Quốc tế
Thế giới tuần qua: Căng thẳng Niger gia tăng; Mưa lũ bất thường tấn công châu Á
Tình hình an ninh bất ổn tại Niger sau 1 tuần đảo chính buộc các nước khẩn trương sơ tán công dân và thảm cảnh mưa lũ tại một số quốc gia châu Á là hai trong số những sự kiện quốc tế đáng được quan tâm trong tuần qua.
Các nước khẩn trương sơ tán công dân khỏi Niger
Công dân Pháp và một số quốc gia châu Âu chờ được sơ tán tại nhà chờ sân bay quốc tế Diori-Hamani ở Niamey, Niger ngày 1-8-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Một tuần sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính quyền Tổng thống Mohamed Bazoum, bầu không khí căng thẳng cao độ đang bao trùm thủ đô Niamey và nhiều thành phố khác của Niger.
Ngày 2-8, người đứng đầu quân đội nắm quyền ở Niamey, Tướng Abdourahamane Tian tuyên bố bác bỏ các biện pháp trừng phạt mà các nước láng giềng Tây Phi áp đặt đối với Niger và khẳng định sẽ không nhượng bộ trước bất kỳ mối đe dọa nào.
Trước đó, lãnh đạo các nước thuộc Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đã đưa ra tối hậu thư với thời hạn đến ngày 6-8 cho những người lãnh đạo cuộc đảo chính ở Niger để khôi phục trật tự hiến pháp. ECOWAS cho biết đã lên kế hoạch có hành động quân sự tại Niger sau khi các nỗ lực trung gian thất bại.
Về phần mình, Tổng thống Bazoum kêu gọi toàn thể cộng đồng quốc tế giúp Niger khôi phục trật tự hiến pháp sau khi lực lượng quân sự tuyên bố phế truất ông. Ông cảnh báo nếu các nỗ lực đảo chính nhằm phế truất ông thành công, sẽ gây ra những hậu quả “tàn khốc” đối với quốc gia Tây Phi này, cũng như khu vực và toàn thế giới, bao gồm việc lợi dụng tình hình bất ổn từ các nhóm khủng bố như Boko Haram.
Sau cuộc đảo chính tại Niger, lãnh đạo các nước thành viên ECOWAS đã họp khẩn cấp tại thủ đô Abuja của Nigeria, đồng thời áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào lực lượng đảo chính tại Niger, bao gồm việc đóng băng mọi giao dịch tài chính và thương mại giữa các nước ECOWAS và Niger, đóng cửa biên giới với Niger, cấm nhập cảnh đối với cá nhân tham gia và liên đới trong cuộc đảo chính. Một số nước phương Tây cũng quyết định cắt giảm viện trợ cho Niger. Ngày 4-8, Chính phủ Hà Lan xác nhận đang tạm thời đình chỉ hợp tác trực tiếp với chính phủ Niger sau cuộc đảo chính.
Tại thủ đô Niamey và hầu hết các thành phố lớn của Niger, tình hình được miêu tả là cực kỳ căng thẳng với sự hiện diện gia tăng của các lực lượng an ninh và quân đội cùng nhiều phương tiện, vũ khí. Trước nguy cơ bất ổn gia tăng tại Niger, nhiều quốc gia đã khuyến cáo các công dân rời khỏi Niger. Ngày 3-8, Pháp thông báo đã hoàn tất chiến dịch sơ tán hàng trăm công dân nước này và của các nước châu Âu khác khỏi Niger. Cùng ngày, chính phủ Nhật Bản cho biết toàn bộ 10 công dân Nhật Bản ở Niger đã rời khỏi quốc gia châu Phi này trong khi Bộ Ngoại giao Anh thông báo Đại sứ quán tại thủ đô Niamey sẽ tạm thời cắt giảm số lượng nhân viên do tình hình an ninh. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã ra lệnh sơ tán một phần đại sứ quán ở Niger.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị truy tố hình sự lần 3
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tới sân bay Ronald Reagan Washington ở Arlington, bang Virginia sau khi trình diện tòa, ngày 3-8-2023. Ảnh: AFP/TTXVN |
Ngày 1-8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lần thứ ba trong vòng 4 tháng qua bị cáo buộc hình sự trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ liên quan đến cáo buộc ông đã cản trở luật pháp nhằm tìm cách đảo ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2020.
Theo đó, Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã cáo buộc ông Trump đã tìm cách đảo ngược thất bại của ông trước đối thủ Joe Biden. Cụ thể, nhiều quan chức Mỹ đã làm chứng rằng ông Trump đã gây áp lực với họ dựa trên những tuyên bố sai sự thật về gian lận bầu cử quy mô lớn. Ngoài ra, những người ủng hộ ông đã tấn công Capitol Hill trong nỗ lực ngăn chặn Quốc hội Mỹ công nhận chiến thắng của ông Biden.
Với bản cáo trạng mới nhất của Bộ Tư pháp, cựu Tổng thống Mỹ hiện phải đối mặt với 78 tội danh hình sự với mức kết án lên tới hàng trăm năm tù giam. Tại phiên trình diện trước tòa ngày 3-8, ông Trump vẫn một mực tuyên bố mình không có tội.
Phiên tòa ngày 3-8 là lần ra tòa thứ 3 của ông Trump trong năm nay. Vào tháng 4, công tố viên quận Manhattan (New York) Alvin Bragg đã cáo buộc ông Trump làm sai lệch hồ sơ kinh doanh. Vào tháng 6, ông Trump bị truy tố và buộc tội trong cuộc điều tra về các tài liệu mật được tìm thấy tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông ở bang Florida. Tháng 7, Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc ông Trump cố tình xóa đoạn video giám sát tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago.
Bất chấp các tranh cãi pháp lý, ông Trump rõ ràng vẫn là người dẫn đầu trong cuộc đua tranh cử tổng thống của đảng Cộng hòa khi thu hút hơn 50% sự ủng hộ trong kết quả thăm dò sơ bộ toàn quốc - nhiều hơn tất cả các đối thủ khác cộng lại. Công ty tư vấn rủi ro Eurasia Group đã nhận định rằng về mặt chính trị, những cáo buộc hình sự mới nhất đối với ông Trump sẽ chỉ gây ảnh hưởng hạn hẹp. Những diễn biến gần đây đã khiến họ tăng khả năng ông Trump trở thành ứng cử viên của đảng Cộng hòa từ 65% lên 75%.
Mưa lũ bất thường tấn công các nước châu Á
Các phương tiện di chuyển trên đường phố dưới trời mưa lớn tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 29-7-2023. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong khi thủ đô Trung Quốc ghi nhận lượng mưa kỷ lục trong 140 năm sau những ảnh hưởng của cơn bão nhiệt đới Doksuri thì tỉnh Okinawa, Nhật Bản lại phải hứng chịu thương vong khi cơn bão Khanun quay đầu bất thường dù đã đi qua.
Mưa lớn xối xả trút xuống thủ đô Bắc Kinh và miền bắc Trung Quốc trong bốn ngày liên tiếp kể từ hôm 29-7 đã gây lũ lụt trên diện rộng và khiến ít nhất 20 người thiệt mạng, 19 người mất tích. Một khu vực có diện tích bằng nước Anh phải vật lộn với công tác hậu cần để xả nước an toàn cho các tuyến đường thủy và hồ chứa, đồng thời giải cứu hàng chục nghìn người bị mắc kẹt trong nhà.
Lưu vực sông Hải, nơi hội tụ của 5 con sông ở miền Bắc Trung Quốc, đang trải qua "quá trình tiến hóa lũ". Theo truyền thông nhà nước đưa tin ngày 3-8, các hệ thống kỹ thuật kiểm soát lũ được cho là phải đối mặt với "thử thách khắc nghiệt nhất" kể từ trận lụt năm 1996 – trận lụt đã cướp đi sinh mạng của khoảng 2.800 người, làm hư hại hàng triệu ngôi nhà và khiến nhiều vùng đất trồng trọt bị ngập lụt.
Các nhà chức trách ở Hà Bắc đã nâng mức ứng phó khẩn cấp thiên tai lên II từ III, trong khi Bắc Kinh giữ nguyên cảnh báo về sạt lở đất ở vùng ngoại ô. Nước lũ có thể mất tới một tháng để rút ở Hà Bắc. Tại đó, thành phố Trác Châu bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo một quan chức bộ tài nguyên nước tiết lộ ngày 3-8, cho đến nay, khoảng 100.000 người ở thành phố này đã được sơ tán, tương đương 1/6 dân số thành phố.
Chính quyền Trung Quốc đã triển khai các nỗ lực cứu hộ bằng cách sử dụng máy bay trực thăng và cứu trợ quy mô lớn. Bộ Tài chính và Bộ Quản lý Ứng phó Khẩn cấp Trung Quốc ngày 1-8 cho biết đến nay, Trung Quốc đã dành 110 triệu nhân dân tệ (tương đương 15,43 triệu USD) để hỗ trợ công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ nạn nhân thiên tai ở Bắc Kinh, Thiên Tân và Hà Bắc.
Đối với bão Khanun, mặc dù đã giảm cường độ và đang di chuyển trên biển Hoa Đông, các chuyên gia khí tượng vẫn đánh giá đây là cơn bão "rất khác thường" và đang quay đầu gần 180 độ, có khả năng sẽ quay trở lại quần đảo Okinawa của Nhật Bản, thậm chí hướng về các đảo chính của nước này. Trước đó, khi đi qua miền Nam Nhật Bản, cơn bão Khanun đã làm 1 người thiệt mạng và 11 người bị thương, gây mất điện và buộc nhiều chuyến bay phải hủy.
Theo ông Takashi Futamura, người đứng đầu Trụ sở chính Khu vực Fukuoka của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, bão Khanun có đường đi khác thường là do hệ thống áp suất cao ở Thái Bình Dương và những cơn gió Tây ở vĩ độ trung bình.
Ngoài hai cơn bão hoành hành ở Trung Quốc và Nhật Bản, một số quốc gia châu Á khác như Campuchia, Afghanistan cũng hứng chịu cảnh ngập lụt ảnh hưởng do mưa lớn.
Ngày 2-8, mưa lớn kéo dài đã gây ngập lụt, ảnh hưởng đến cơ sở hạ tầng, mùa vụ sản xuất và đời sống của hơn 4.000 hộ dân ở 5 tỉnh miền Nam Campuchia gồm Preah Sihanouk, Kampong Speu, Kep, Kampot và Koh Kong, làm ngập hơn 1.000 căn nhà, khiến 1 người thiệt mạng, 1 người mất tích và 2 người bị thương.
Trong khi đó, mưa lớn kéo theo lũ lụt ngày 31-7 đã tàn phá nhà cửa, vườn tược và hàng chục ha đất nông nghiệp tại tỉnh Badakhshan ở miền Bắc Afghanistan. Đợt mưa trước đó 1 tuần cũng đã khiến 32 người thiệt mạng tại tỉnh Wardak.
Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ bùng dịch Covid-19 trở lại
Giới chức y tế ở Hàn Quốc đã đưa ra khuyến nghị người dân sử dụng khẩu trang tại những nơi đông người do số ca mắc Covid-19 trung bình hàng ngày trong tuần qua đã vượt quá 45.000.
Tiến sĩ Jee Young-mee, Ủy viên Cơ quan Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết: “Hiện tại, số lượng bệnh nhân xét nghiệm dương tính với Covid-19 đang tăng lên, chúng tôi yêu cầu mọi người tự giác đeo khẩu trang trở lại ở những nơi đông người như cơ sở và phương tiện giao thông công cộng”. Bà cũng kêu gọi những người có kết quả xét nghiệm dương tính tuân thủ thời gian cách ly 5 ngày.
Theo số liệu thống kê của KDCA, số ca nhiễm Covid-19 trung bình hàng ngày từ ngày 25-7 đến ngày 31-7 đạt 45.529.
Tổng cộng có 57.220 trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận vào ngày 26-7, đánh dấu lần đầu tiên sau sáu tháng, con số hàng ngày vượt quá 50.000 ca. Tổng số người chết vì Covid-19 trong cùng khoảng thời gian là 97 người. Con số này đánh dấu mức tăng 72,5% so với tuần trước. Các ca bệnh nhân có các triệu chứng từ trung bình đến nặng cũng tăng 19,7% so với tuần trước.
KDCA dự kiến số lượng ca nhiễm trung bình hàng ngày sẽ đạt 60.000 vào giữa tháng 8. Các trường hợp mắc các bệnh về đường hô hấp khác như cúm cũng được cho là sẽ tăng lên.
Hàn Quốc đã dỡ bỏ hầu hết các quy định bắt buộc về khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng vào tháng 3, trong khi vật dụng này vẫn được yêu cầu đeo tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe như bệnh viện, hiệu thuốc và viện dưỡng lão.
Tiến sĩ Jee cho biết khẩu trang là “phương tiện cơ bản nhất để ngăn ngừa sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm”. Hàn Quốc sẽ quyết định vào tuần tới xem có nên hạ cấp phân loại Covid-19 hay không. Bệnh này hiện được phân loại là bệnh cấp 2, có nghĩa là nó cần được báo cáo cho chính quyền trong vòng 24 giờ sau khi biết nhiễm.
Tiến sĩ Jee cho biết “không có khả năng” Covid-19 sẽ gây ra mối đe dọa lớn cho xã hội một lần nữa, song bà cũng nhấn mạnh căn bệnh này vẫn chưa hoàn toàn là bệnh lưu hành.
Theo Baotintuc.vn