Quốc tế
EU - Trung Quốc xoay xở hóa giải căng thẳng thương mại
Liên minh châu (EU) không có ý định tách rời kinh tế với Trung Quốc nhưng vẫn cần lập “rào chắn an toàn” để tự bảo vệ trong những tình huống mà quyền lợi bị ảnh hưởng thông qua cách tiếp cận “giảm thiểu rủi ro” quyết đoán hơn. Đây là thông điệp cứng rắn mà khối 27 nước thành viên muốn nhắn gửi đến Trung Quốc thông qua chuyến thăm của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu kiêm Ủy viên Thương mại của EU Valdis Dombrovskis.
Xe điện BYD xếp hàng chờ xuất khẩu tại cảng Tô Châu (Trung Quốc). Ảnh: AFP |
Theo AP, đối với EU, chuyến thăm của ông Dombrovskis kéo dài từ ngày 23 đến 26-9 để nối lại cuộc đối thoại với Trung Quốc hậu Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh sự cảnh giác của EU ngày càng tăng đối với mối quan hệ chặt chẽ hơn của Trung Quốc với Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng nổ.
Cán cân thương mại mất cân bằng
Theo SCMP, ngày 25-9, ông Dombrovskis đồng chủ trì Đối thoại Kinh tế và Thương mại chung cấp cao Trung Quốc-EU lần thứ 10 tại Bắc Kinh. Đây là cơ chế đối thoại cấp cao nhất trong lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại và là một trong “ba trụ cột” của quan hệ song phương. Các bên kỳ vọng đối thoại lần này là dịp để hai bên giải quyết những hiểu lầm và khác biệt thông qua thúc đẩy hợp tác.
Sự kiện lần này diễn ra trong bối cảnh EU và Trung Quốc phải đối mặt với những trở ngại về chính trị và kinh tế đáng kể, khiến hai bên ngày càng xa cách. Thực tế, bên cạnh quan điểm chưa đồng nhất về vấn đề Ukraine, sự mất cân bằng đáng kể của cán cân thương mại với Trung Quốc chính là “nút thắt” khác vẫn chưa được tháo gỡ khiến quan hệ giữa nước này và EU xuất hiện thêm dấu hiệu lục đục thời gian qua.
Theo AP, trong bài phát biểu ở Thượng Hải ngày 23-9, ông Dombrovskis cho biết, kim ngạch thương mại EU - Trung Quốc đạt kỷ lục vào năm ngoái nhưng cán cân thương mại rất mất cân bằng với việc EU thâm hụt thương mại gần 400 tỷ euro, mức cao nhất trong lịch sử toàn cầu. EU chỉ trích con số không mong muốn này một phần là do các hạn chế thương mại của Trung Quốc đối với các công ty châu Âu. Đồng quan điểm này, Đại sứ EU tại Trung Quốc Jorge Toledo cho rằng, “hàng ngàn rào cản” tiếp cận thị trường đã đẩy thâm hụt thương mại EU với Trung Quốc tăng vọt.
Chẳng hạn, luật quan hệ đối ngoại mới và luật chống gián điệp của Trung Quốc khiến các công ty châu Âu đang hoạt động tại đây gặp khó trong việc tiếp cận các nghĩa vụ mà họ cần tuân thủ. Do đó, “công bằng” là từ khóa mà EU muốn thiết lập trong vận hành quan hệ thương mại “cùng thắng” với Trung Quốc. “Thế giới cần Trung Quốc, nhưng cũng cần sự có đi có lại và sân chơi bình đẳng từ Trung Quốc. EU cần một Trung Quốc mạnh mẽ để giúp thế giới thành công trong quá trình chuyển đổi xanh và kỹ thuật số. EU cam kết thương mại toàn cầu tự do và công bằng,”, ông Dombrovskis khẳng định.
Cần duy trì đối thoại và tham vấn
Theo Global Times, Trung Quốc bác bỏ mọi suy đoán “vô căn cứ” nói trên của EU; đồng thời cho rằng, việc EU liên tục đưa các biện pháp “giảm thiểu rủi ro” trong quan hệ với Trung Quốc chỉ đơn phương làm tăng nguy cơ tranh chấp thương mại và leo thang căng thẳng giữa hai bên. Việc EU muốn tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với xe điện của Trung Quốc hay tuyên bố các nhà cung cấp 5G của Trung Quốc là Huawei và ZTE đặt rủi ro cao hơn, cũng như ban hành Đạo luật chip châu Âu, thực chất đều là ví dụ về chủ nghĩa bảo hộ thương mại dưới vỏ bọc là các hành động gán mác “giảm rủi ro” vốn có thể phản tác dụng.
Trong khi đó, một số cuộc điều tra chuyên sâu của truyền thông phương Tây chỉ ra rằng hàng nhập khẩu của châu Âu từ Trung Quốc giảm sút nhưng đầu tư của các công ty châu Âu vào Trung Quốc tăng lên đáng kể, qua đó cho thấy thị trường Trung Quốc luôn mở cửa chào đón làn sóng đầu tư từ “lục địa già”. Chính quyền Trung Quốc hy vọng, hai bên tiếp tục giải quyết các mối quan ngại của nhau thông qua duy trì cơ chế đối thoại và tham vấn để từng bước tháo gỡ bất đồng trong bối cảnh thay đổi địa chính trị phức tạp hơn.
Giới quan sát kỳ vọng, chuyến thăm của ông Dombrovskis phần nào giúp EU và Trung Quốc tìm tiếng nói chung về các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng thương mại, đặc biệt trong lúc khối này tiến hành điều tra chống trợ cấp đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Xe điện: Mặt trận mới trong cạnh tranh EU-Trung Quốc Theo Politico, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen vừa công bố cuộc điều tra các khoản trợ cấp của Trung Quốc cho các nhà sản xuất xe điện; đồng thời cân nhắc áp dụng thuế trừng phạt để bảo vệ các nhà sản xuất châu Âu trước xe điện nhập khẩu giá rẻ từ nước châu Á này. Đây là bước đi có nguy cơ dẫn đến cuộc chiến thương mại mới của khối này với nền kinh tế thứ hai thế giới. Với việc Trung Quốc đã kiểm soát 60% sản lượng pin toàn cầu, EU lo ngại nước này sẽ giành quyền kiểm soát thị trường xe điện hai bờ Đại Tây Dương trong bối cảnh toàn cầu đang bỏ dần phương tiện động cơ dùng nhiên liệu hóa thạch. Một số chính trị gia châu Âu cho rằng, nếu không có giải pháp ứng phó kịp thời, ngành công nghiệp ô-tô của EU sẽ chịu thiệt. |
THƯ LÊ