Đà Nẵng cuối tuần
Tương lai mờ mịt với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan
Quyền của phụ nữ và trẻ em Afghanistan được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề cập tại hội nghị thượng đỉnh các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG) vừa diễn ra ở New York (Mỹ). Afghanistan hiện là quốc gia duy nhất trên thế giới áp đặt những hạn chế về giáo dục đối với nữ giới.
Từ tháng 5-2022, Taliban ra lệnh phụ nữ Afghanistan phải đội khăn trùm đầu Hồi giáo, mặc burqa (những bộ trang phục che kín từ đầu tới chân), hoặc dùng bất kỳ loại khăn trùm đầu nào khác để che mặt. Ảnh: AFP |
Ở Afghanistan, lệnh cấm tiếp cận giáo dục đối với nữ giới của chính quyền Taliban đã ảnh hưởng đến hơn 1 triệu bé gái, mặc dù ước tính có 5 triệu em đã phải nghỉ học do thiếu cơ sở vật chất và những lý do khác trước khi Taliban tiếp quản quốc gia Nam Á này. Lệnh cấm của chính quyền Taliban sẽ có thể làm chậm tiến độ hoàn thành các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc , trong đó có mục tiêu “Quality Education” (giáo dục chất lượng): Tăng cường tiếp cận với giáo dục các cấp và tăng tỷ lệ nhập học ở các trường học, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái.
“Phụ nữ nên tránh xa việc học hành”
Cộng đồng quốc tế lên án việc Taliban tước bỏ các quyền tự do của phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan. Các quốc gia phương Tây tuyên bố sẽ chỉ công nhận chính quyền của Taliban tại Afghanistan nếu lực lượng này tôn trọng các quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, không chỉ cấm các bé gái đến trường cấp 2, cuối năm 2022, Taliban ban hành thêm những lệnh cấm hà khắc hơn như cấm hoàn toàn việc giáo dục cho nữ giới, tất cả các trường đại học công lập và tư thục phải đình chỉ việc đào tạo sinh viên nữ; cấm phụ nữ đến Công viên quốc gia Band-e-Amir; cấm phụ nữ trưởng thành đến các thánh đường Hồi giáo hoặc tham dự các hội thảo tôn giáo…
Theo chuyên gia Hassan Abbas, quan điểm của Taliban về giáo dục trẻ em gái một phần xuất phát từ tư tưởng Hồi giáo hồi thế kỷ XIX và một phần từ các vùng nông thôn nơi chủ nghĩa bộ lạc đã ăn sâu trong nếp nghĩ. “Các lãnh đạo Taliban tin rằng phụ nữ không nên tham gia bất cứ hoạt động xã hội hay công cộng nào và đặc biệt nên tránh xa việc học hành”, ông Abbas nói.
Bà Roza Otunbayeva, đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tại Afghanistan và là người đứng đầu phái đoàn Liên Hợp Quốc tại quốc gia Nam Á này, cho biết một trong những tác động rõ ràng của lệnh cấm là việc thiếu đào tạo các chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Các nữ sinh viên y khoa đã phải tạm dừng việc học sau khi Taliban ban hành sắc lệnh cấm phụ nữ học cao hơn vào tháng 12-2022. Phụ nữ Afghanistan hiện vẫn được làm việc tại các bệnh viện và phòng khám, nhưng về lâu dài sẽ thiếu nguồn nhân lực nữ ở lĩnh vực này. Phụ nữ Afghanistan thậm chí không được gặp bác sĩ nam, nên trẻ em gái cũng không được chăm sóc y tế. Trong một email gửi cho hãng AP, bà Otunbayeva viết: “Trong một xã hội phân biệt giới tính nghiêm ngặt, làm thế nào phụ nữ Afghanistan có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản nhất nếu không có chuyên gia nữ điều trị cho họ?”.
Khủng hoảng nghiêm trọng
Lệnh cấm nữ giới tiếp cận giáo dục không chỉ liên quan đến quyền của phụ nữ, mà còn tạo ra cuộc khủng hoảng ngày càng nghiêm trọng đối với tất cả người dân Afghanistan. Hàng chục nghìn giáo viên mất việc. Các tổ chức tư nhân và doanh nghiệp được hưởng lợi tài chính từ việc giáo dục trẻ em gái bị ảnh hưởng. Thu nhập của người dân giảm sút. Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF)cho biết, việc loại bỏ phụ nữ khỏi thị trường việc làm sẽ gây thiệt hại cho GDP của Afghanistan.
Kể từ khi trở lại nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8-2021, Taliban ưu tiên kiến thức Hồi giáo hơn là đọc viết và tính toán cơ bản. Vì vậy, số trường Madrasa (trường trung học Hồi giáo) tăng nhanh chóng. Số lượng nữ sinh đến các trường học này cũng tăng sau khi các em bị cấm tới trường học thông thường. Song, các em phải học thuộc những câu kinh Koran được viết bằng tiếng Arab, trong khi đa phần các em không hiểu ngôn ngữ này.
Liên Hợp Quốc cho rằng, Afghanistan dưới thời Taliban là quốc gia “đàn áp nhất thế giới” khi nói đến quyền của phụ nữ. Điều này dẫn đến hàng loạt hệ lụy, trong đó có tỷ lệ sinh cao hơn ở những cô gái Afghanistan từ 15-19 tuổi không có trình độ học vấn từ bậc trung học trở lên, tình trạng lao động trẻ em và tảo hôn cũng có nguy cơ xảy ra vì các em gái không được đến trường. Thậm chí, nhiều gia đình cho các bé gái ăn mặc như con trai để giúp các em được hưởng nhiều tự do hơn và có cơ hội giáo dục tốt hơn.
Nhà lãnh đạo các nước thành viên Liên Hợp Quốc bày tỏ quyết tâm từ nay đến năm 2030 sẽ chấm dứt tình trạng nghèo đói, đấu tranh chống bất bình đẳng ở mỗi nước và giữa các nước, xây dựng những xã hội hòa bình, toàn diện và bình đẳng, tôn trọng và bảo vệ các quyền con người, đạt mục tiêu bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Song, các cuộc tấn công có hệ thống và chưa từng có tiền lệ nhằm vào các quyền của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan vẫn là mối quan tâm của Liên Hợp Quốc. Triển vọng phục hồi của quốc gia Nam Á sẽ ảm đạm nếu không bảo đảm việc giáo dục của trẻ em gái và việc làm của phụ nữ. Hiện khoảng 60% dân số Afghanistan cần hỗ trợ nhân đạo để duy trì cuộc sống trong năm nay.
KHÁNH LINH (theo AP, The Independent)