Quốc tế
Con gái ông Thaksin có nối gót cha làm thủ tướng?
Ngày 14-5, chính trường Thái Lan sẽ bước vào cuộc đua tranh quyết liệt của gần 70 đảng tham gia tranh cử vào Hạ viện khóa mới. Theo các nhà quan sát, dù có nhiều đảng tham gia, nhưng cuộc bầu cử Hạ viện lần này dự kiến sẽ là cuộc đua tam mã giữa ba đảng.
Đó là đảng Quốc gia Thái Lan thống nhất (UTN) của Thủ tướng đương nhiệm Prayut Chan-o-cha; đảng Vì nước Thái (Pheu Thai), một nhánh của đảng Người Thái yêu người Thái của cựu Thủ tướng lưu vong Thaksin Shinawatra, hiện không còn tồn tại; Đảng Tiến bước với tư tưởng cấp tiến.
Đối với UTN, tuy mới thành lập nhưng thành viên của đảng không phải là những gương mặt mới, trong đó có Thủ tướng Prayut Chan-o-cha, các cựu phó thủ tướng cùng các thành viên chính phủ kỳ cựu. Thủ tướng Prayut là người chèo lái chính phủ vượt qua Covid-19 kéo dài trong phần lớn nhiệm kỳ vừa qua, vị tướng quân đội 69 tuổi hy vọng sẽ trở lại vị trí thủ tướng với cương lĩnh tranh cử tập trung vào phát triển hạ tầng, bảo đảm tính liên tục trong chính sách phát triển đất nước, sự ổn định cũng như bảo vệ Hoàng gia.
Gần đây, UTN tập hợp nhóm kinh tế, gồm những trụ cột vững chắc nhất của Thái Lan là năng lượng, bất động sản và sản xuất để hỗ trợ ông Prayut tiếp tục những sáng kiến mà chính phủ 4 năm qua đã triển khai như tiếp tục đầu tư vào Hành lang kinh tế phía Đông (EEC), nơi tập trung nhiều ngành công nghiệp mới như chuỗi cung ứng xe điện, sản xuất pin và thiết bị điện tử, năng lượng tái tạo; mô hình kinh tế Sinh học - Tuần hoàn - Xanh (BCG)...
Trong khi đó, đảng Pheu Thai cũng hứa hẹn sự trỗi dậy mạnh mẽ sau thời kỳ mà họ gọi là “thập kỷ bị mất” dưới chế độ liên kết với quân đội của Thủ tướng Prayut. Các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy, bà Paetongtarn Shinawatra (37 tuổi), con gái ông Thaksin Shinawatra, lãnh đạo chiến dịch bầu cử của Pheu Thai đang nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất cho chiếc ghế thủ tướng.
Từng chứng kiến là bố đẻ Thaksin Shinawatra và cô ruột Yingluck bị quân đội lật đổ khi đang ở ngôi vị thủ tướng, ứng cử viên Paetongtarn Shinawatra có mục tiêu rất quyết liệt tại cuộc bầu cử lần này là chiến thắng cho đảng Pheu Thai. Cương lĩnh tranh cử của bà Paetongtarn Shinawatra là tăng lương tối thiểu và phục hồi kinh tế sau thời gian dài trầm lắng.
Dẫu vậy, đảng Pheu Thai đang đối mặt với đối thủ “cùng hội cùng thuyền” đáng gờm là đảng Tiến bước. Bà Paetongtarn Shinawatra cũng nhận thấy mình phải chạy đua giành lợi thế với thủ lĩnh 43 tuổi của đảng Tiến bước là Pita Limjaroenrat. Càng sát ngày bầu cử, ông Pita Limjaroenrat đang được ví như “cơn sốt” với những lời lẽ vận động lôi cuốn tập trung vào cải thiện cuộc sống người dân, phi tập trung hóa, cải cách hành chính quan liêu và chấm dứt sự can thiệp của quân đội vào nền chính trị của nước này.
Trung tâm Dự báo Kinh tế và Kinh doanh của Đại học Phòng Thương mại Thái Lan ước tính, ít nhất 120 tỷ baht (3,55 tỷ USD) sẽ được chi cho các hoạt động liên quan đến bầu cử, gấp đôi số tiền dự kiến trước đó.
Đây được xem là cuộc bầu cử Hạ viện tốn kém nhất từ trước tới nay, trong bối cảnh kinh tế nước này vẫn vẫn mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình” với tăng trưởng kinh tế không đạt 5% kể từ năm 2012, cùng các vấn đề khác, gồm dân số già, tiết kiệm và đầu tư thấp, nợ hộ gia đình cao và tụt hậu so với các nước láng giềng đông dân hơn và đang phát triển nhanh.
Có thể thấy, cuộc bầu cử Hạ viện năm nay tại Thái Lan được cho là cuộc đua tranh khốc liệt của các mặt đối lập. Giữa các đảng đứng đầu, đó là sự đối lập giữa phe thân quân đội với phe phản đối đảo chính. Giữa các ứng cử viên thủ tướng hàng đầu, đó là sự đối lập về tuổi tác và kinh nghiệm chính trường.
TUYẾT MINH