Quốc tế

Mong manh lối ra cho thỏa thuận ngũ cốc

07:44, 04/08/2023 (GMT+7)

Trong tín hiệu tích cực, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, trong đó hai nhà lãnh đạo thảo luận thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và nhất trí sẽ gặp nhau tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Ukrainska Pravda
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan. Ảnh: Ukrainska Pravda

Những ngày qua, Nga đã “đánh tiếng” về các điều kiện để nối lại thỏa thuận ngũ cốc. Nếu các yêu cầu của Nga nhằm cải thiện tình hình xuất khẩu ngũ cốc và phân bón được đáp ứng thì nước này sẽ xem xét việc khôi phục sáng kiến ngũ cốc Biển Đen mà họ rút khỏi ngày 17-7-2023 để phản đối việc thực thi chưa thỏa đáng các điều khoản. Sáng kiến ngũ cốc đạt được vào tháng 7-2022 với vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc (LHQ) đã giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu sau khi xảy ra xung đột ở Ukraine tháng 2-2022.

Tín hiệu thiện chí từ Nga

“Moscow sẵn sàng trở lại thỏa thuận ngũ cốc mà không có bất cứ trì hoãn nào nhưng phải là sau khi các điều kiện của Nga được đáp ứng đầy đủ”, ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin tái khẳng định lập trường của Moscow với hãng tin quốc gia Nga RIA ngày 1-8.

Ngày 2-8, Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đề nghị người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan giúp Nga xuất khẩu ngũ cốc tới các nước châu Phi đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng. Thông cáo của Điện Kremlin lưu ý, “tinh thần sẵn sàng hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ và các nước có liên quan khác về vấn đề này cũng đã được bày tỏ” trong cuộc điện đàm. Được biết, các mặt hàng xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga không nằm trong diện bị vướng trừng phạt của phương Tây nhưng Nga bị hạn chế trong các phương thức thanh toán, logistic và bảo hiểm cho các hàng hóa xuất khẩu này, từ đó trở thành rào cản lớn trong việc vận chuyển đường biển.

Tuần trước, bên lề hội nghị thượng đỉnh lương thực LHQ tại thủ đô Rome (Ý), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres gặp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin, cũng là người phụ trách các cuộc đàm phán của Moscow về thỏa thuận ngũ cốc. Tiếp đến, ngày 30-7, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric hé lộ xu thế tích cực liên quan thỏa thuận này khi thông báo “đã có đột phá”. Trong khi đó, ngày 1-8, Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cho biết, nếu Nga muốn các hàng hóa phân bón của họ trở lại thị trường toàn cầu và thực hiện các giao dịch nông nghiệp, “họ sẽ phải trở lại thỏa thuận này”.

Quyết tâm của Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Erdogan từng đóng vai trò chủ chốt trong thỏa thuận ngũ cốc ở Biển Đen và cũng từ đó, ông tự đặt mình vào vị thế trung gian tìm kiếm hòa bình cho xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Erdogan đang “đau đầu” tìm cách thuyết phục Moscow quay trở lại thỏa thuận hành lang ngũ cốc và tránh leo thang hơn nữa ở Biển Đen.

Trong cuộc điện đàm với ông Putin, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh, “không nên có bất cứ bước đi nào làm leo thang căng thẳng trong cuộc xung đột”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của thỏa thuận ngũ cốc mà ông gọi là “cầu nối hòa bình”; đồng thời cảnh báo việc ngừng thực thi thỏa thuận trong thời gian dài “sẽ không mang lại lợi ích cho bất cứ ai”, và những nước đang cần giúp đỡ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá ngũ cốc từng giảm 23% khi thỏa thuận ngũ cốc được ký kết nhưng đã tăng trở lại thêm 15% trong hai tuần qua sau khi Nga rút khỏi. Một lần nữa, ông Erdogan khẳng định sẽ nỗ lực hết sức cũng như tìm các giải pháp ngoại giao để khôi phục lại thỏa thuận.

Bloomberg nhận định, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực để duy trì thế cân bằng giữa Nga và Ukraine khi cuộc khủng hoảng ngũ cốc ở Biển Đen kéo dài. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không gây nguy hiểm cho các tàu hải quân của mình để hỗ trợ các tàu từ Ukraine và tập trung khôi phục hành lang ngũ cốc với sự tham gia của Nga. Tương tự, Đại sứ Ukraine tại Ankara cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm việc tiếp tục thỏa thuận quan trọng này và nhấn mạnh họ có đòn bẩy đối với Nga. Ổn định ở Biển Đen từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ và bất kỳ thỏa thuận mới nào cũng cần có Nga tham gia, vì vậy ông Erdogan có lẽ sẽ thử “mọi con đường dẫn đến Điện Kremlin”.

Theo dữ liệu của LHQ, trong số 32 triệu tấn ngũ cốc được bốc từ các cảng Odessa, Chornomorsk và Yuzhne của Ukraine, 14,3 triệu tấn được chuyển đến các nước giàu, bao gồm cả các thành viên EU, trong khi nhóm các nước nghèo nhất chỉ nhận được 822.000 tấn. Thị phần của châu Phi đứng ở mức 12%. Thổ Nhĩ Kỳ là người mua lớn thứ ba sau Trung Quốc và Tây Ban Nha. Trong khi đó, ngũ cốc của Nga chiếm 65% lượng ngũ cốc nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.