Quốc tế

'Đấu trường' Bắc Cực tăng nhiệt

06:40, 08/08/2023 (GMT+7)

Nếu  như xung đột ở Ukraine là điểm “nóng” về sức mạnh quân sự trong cạnh tranh địa chính trị ở “lục địa già” thì Bắc Cực chứng kiến cuộc đua thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt giữa các siêu cường, trong đó chủ yếu là Nga và Mỹ về sự phát triển tiềm năng ở vùng đất băng giá này.

Theo Lầu Năm Góc, Bắc Cực có thể chứa gần 1/3 trữ lượng khí đốt tự nhiên của thế giới chưa được khai phá, cũng như hơn 1.000 tỷ USD khoáng sản đất hiếm. Mặt khác, từng là vùng biển vắng và hầu như không thể đi qua nhưng Bắc Cực đang trở thành khu vực cạnh tranh và tranh chấp. Theo Nature Communications thì ngay từ thập niên 2030, Bắc Cực có thể gần như không còn băng vào tháng 9 hằng năm, thời điểm lượng băng thấp nhất trong năm, do biến đổi khí hậu. Khi băng tan, mật độ giao thông sẽ gia tăng ở rìa phía nam của Bắc Băng Dương.

Kế thừa thành tựu từ thời Liên Xô, với tư cách là quốc gia có chủ quyền phần lớn ở Bắc Cực, Nga mạnh tay đầu tư các tàu quân sự và tàu phá băng có thể hoạt động trong thời tiết lạnh giá; chi hàng tỷ USD củng cố cơ sở hạ tầng; thông qua “Khái niệm chính sách đối ngoại mới”, trong đó Tuyến đường biển phương Bắc (NSR) giữ vị trí nổi bật. Theo đó, các ưu tiên chính trong chính sách đối ngoại của Nga gồm thúc đẩy tuyến giao thông huyết mạch Bắc Cực “như hành lang giao thông quốc gia có tính cạnh tranh, thúc đẩy giao thông vận tải kết nối châu Âu và châu Á”.

Năm 2022, Nga thông qua học thuyết hải quân cập nhật, trong đó đưa NSR là một trong 6 hướng ưu tiên chiến lược để cải thiện vị thế của Nga như một trong những cường quốc hải quân hàng đầu thế giới. Tuyến NSR sẽ giúp Nga trở thành “người chơi chính” trong ngành vận tải thương mại có giá trị lên tới hàng nghìn tỷ USD hằng năm, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để phát triển và khai thác các lãnh thổ của Nga ở Viễn Bắc gồm trữ lượng dầu và khí đốt khổng lồ chưa được khai thác. Sau khi đi vào hoạt động, NSR cho phép vận chuyển hàng hóa giữa châu Á và châu Âu chỉ trong vòng 19 ngày, nhanh hơn 40 - 60% so với các chuyến hàng qua kênh đào Suez.

Trong khi đó, Mỹ chỉ trích NSR là kế hoạch thiết lập “quy định bất hợp pháp về giao thông hàng hải” và cáo buộc Nga “bao biện lý do biến đổi khí hậu để tìm cách kiểm soát các không gian mới ở Bắc Cực, bao gồm cả việc hiện đại hóa các căn cứ quân sự”. Đặc biệt, việc Nga và Trung Quốc tập trận chung ở Bắc Cực mùa thu năm ngoái càng khiến Mỹ lo ngại. Để thúc đẩy cạnh tranh với Nga, tháng 10-2022, chính quyền Tổng thống Mỹ Biden công bố chiến lược Bắc Cực mới, trong đó xác định Mỹ có lợi ích an ninh quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, sự hiện diện lớn hơn của Mỹ trong khu vực đang gặp khó khăn do thiếu tàu có thể vượt qua được các lớp băng. Mỹ hiện chỉ có một con tàu chạy động cơ diesel Healy nhưng chủ yếu hoạt động vào mùa đông ở bang Washington hoặc California và không hoạt động thường xuyên ở Bắc Cực. Trong khi đó, Nga có đến 50 tàu phá băng các loại và nhiều tàu chạy bằng nguyên tử, trong đó 30 tàu hoạt động liên tục ở Bắc Cực.

Mỹ cũng thúc đẩy sự hiện diện quân sự ở Bắc Cực thông qua tập trận quân sự quy mô lớn với các đồng minh. Tháng 5-2023, các nước thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tập trận quân sự ở Bắc Cực với cam kết bảo vệ thành viên mới Phần Lan, đánh dấu cuộc tập trận trên bộ thời hiện đại lớn nhất của nước châu Âu này ở Bắc Cực.

Có thể thấy, Mỹ đang tụt hậu rất xa so với Nga trong cuộc đua để nắm vị thế ở Bắc Cực như những gì Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Tướng Paul Selva, từng nói: “Vai trò của Mỹ tại khu vực này vẫn rất hạn chế, trong khi Nga đang nhanh chóng đẩy nhanh sự hiện diện”.

TUYẾT MINH

.