Quốc tế

Trung Quốc hứa hẹn sáng kiến hóa giải xung đột ở Ukraine

09:10, 20/02/2023 (GMT+7)

Gần tròn một năm kể từ khi xung đột Nga - Ukraine bùng phát, quan điểm của các bên liên quan vẫn tồn tại khác biệt rõ rệt. Trong khi Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố sẽ đề xuất giải pháp chính trị cụ thể thì các nước châu Âu vẫn gồng mình tính toán biện pháp trừng phạt Nga, đồng thời kêu gọi xây dựng liên minh vững chắc hơn về viện trợ vũ khí cho Kiev bất chấp khó khăn về kinh tế.

Người dân di dời khởi tòa nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công bằng tên lửa ở Dnipro (Ukraine) ngày 15-1. Ảnh: AFP
Người dân di dời khởi tòa nhà bị phá hủy sau cuộc tấn công bằng tên lửa ở Dnipro (Ukraine) ngày 15-1. Ảnh: AFP

Giải quyết xung đột phải thông qua đối thoại và tham vấn

RT dẫn lời ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại hội nghị An ninh Munich ở Đức ngày 18-2 cho biết, Trung Quốc sẽ trình bày đề xuất về giải pháp chính trị cho cuộc xung đột Nga - Ukraine vào cuối tháng này. Theo đó, ông Vương Nghị tiết lộ, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến ​​có bài phát biểu về hòa bình đúng dịp cuộc xung đột tròn một năm.

“Trung Quốc sẽ đưa ra tài liệu nêu rõ quan điểm của mình, trong đó nhắc lại các đề xuất của Tổng Bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình, bao gồm sự cần thiết phải tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tuân thủ mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc và xem xét nghiêm túc mối quan ngại an ninh chính đáng để hỗ trợ tất cả các nỗ lực đóng góp cho giải pháp hòa bình”, ông Vương Nghị nói. Bắc Kinh kêu gọi giải quyết xung đột một cách hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn, nhấn mạnh vấn đề giữa các nước không nên được giải quyết thông qua gây sức ép hoặc trừng phạt đơn phương, bởi điều đó sẽ phản tác dụng.

Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc có vị thế tốt để làm trung gian hòa bình vì nước này không phải là bên liên quan trực tiếp và Bắc Kinh không bàng quan cũng không “đổ thêm dầu vào lửa” liên quan tới xung đột. Đáng chú ý, trong lời chỉ trích ngầm hướng tới phương Tây, ông Vương Nghị lưu ý, một số bên dường như không muốn đàm phán hòa bình thành công hoặc sớm chấm dứt xung đột. “Họ có thể theo đuổi những mục tiêu chiến lược lớn hơn cả vấn đề Ukraine.”, ông Vương Nghị nhấn mạnh.

Theo RT, Trung Quốc đã từ chối tham gia chế độ trừng phạt lên Nga do phương Tây khởi xướng và tăng cường quan hệ kinh tế với Moscow. Bắc Kinh cũng ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình ở Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán này sau đó đã bị phía Ukraine đột ngột kết thúc vào mùa xuân năm ngoái, mặc dù đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc.

EU vận động mua chung vũ khí cho Ukraine

Trong cuộc gặp Thủ tướng Đức Olaf Scholz bên lề hội nghị ở Munich, ông Vương Nghị nêu rõ, Trung Quốc muốn các bên sớm ngừng bắn và chấm dứt hành động thù địch; đồng thời hy vọng Đức đóng vai trò xây dựng, giúp xoa dịu căng thẳng. Không ngạc nhiên khi Trung Quốc kêu gọi Đức xoay chuyển lập trường bởi từ chỗ thể hiện vai trò mờ nhạt trong khủng hoảng Ukraine, Berlin giờ đây lấy lại tầm ảnh hưởng khi nỗ lực dẫn dắt châu Âu định hình cuộc xung đột. Động thái này được thể hiện rõ khi Thủ tướng Scholz ngày 17-2 kêu gọi đồng minh phương Tây chuyển ngay xe tăng chủ lực sẵn có trong kho tới Ukraine và khẳng định Berlin sẽ giúp đối tác có quyết định viện trợ xe tăng, trong đó đào tạo binh sĩ Ukraine tại Đức hoặc hỗ trợ hậu cần và vật tư cho Kiev.

Và không chỉ Đức, Vương quốc Anh cũng muốn trở thành người tiên phong trong nỗ lực kêu gọi tăng cường viện trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine. Theo Sputnik, ngày 18-2, Thủ tướng Anh Rishi Sunak cho biết, Anh đã cung cấp cho Ukraine 2,8 tỷ USD trong năm 2022 và sẽ cấp khoản hỗ trợ tương tự hoặc hơn thế trong năm 2023. Đặc biệt, ông Sunak nhấn mạnh, Anh sẽ trở thành quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.

Trong diễn biến đáng chú ý khác, Liên minh châu Âu (EU) khẩn trương tìm cách để các nước thành viên hợp tác mua chung đạn dược giúp Ukraine cho nhanh hơn. Các quan chức EU cho rằng, cách tiếp cận chung sẽ hiệu quả hơn so với việc từng nước thành viên đặt mua vũ khí riêng lẻ. Ngày 18-2, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nói: “Đã đến lúc tăng tốc độ sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất các vũ khí mà Ukraine đang rất cần”. Theo đó, việc mua chung vũ khí cũng tương tự như việc EU đã từng đặt mua trước vắc-xin Covid-19. Theo Reuters, có thể EU sẽ không thể quyết định về việc mua chung vũ khí trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 20-2 nhưng thông báo sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Liên minh này đang tập trung vào việc thúc đẩy sản xuất và cơ chế góp tiền cho các giao dịch mua chung.

Trong khi đó, tình hình chiến sự có dấu hiệu tăng nhiệt khi quan chức phương Tây cho rằng Nga đã bắt đầu chiến dịch mùa xuân với các cuộc tấn công từ nhiều hướng. Giới quan sát cho rằng, con đường hòa bình vẫn còn xa khi các bên luôn nghi ngờ lẫn nhau và tiếp tục đường lối cứng rắn về vấn đề Ukraine.

NATO nêu “tối hậu thư” về việc gia nhập của Ukraine
 

RT dẫn lời Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 18-2 nêu rõ, Ukraine phải là quốc gia độc lập, có chủ quyền trước khi có thể chính thức gia nhập liên minh quân sự lớn nhất thế giới này. “Năm 2008, chúng tôi đồng ý về việc Ukraine sẽ là thành viên của liên minh và đó vẫn là lập trường của chúng tôi. Tuy nhiên, nếu Ukraine không có tư cách là nước có chủ quyền và độc lập, thì sẽ không có cách nào để thảo luận mối quan hệ NATO - Ukraine trong tương lai”, ông Stoltenberg nói.

THƯ LÊ

.