Quốc tế
Thế giới tuần qua: Cảnh báo về 'lằn ranh đỏ' của Nga; Triều Tiên lại phóng tên lửa đạn đạo
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Crimea là “lằn ranh đỏ” của Nga; hàng loạt quốc gia phát hiện vật thể bay bí ẩn; sự sẻ chia cùng những kỳ tích sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria; căng thẳng liên quan đến vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc; cúm gia cầm trở thành mối đe doạ toàn cầu và Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ra biển là loạt sự kiện nổi bật trên thế giới trong tuần qua.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Reuters |
Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo Crimea là “lằn ranh đỏ” của Nga
Trong cuộc trao đổi qua Zoom với các chuyên gia ngày 15-2, khi được hỏi về quan điểm của Mỹ đối với việc hỗ trợ Ukraine giành lại bán đảo Crimea, Ngoại trưởng Antony Blinken nói rằng Mỹ “không khuyến khích” Kiev làm như vậy.
Ông Blinken cho biết thêm rằng trọng tâm chính của Mỹ là hỗ trợ Ukraine ở mặt trận miền Đông, còn vấn đề giành lại Crimea là quyết định riêng của Kiev. Theo Ngoại trưởng Mỹ, nỗ lực giành lại Crimea của Ukraine có thể vượt qua “lằn ranh đỏ” của Tổng thống Nga Vladimir Putin và khiến nước này phản ứng mạnh hơn.
Bình luận của Ngoại trưởng Mỹ một lần nữa củng cố quan điểm của giới chức Lầu Năm Góc đưa ra trong những tuần gần đây. Các quan chức này đều bày tỏ hoài nghi về khả năng của Kiev trong việc giành lại Crimea trong tương lai gần.
Trong đó, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nhận định xác suất Ukraine đẩy lùi toàn bộ lực lượng Nga khỏi lãnh thổ, bao gồm 4 vùng Nga mới tuyên bố sáp nhập và cả Crimea, là không cao nếu xét về mặt quân sự.
Từ lâu, Ukraine liên tục kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí tầm xa để có thể tấn công các mục tiêu nằm sâu sau chiến tuyến của Nga, trong đó có Crimea. Tuy nhiên, giới chức phương Tây vẫn lo ngại việc tấn công Crimea sẽ khiến xung đột leo thang, Moskva sẽ có phản ứng mạnh hơn.
Tháng 12-2022, Thiếu tướng Kirill Budanov, quan chức tình báo quân sự hàng đầu của Kiev, nói rằng Quân đội Ukraine sẽ tiến vào Crimea ở một thời điểm nào đó trong tương lai.
Về phần mình, Tổng thống Putin cảnh báo Moskva sẽ sử dụng tất cả các phương tiện có sẵn để bảo vệ các lãnh thổ của Nga, bao gồm cả Crimea. Sau khi có thông tin cho rằng Mỹ đang muốn hỗ trợ Kiev giành lại Crimea, Moskva cảnh báo đây sẽ là hành động vô cùng nguy hiểm.
Hàng loạt quốc gia phát hiện vật thể bay bí ẩn
Sau vụ khinh khí cầu Trung Quốc đi vào không phận Mỹ, trong tuần qua, nhiều quốc gia – gồm cả Trung Quốc và phương Tây - liên tiếp phát hiện hàng loạt vật thể bay bí ẩn.
Hôm 12-2, UFO có cấu trúc bát giác được phát hiện ở không phận bang Montana của Mỹ, giáp biên giới Canada. Tổng thống Mỹ Joe Biden ra lệnh cho tiêm kích F-16 bắn hạ UFO rơi xuống khu vực Huron. Lầu Năm Góc cho biết vật thể bay ở độ cao 6.000 m, tiềm ẩn nguy hiểm với hàng không dân dụng. Xung quanh vật thể được gắn các sợi dây treo lơ lửng nhưng không rõ mang theo những gì.
Vụ việc này đánh dấu ngày thứ 3 liên tiếp một UFO bị bắn hạ trên không phận Bắc Mỹ, sau động thái tương tự ở khu vực Yukon, miền Bắc Canada hôm 11-2 và trong không phận bang Alaska, Mỹ hôm 10-2.
Không chỉ ở Mỹ và Canada, UFO cũng xuất hiện ở châu Âu. Theo hãng tin Reuters, ngày 14-2, Moldova đã đóng cửa không phận trong 1,5 giờ để điều tra các báo cáo về UFO giống như khí cầu thời tiết ở phía Bắc nước này.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Romania cho biết hệ thống giám sát của không quân nước này phát hiện một UFO trông giống khí cầu đang bay ở độ cao 11.000 m trong không phận nước này. Bộ Quốc phòng Romania đã điều 2 máy bay phản lực MiG 21 LanceR đến khu vực Đông Nam Romania nhưng không thể xác nhận sự hiện diện của vật thể bay. Romania có chung đường biên giới với Moldova, hiện chưa rõ các khí cầu trên có liên quan gì với nhau.
Tại Trung Quốc, mạng xã hội đã lan truyền video và hình ảnh ghi lại cảnh UFO di chuyển trên bầu trời thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang hôm 13-2. Vật thể bay được cho là di chuyển tương đối nhanh, để lại một vệt sáng ở phía sau rồi biến mất.
Trước đó, hôm 12-2 giới chức Trung Quốc cũng tuyên bố chuẩn bị bắn hạ một UFO phát hiện trên bầu trời thành phố Nhật Chiếu, phía đông tỉnh Sơn Đông.
Giới chức Trung Quốc cũng chưa lên tiếng làm rõ nguồn gốc, bản chất của UFO này. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo ngày 13-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói rằng đã phát hiện khinh khí cầu của Mỹ xâm nhập trái phép vào không phận nước này hơn 10 lần kể từ tháng 1 năm ngoái. Nhà Trắng đã ra tuyên bố bác bỏ cáo buộc này.
Những sự việc trên diễn ra một tuần sau khi Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina, với cáo buộc đây là thiết bị do thám. Tuy nhiên, Nhà Trắng, Lầu Năm Góc hay chính phủ Canada dường như chưa thể đưa ra lời giải thích rõ ràng cho những gì đang xảy ra, đặt ra nhiều nghi vấn cho giới lãnh đạo quân sự và các cơ quan tình báo Mỹ.
Lực lượng cứu hộ giải cứu nạn nhân khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Antakya, tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12-2-2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Sự sẻ chia cùng những kỳ tích sau động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Hơn một tuần kể từ sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, công tác cứu hộ, cứu nạn đang diễn ra hết sức khẩn trương với sự tham gia của các đoàn cứu hộ từ nhiều nước trên thế giới.
Trận động đất này được đánh giá là một trong những thảm họa thiên nhiên lớn nhất trong thời đại hiện nay. Đã có hơn 3.000 rung chấn đo được sau khi thảm họa xảy ra. Tính đến ngày 18-2, số nạn nhân thiệt mạng trong trận động đất tại hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã vượt mốc trên 45.000 người, trong đó tại Thổ Nhĩ Kỳ là trên 39,6 nghìn người, và Syria là hơn 5,8 nghìn người.
Những ngày qua, các đội cứu hộ đã phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm hàng nghìn người còn mắc kẹt dưới đống đổ nát trong điều kiện thời tiết mùa đông khắc nghiệt. Nhưng vào lúc mà cơ hội tìm thấy những người sống sót ngày một mong manh hơn, các lực lượng cứu hộ, cứu nạn vẫn không vì thế mà bỏ cuộc.
Và những nỗ lực không ngừng nghỉ để tìm kiếm sự sống và giải cứu nạn nhân của họ đã giúp hiện thực hóa nhiều phép màu, khi mỗi ngày lại có thêm những người sống sót được đưa ra khỏi đống gạch đá, bê tông đồ sộ. Nhờ đó, lực lượng cứu hộ lại có thêm niềm tin về sự sống của rất nhiều người vẫn còn đang mắc kẹt.
Trong lần đầu tiên tham gia hoạt động tìm kiếm, cứu nạn đối với thảm hoạ thiên tai xảy ra ở rất xa lãnh thổ và phối hợp với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đã cử 100 cán bộ, chiến sỹ cùng hàng chục tấn vật chất hậu cần và tới thẳng những vùng bị thiệt hại nặng nề nhất như Adiyaman và Hatay. Trong đó có một sỹ quan trẻ chỉ 2 tuần nữa là xây dựng gia đình, nhưng vẫn xung phong quyết tâm thực hiện nhiệm vụ. Với tinh thần trách nhiệm đó, sau khi đóng quân, các cán bộ, chiến sỹ đã thực hiện nhiệm vụ ngay trong đêm và đã phối hợp giải cứu được nhiều nạn nhân. Mặc dù phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập, nhưng tất cả đều sẵn sàng làm nhiệm vụ trong thời gian dài. Nhân dân địa phương cảm kích, biết ơn đối với những đóng góp của lực lượng cứu hộ, cứu nạn Việt Nam.
Tuy nhiên, những thiệt hại của trận động đất này đang trở thành nỗi ám ảnh của những người còn sống sót sau thảm họa. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), những người sống sót sau trận động đất có thể phải đối mặt với “thảm họa thứ phát” khi giá lạnh và băng tuyết dẫn đến “tình trạng tồi tệ và khủng khiếp” vì không có nơi trú ẩn.
Không những vậy, Hiệp hội Y tế Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm lây lan sau động đất, đặc biệt là các bệnh phát sinh do thực phẩm và nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh.
Trong khi đó, cuộc xung đột kéo dài trong nhiều năm và khủng hoảng nhân đạo đang là rào cản khiến công tác hỗ trợ những người sống sót sau động đất ở Syria gặp nhiều khó khăn. Nhiều khu vực bị động đất tàn phá nặng nề nhất ở quốc gia này đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực trong hơn một thập kỷ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhận định với Syria, người dân nước này đang phải đối mặt với “ác mộng chồng ác mộng”. Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới (WFP) mô tả người dân Syria đang đối mặt với “thảm họa chồng thảm họa”.
Căng thẳng liên quan đến vụ nổ đường ống Dòng chảy phương Bắc
Tuần qua, căng thẳng giữa Nga và Mỹ lại dậy sóng sau sự việc nhà báo điều tra kỳ cựu người Mỹ Seymour Hersh cho rằng Mỹ đứng sau vụ phá hoại các đường ống Dòng chảy phương Bắc dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu hồi tháng 9-2022.
Theo nội dung đăng trên blog cá nhân của ông Hersh ngày 8-2, các thợ lặn thuộc lực lượng Hải quân Mỹ với sự giúp đỡ của Na Uy đã cài chất nổ trên các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc chạy dưới biển Baltic giữa Nga và Đức vào tháng 6-2022. Các vụ nổ xảy ra sau đó 3 tháng đã làm hư hại hệ thống đường ống khí đốt này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price ngày 15-2 đã bác bỏ cáo buộc trên. Ông khẳng định: “thông tin cáo buộc Mỹ đứng sau những gì đã xảy ra với Dòng chảy phương Bắc hoàn toàn là thông tin xuyên tạc”.
Tuy nhiên, phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc ngày 15-2 cho biết Nga sẽ triệu tập một cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào ngày 22-2 tới để thảo luận về “vụ phá hoại” các đường ống dẫn khí đốt này.
Hạ viện Nga ngày 16-2 đã nhất trí thông qua kiến nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tiến hành điều tra vụ nổ các đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc hồi năm ngoái.
Kể từ sau các vụ nổ lớn hồi tháng 9-2022, các chuyên gia đã phát hiện 4 vị trí rò rỉ trên hai tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 và 2. Trong số này, hai vị trí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Thụy Điển và hai vị trí nằm trong EEZ của Đan Mạch. Các nước phương Tây và Nga đã đổ lỗi cho nhau về các vụ nổ này. Tuy nhiên, các cuộc điều tra do chính quyền Thụy Điển, Đan Mạch và Đức thực hiện đến nay vẫn chưa quy trách nhiệm cho bất kỳ quốc gia hay chủ thể nào.
Nhân viên phun thuốc khử trùng tại một trang trại bùng phát dịch cúm gia cầm ở thị trấn Tsuno, tỉnh Miyazaki, miền Tây Nam Nhật Bản. Ảnh: KYODO/TTXVN |
Cúm gia cầm trở thành mối đe doạ toàn cầu
Các chuyên gia cảnh báo dịch cúm gia cầm sẽ không có dấu hiệu suy giảm ở các trang trại và có thể đe dọa nguồn cung thực phẩm thế giới.
Vào ngày 15-2, Argentina và Uruguay ban bố tình trạng khẩn cấp vệ sinh quốc gia sau khi các quan chức xác nhận những ca nhiễm đầu tiên tại hai quốc gia này. Argentina phát hiện virus ở chim hoang dã, trong khi những con thiên nga chết ở Uruguay cho kết quả dương tính với virus gây cúm gia cầm.
Các quốc gia bao gồm Peru, Ecuador và Bolivia trong những tháng gần đây cũng thông báo về các trường hợp cúm gia cầm đầu tiên.
Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Ecuador đã áp đặt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe động vật kéo dài 3 tháng vào hôm 29-11-2022, hai ngày sau khi trường hợp đầu tiên được phát hiện. Cơ quan này cho biết tính đến nay, hơn 1,1 triệu con gia cầm đã chết.
Trong đó, các ca cúm gia cầm ở Uruguay và Bolivia đã đẩy căn bệnh này đến gần hơn với biên giới quốc gia xuất khẩu thịt gà hàng đầu thế giới là Brazil. Bộ trưởng Nông nghiệp Brazil Carlos Favaro ngày 15-2 cho biết nước này đã điều tra 3 trường hợp nghi ngờ, nhưng kết quả xét nghiệm cho kết quả âm tính.
Ngoài ra, Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản cũng nằm trong số các quốc gia hứng chịu thiệt hại kỷ lục về gia cầm trong năm qua.
Ông Gregorio Torres - người đứng đầu bộ phận khoa học của Tổ chức Thú y Thế giới có trụ sở tại Paris, Pháp - cho biết các loài chim hoang dã đã lây lan dịch bệnh ra khắp thế giới rộng hơn bao giờ hết, có khả năng mang theo lượng virus kỷ lục. Ông chia sẻ virus này đã thay đổi từ những đợt bùng phát trước đó thành dạng virus có khả năng lây truyền cao hơn. Mặc dù virus có thể lây nhiễm sang người, thường là những người tiếp xúc với gia cầm bệnh, nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, nguy cơ với con người là thấp.
Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo không xác định ra biển
Ngày 18-2, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo về vùng biển phía Đông nước này.
“Triều Tiên vừa bắn một tên lửa đạn đạo không xác định về phía biển Nhật Bản”, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết.
Trong khi đó, Quân đội Hàn Quốc cho hay họ đã phát hiện vụ phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa từ khu vực Sunan của Bình Nhưỡng vào khoảng 17 giờ 22, tuyên bố sẽ “duy trì trạng thái sẵn sàng” đồng thời “hợp tác chặt chẽ với Mỹ” theo dõi sát sự việc.
Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản cũng xác nhận Triều Tiên đã phóng một vật thể có thể là tên lửa đạn đạo. Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nói tên lửa Triều Tiên “dường như đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)” của nước này ở phía tây Hokkaido.
Vụ phóng tên lửa mới nhất diễn ra sau khi Triều Tiên vừa tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân, phô diễn số lượng kỷ lục tên lửa liên lục địa (ICBM).
Động thái này diễn ra sau khi Triều Tiên hôm 17-2 cảnh báo sẽ có một phản ứng “mạnh mẽ, lâu dài chưa từng có” khi Hàn Quốc và Mỹ chuẩn bị cho các cuộc tập trận quân sự thường niên, như một phần trong nỗ lực chống lại các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng tăng từ Bình Nhưỡng.
Hai ngày trước vụ phóng tên lửa này, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng công bố sách trắng quốc phòng năm 2022, lần đầu sau 6 năm gọi Triều Tiên là “kẻ thù”, báo hiệu lập trường cứng rắn hơn với Bình Nhưỡng.
Một số nhà quan sát cho rằng vụ phóng tên lửa này nhằm mục đích phản đối loạt kế hoạch của Hàn Quốc và Mỹ tổ chức các cuộc tập trận quân sự cấp cao. Theo đó, hai đồng minh dự kiến tiến hành cuộc tập trận bàn cờ tại Lầu Năm Góc vào tuần tới, theo kịch bản Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ cũng dự kiến tổ chức cuộc tập trận Lá chắn Tự do thường kỳ vào tháng tới.
Theo Báo Tin tức