Quốc tế

Vì sao Nga dừng tham gia hiệp ước New START?

07:33, 23/02/2023 (GMT+7)

Ngày 22-2, Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) bỏ phiếu thông qua việc dừng Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) với Mỹ sau tuyên bố trước đó của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân còn lại duy nhất giữa Mỹ và Nga. Vì sao Moscow đi đến quyết định hệ trọng đó vào thời điểm này?

Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh vào tháng 5-2021. Ảnh: AFP
Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-24 Yars của Nga diễu hành qua Quảng trường Đỏ trong lễ duyệt binh vào tháng 5-2021. Ảnh: AFP

Sau Duma Quốc gia, đến lượt Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) dự kiến bỏ phiếu thông qua việc dừng hiệp ước trên vào chiều 22-2 (giờ địa phương). Động thái mới nhất của Moscow được cho là đã đưa mối quan hệ của hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên qua.

New START có gì?

Hiệp ước New START được ký kết năm 2010 giữa cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev lúc bấy giờ. kể từ đầu năm 2011, Washington và Moscow có 7 năm để giảm bớt quy mô kho vũ khí phòng thủ chiến lược của mỗi nước. Cụ thể, mỗi nước sẽ cần giới hạn số vũ khí hạt nhân ở các mức: 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng được trang bị để vận chuyển vũ khí hạt nhân; 1.550 đầu đạn hạt nhân trên các vũ khí đó và 800 các bệ phóng đã hoặc chưa triển khai. Trong số này bao gồm cả hạn mức với các vũ khí hạt nhân tầm xa của Nga có khả năng vươn tới lãnh thổ Mỹ. Theo những điều khoản hiệp ước, các nhóm thanh tra của Mỹ và Nga được phép tiến hành 18 đợt kiểm tra đột xuất tại các địa điểm hạt nhân của mỗi nước để xác minh phía bên kia có đang tuân thủ hiệp ước hay không.

Theo ông John Erath, Giám đốc chính sách cao cấp của tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm kiểm soát và không phổ biến vũ khí, số lượng đầu đạn hạt nhân đó tự thân đã là sự răn đe để không nước nào nghĩ tới việc phát động cuộc chiến tranh hạt nhân. Hiệp định New START đã hoàn thành nhiệm vụ của nó: ngăn việc tái khởi động cuộc chạy đua hạt nhân mới giữa Washington và Moscow.

Đến tháng 2-2018, thời hạn để hoàn tất các điều khoản của New START, hai nước đều tuân thủ việc giới hạn quy mô kho vũ khí hạt nhân như thỏa thuận hoặc thấp hơn, và duy trì từ đó tới nay bất chấp nhiều lần hiệp ước bị đe dọa. Dưới thời ông Donald Trump, đàm phán gia hạn thỏa thuận bị đình lại. Đến đầu năm 2021, chính quyền của ông Joe Biden tiếp tục gia hạn New START với Nga tới tháng 2-2026. Tuy nhiên, sau tuyên bố dừng tham gia New START của ông Putin ngày 21-2, tương lai của thỏa thuận rơi vào thế mù mờ.

Lập trường của Nga khi dừng New START

Tổng thống Putin cho biết, quyết định dừng tham gia hiệp ước không có nghĩa Nga sẽ rút khỏi New START hoàn toàn nhưng Moscow sẽ không cho phép các nước Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thanh tra kho vũ khí hạt nhân của họ nữa. Ông Putin cáo buộc khối liên minh quân sự này đã giúp Ukraine tổ chức tấn công bằng máy bay không người lái vào các căn cứ không quân của Nga có chứa máy bay ném bom chiến lược - tức là một phần trong các lực lượng hạt nhân của Moscow.

Tuyên bố của ông Putin khiến quan chức phương Tây lo ngại khi động thái của Nga diễn ra vào thời điểm căng thẳng Nga - Mỹ leo thang căng thẳng kể từ khi xung đột ở Ukraine bùng nổ. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo, toàn bộ cấu trúc kiểm soát vũ khí đã bị gỡ bỏ; đồng thời kêu gọi Nga cân nhắc lại quyết định. Ngày 21-2, Ngoại trưởng Mỹ Blinken nói quyết định của Nga là rất đáng tiếc; đồng thời cho biết Washington sẽ theo dõi sát mọi hành động của Moscow để hành xử tương ứng.

Một số chuyên gia cho rằng với động thái này, có lẽ ông Putin muốn gây sức ép buộc Washington và các đồng minh của họ phải đề xuất với Mowcow phương án để kết thúc chiến sự tại Ukraine. TASS dẫn ý kiến của ông Andrey Bystritsky, Chủ tịch Hội đồng Quỹ Hỗ trợ phát triển thuộc Câu lạc bộ quốc tế Valdai (Nga) cho rằng quyết định dừng tham gia New START của Nga sẽ tạo cơ hội để khôi phục lại các đối thoại mang tính xây dựng hơn về an ninh hạt nhân.

Theo ông Bystritsky, trong quá khứ Mowcow đã từng quyết định tạm dừng New START một số lần, như khi gia tăng căng thẳng với NATO hay khi có sự tồn tại kho vũ khí hạt nhân ở các nước thành viên NATO khác...

Vì sao Nga và Mỹ có hiệp ước kiểm soát vũ khí?

New START là hiệp ước mới nhất trong một loạt thỏa thuận giữa Mỹ và Nga nhằm giảm quy mô kho vũ khí hạt nhân. Vào những thập niên đầu tiên trong thời Chiến tranh Lạnh, hai cường quốc chạy đua tích trữ vũ khí hạt nhân, gây quan ngại về nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Vào cuối những năm 1960, Tổng thống Mỹ lúc đó là Lyndon B. Johnson kêu gọi đàm phán với Nga để hạn chế số vũ khí hạt nhân chiến lược của mỗi bên. hạn chế vũ khí chiến lược chính thức (SALT) bắt đầu tại Phần Lan năm 1969.

Năm 1972, cựu Tổng thống Richard M. Nixon và Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev ký hiệp ước chống tên lửa đạn đạo, gọi tắt là hiệp ước ABM. Theo các thỏa thuận sau này, gồm START I và SORT, hai nước cùng giảm dần đáng kể kho vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, năm 2002, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đơn phương rút khỏi hiệp ước ABM bởi hiệp ước này ngăn cản khả năng của Mỹ trong việc tự bảo vệ trước khủng bố và các quốc gia gây rối.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.