Quốc tế
Nấc thang căng thẳng mới trên bán đảo Triều Tiên
Sau khi phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ngày 18-2, Triều Tiên tiếp tục thử nghiệm hệ thống pháo phản lực siêu lớn, có khả năng phá hủy sân bay quân sự của đối phương. Đây rõ ràng là lời cảnh báo đáp trả cứng rắn của Bình Nhưỡng trước cuộc tập trận riêng rẽ của Mỹ với hai quốc gia đồng minh tại Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc vào ngày 19-2.
Việc Triều Tiên thường thử vũ khí hiện đại nhằm phản đối các cuộc tập trận như vậy không phải là điều ngạc nhiên. Song, theo Mỹ và các đồng minh, các vụ phóng tên lửa liên tiếp là hành động khiêu khích quân sự nghiêm trọng, phô diễn sức mạnh quân sự, khiến căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang.
Ngày 20-2, Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) xác nhận, Bình Nhưỡng phóng thử pháo phản lực siêu lớn từ hệ thống phóng tên lửa đa nòng 600mm nhằm vào các mục tiêu cách đó lần lượt 395km và 337km. Bộ Quốc phòng Nhật Bản nêu rõ quả đạn thứ nhất đầu tiên đạt độ cao khoảng 100km và bay được khoảng 400km, trong khi quả thứ hai đạt độ cao khoảng 50km và bay được khoảng 350km. Truyền thông nhà nước Triều Tiên gọi đây là vũ khí hạt nhân chiến thuật, ám chỉ chúng có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân.
Viện Khoa học Quốc phòng và Viện Vũ khí hạt nhân của Triều Tiên tin tưởng chắc chắn rằng sức mạnh của 4 quả đạn pháo từ hệ thống phóng đa nòng có thể làm tê liệt hoàn toàn sân bay tác chiến của đối phương. Đây là vụ phóng tên lửa thứ hai của Triều Tiên chỉ trong 3 ngày qua và là vụ thử vũ khí lớn thứ ba của Bình Nhưỡng trong năm nay. Vụ phóng mới nhất này diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Triều Tiên phóng ICBM Hwasong-15.
Hai tên lửa trên dường như rơi bên ngoài vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và hiện không có báo cáo về thiệt hại đối với máy bay hoặc tàu bè tại đây. Cùng ngày, Chính phủ Nhật Bản gửi công hàm phản đối tới Triều Tiên thông qua Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc. Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, nước này đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc triệu tập cuộc họp khẩn cấp về các vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên; đồng thời nhấn mạnh, Nhật Bản sẽ hợp tác chặt chẽ với Mỹ và Hàn Quốc để giải quyết thách thức an ninh khu vực.
Bà Kim Yo Jong, Phó trưởng ban Tuyên truyền và Thông tin của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, nhấn mạnh Triều Tiên sẽ có hành động đáp trả tương ứng nếu các hành động của Mỹ được coi là mối đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp đối với nước này. Bà Kim Yo Jong đồng thời tuyên bố tần suất các vụ thử vũ khí của Triều Tiên ở Thái Bình Dương phụ thuộc vào hành động tương ứng của các lực lượng Mỹ. Lời cảnh báo của bà Kim Yo Jong được đưa ra trong bối cảnh ngày 19-2, Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận, với sự tham gia của máy bay chiến đấu trong vùng nhận diện hàng không Hàn Quốc vào ngày 19-2.
Đây cũng là lần thứ hai bà Kim Yo Jong phát cảnh báo răn đe tới Mỹ và Hàn Quốc. Ngày 19-2, quan chức này đã nhắc nhở Seoul về các hậu quả nếu theo chân Mỹ, song nhấn mạnh rằng các ICBM của nước này không nhắm vào Hàn Quốc và khẳng định Bình Nhưỡng không hề muốn dính líu đến Seoul. “Tôi khẳng định một lần nữa rằng không có sự thay đổi nào trong ý chí của chúng tôi để khiến những bên cố tình gây căng thẳng tình hình phải trả giá đắt”, bà Kim Yo Jong khẳng định.
Theo giới quan sát, tuyên bố trên có thể đang ám chỉ việc Triều Tiên đang có các tên lửa dư sức tấn công các mục tiêu có quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương. Những mục tiêu này có thể bao gồm các căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản, Hàn Quốc hay xa hơn là quần đảo Hawaii. Mỹ và đồng minh đang thể hiện khả năng và tư thế phòng thủ kết hợp thông qua việc triển khai nhanh chóng lực lượng chiến đấu để răn đe mở rộng và các phương tiện tấn công chiến lược của quân đội Mỹ đang hoạt động tích cực trên khu vực bán đảo Triều Tiên. Bình Nhưỡng đang đánh giá tác động của việc Mỹ tăng cường hiện diện các vũ khí chiến lược trên bán đảo Triều Tiên.
TẤN PHÁT