Quốc tế
Thủ tướng Anh và chuyến công du 'tỷ đô' tới Mỹ
Hợp tác kinh tế, vượt lên các vấn đề “nóng” khác, sẽ là ưu tiên hàng đầu của Thủ tướng Anh Rishi Sunak trong chuyến công du đến Mỹ tuần này, qua đó cho thấy ý định của London muốn đặt quan hệ kinh tế ngang tầm với hợp tác quốc phòng và an ninh với Washington vốn ngày càng bền chặt trong thời gian qua để ứng phó với các mối đe dọa toàn cầu.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (bên trái) gặp Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy tại Washington ngày 7-6 (giờ địa phương). Ảnh: UPI |
Chuyến đi diễn ra trong hai ngày 7 và 8-6 (giờ Washington) của Thủ tướng Sunak cũng đánh dấu chuyến công du đầu tiên của ông tới Nhà Trắng trên cương vị thủ tướng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Sunak hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, giới chức hàng đầu trong Quốc hội Mỹ và CEO của các công ty tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đây là lần tương tác sâu rộng nhất của ông Sunak với ông Biden sau nhiều tháng và được kỳ vọng mang lại “trái ngọt” với các hợp đồng kinh tế, thương mại.
Nâng tầm liên minh kinh tế Mỹ-Anh
BBC dẫn lời ông Sunak trước thềm chuyến thăm khẳng định: “Không thể chối cãi rằng Mỹ là đối tác thân cận nhất của chúng tôi về thương mại, hợp tác quốc phòng - an ninh và ngoại giao. Cũng giống như khả năng tương tác tốt giữa lực lượng quân đội, hợp tác kinh tế sâu rộng hơn sẽ mang lại lợi thế quan trọng cho chúng ta trong những thập niên tới”. Nhà lãnh đạo Anh khẳng định chuyến đi Washington như cơ hội để nâng tầm hợp tác kinh tế song phương, vốn là một trong những trụ cột chính liên minh Mỹ - Anh. Được biết, Văn phòng Thủ tướng Anh vừa công bố khoản đầu tư tích lũy của Mỹ vào nước Anh trị giá hơn 17 tỷ USD.
Theo Bloomberg, ông Sunak dự định thảo luận về cách Mỹ có thể làm giảm tác động dây chuyền của các khoản trợ cấp công nghệ sạch của Washington đối với nền kinh tế Anh. Trong lúc chi phí năng lượng chưa hạ nhiệt, các nền kinh tế châu Âu, trong đó có nước Anh, đang lo ngại khoản trợ cấp “khủng” 369 tỷ USD của Chính phủ Mỹ cho các doanh nghiệp có thể lôi kéo các nhà sản xuất lớn rời khỏi “lục địa già” để chuyển đến Mỹ. Do vậy, không ngạc nhiên khi ông Sunak tranh thủ kêu gọi Mỹ hỗ trợ các nhà sản xuất ô-tô của nước Anh dễ dàng tiếp cận khoáng chất quan trọng được sử dụng sản xuất pin cho xe điện.
Giới quan sát cho rằng, ông Sunak nhiều khả năng không đề cập đến xúc tiến thỏa thuận thương mại tự do toàn diện với Mỹ trong chuyến thăm, mà thay vào đó tiếp tục tìm thỏa thuận hợp lý trong từng lĩnh vực riêng lẻ, chẳng hạn như thỏa thuận khoáng sản quan trọng, cho phép pin điện ở Vương quốc Anh đủ điều kiện được giảm thuế theo Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ hoặc thỏa thuận thương mại kỹ thuật số với Mỹ. Bên cạnh đó, Chính phủ Anh sẽ tìm kiếm quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với một số tiểu bang của Mỹ, trong đó có Utah, Texas, California và Carolina. Thực tế, đàm phán giữa Anh và Mỹ về thỏa thuận hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu-EU) bị đóng băng do tác động Covid-19 và các nút thắt về xuất, nhập khẩu.
Tìm hỗ trợ cho mục tiêu trở thành siêu cường AI
Bên cạnh kinh tế và biện pháp viện trợ cho Ukraine, vấn đề về sự trỗi dậy đáng lo ngại của trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ là điểm nhấn trong chương trình nghị sự. Vương quốc Anh đã công bố Chiến lược AI quốc gia với tầm nhìn 10 năm, trong đó thúc đẩy AI, xây dựng môi trường pháp lý ủng hộ đổi mới nhất trên thế giới, đồng thời cam kết sẽ biến xứ sở sương mù thành nơi tốt nhất để sống và làm việc với AI trong thập niên tới. Nước này đứng thứ 3 trên thế giới về đầu tư tư nhân vào các công ty AI năm 2020, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc.
Theo Politico, ông Sunak sẽ thảo luận với ông Biden về hợp tác thiết lập hàng rào bảo vệ xung quanh AI, nhằm phòng ngừa mối đe dọa tiềm tàng từ công nghệ này. Đảo quốc sương mù thời gian qua đã chứng minh vị thế dẫn đầu về kiểm soát AI khi đề xuất ý tưởng thành lập cơ quan AI toàn cầu cũng như “CERN cho AI”, cơ quan nghiên cứu quốc tế về AI, nhằm đưa ra khuôn khổ điều chỉnh AI trên phạm vi toàn cầu. Nước này sẽ đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về AI vào mùa thu năm nay.
Nhân chuyến thăm đặc biệt này, ông Sunak sẽ tận dụng cơ hội vận động hành lang, đặc biệt thuyết phục ông Biden tạo điều kiện để Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace kế nhiệm Tổng Thư ký tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, người sắp kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo liên minh gồm 31 thành viên này vào tháng 9-2023. Có thể thấy, hậu Brexit, nước Anh đang tìm cách liên kết chặt chẽ hơn với Mỹ để cùng hợp lực giải quyết loạt bất ổn toàn cầu, trong đó có xung đột Ukraine, sự bùng nổ của AI, cùng với nguy cơ một số nước thao túng thị trường toàn cầu.
THƯ LÊ