Quốc tế

Nam bán cầu dần rời khỏi trật tự thương mại do Mỹ dẫn dắt?

07:09, 09/08/2023 (GMT+7)

Nhiều nền kinh tế ở Nam bán cầu dường như không còn mặn mà với trật tự thương mại toàn cầu vốn do Mỹ dẫn dắt trong nhiều thập niên qua, đồng thời tự quyết định tầm nhìn tương lai của riêng mình.

Ấn Độ là một trong những nước tiêu thụ dầu thô của Nga cao nhất toàn cầu.  TRONG ẢNH: Một nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ. Ảnh: The Hindu Business Line
Ấn Độ là một trong những nước tiêu thụ dầu thô của Nga cao nhất toàn cầu. TRONG ẢNH: Một nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ. Ảnh: The Hindu Business Line

Thương mại tự do, sự phụ thuộc vào đồng USD và điều chỉnh chính sách đối ngoại tương thích theo Mỹ vốn là những quy tắc kinh tế mà Mỹ và phương Tây nói chung đã “viết” ra từ sau Thế chiến 2. Suốt hơn 7 thập niên qua, những quy tắc này đã trở thành nền tảng của trật tự thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, giờ đây, “Nam bán cầu”, thuật ngữ chỉ chung các quốc gia đang phát triển ở các khu vực như châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh, đang âm thầm “sửa đổi” chúng.

Trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do các tác động địa chính trị, thiên tai…, các nước ở Nam bán cầu nhìn thấy tiềm năng phát triển dựa vào sức mạnh tài nguyên của chính mình. Theo Bloomberg, các nước ở khu vực rộng lớn này ngày càng nhận thức được tầm quan trọng của tài nguyên sẵn có trong nước và muốn kiểm soát hoàn toàn “kho báu” này; đồng thời lên kế hoạch sắp xếp lại các mối quan hệ từ thời thuộc địa, quốc hữu hóa các nhà máy lớn nằm trong lãnh thổ của họ. Indonesia cấm xuất khẩu quặng niken, nguyên liệu thô được sử dụng trong sản xuất pin và thép không gỉ. Ngay sau động thái này, từ châu Á đến châu Âu và Mỹ, các công ty đa quốc gia đã tiến vào Indonesia để bảo đảm tiếp cận nguồn dự trữ nickel khổng lồ tại quốc gia Đông Nam Á này. Cùng với Namibia và Zimbabwe, Ghana đang chuẩn bị cấm xuất khẩu lithium, nguồn tài nguyên thiết yếu để sản xuất xe điện.

Đáng chú ý, trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 4-2023, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã hỏi: “Ai là người quyết định đồng USD có quyền lực toàn năng”?, Câu hỏi này như một sự ám chỉ rằng một ngày nào đó vị thế số một của đồng USD có thể lung lay. Rõ ràng, có một nghịch lý đáng chú ý là sự suy giảm của đồng USD sẽ khiến cho nền kinh tế, tài chính thế giới ảnh hưởng nặng nề nhưng theo một chiều hướng tích cực, điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội hơn cho các quốc gia châu Á. Việc ít phải phụ thuộc vào đồng USD sẽ giúp khu vực đông dân cư và đa dạng kinh tế bậc nhất thế giới này linh hoạt hơn trong việc thiết lập các chính sách tiền tệ. Ngoài ra, họ sẽ tránh rủi ro từ việc sử dụng một loại tiền tệ duy nhất. Nói một cách dễ hiểu, việc suy giảm tầm ảnh hưởng của loại tiền tệ này sẽ giúp tỷ giá hối đoái dần ổn định hơn, giảm biến động và rủi ro trong các giao dịch xuyên biên giới. Đồng USD giảm sút cũng sẽ khuyến khích các nước châu Á đa dạng hóa dự trữ ngoại hối, phân bổ nguồn lực tốt hơn và tăng cường đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang thảo luận về các kế hoạch mới nhằm đa dạng hóa chính sách tiền tệ để tăng giá trị đồng bath, qua đó giúp giảm sự ràng buộc đồng USD. Tương tự, Indonesia đang củng cố thị trường nội tệ trong khi các nước láng giềng khu vực cũng thiết lập hệ thống thanh toán số nhằm giảm nhu cầu sử dụng đồng USD trong các giao dịch hằng ngày. Và cũng không nằm ngoài xu thế chuyển dịch này, châu Phi cũng đang thảo luận hình thành đồng tiền chung trong tương lai.

Argentina, Brazil, Chile và Indonesia đang trải thảm đỏ đối với các nhà đầu tư pin xe điện từ Trung Quốc thay vì từ Mỹ như trước đây. Bộ trưởng Đầu tư Indonesia Luhut Panjaitan nói rằng: “Chúng tôi không thể tiếp tục chờ ban ơn. Các bạn (Mỹ) có thể khó chịu khi chúng tôi hợp tác làm ăn với các quốc gia khác nhưng chúng tôi cần phải tồn tại và phát triển”.

Xét về yếu tố địa chính trị, các quốc gia ở khu vực rộng lớn này chọn lập trường trung lập trong cuộc đối đầu giữa phương Tây và Nga hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno nhấn mạnh, quốc gia của họ muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”. Đó cũng là điều dễ hiểu khi Ấn Độ tiếp tục mua dầu Nga bất chấp áp lực gia tăng từ phương Tây như một thông điệp rõ ràng: lợi ích quốc gia vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Ở chiều ngược lại, Mỹ và các nước phương Tây khác dường như chưa có bất cứ giải pháp khả dĩ nào để kéo các nền kinh tế ở Nam bán cầu trở lại cỗ máy thương mại trước đây vốn do Mỹ đóng vai trò là người chơi chính. Thực trạng này phần nào được phản ánh bởi nhận xét của cựu Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman khi ông cho rằng: “Washington thực sự chưa xác định được mục tiêu, kế hoạch cho tương lai. Trong khi đó, các nước Nam bán cầu đã đưa ra quyết định về tầm nhìn của họ”.

THƯ LÊ

.