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ, vượt xa các cường quốc châu Âu khác như Pháp và Anh.

THƯ LÊ

.