Quốc tế

Báu vật từ tiểu hành tinh Bennu

10:07, 26/09/2023 (GMT+7)

Việc tàu vũ trụ OSIRIS-Rex của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa mang theo mẫu vật ước tính nặng 250 gram lấy từ bề mặt tiểu hành tinh Bennu gần Trái đất là thành quả kỳ diệu, thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học thế giới. Đây là mẫu vật lớn nhất thu thập được từ trước đến nay trên một tiểu hành tinh và là mẫu vật tiểu hành tinh thứ ba được mang về Trái đất để phân tích, sau hai sứ mệnh tương tự của Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản.

Sự kiện được quan tâm đặc biệt vì đối tượng nghiên cứu là Bennu, tiểu hành tinh có đường kính 500m, có nguy cơ va trúng Trái đất vào ngày 24-9-2182. Nếu đụng phải Trái đất, Bennu sẽ giải phóng năng lượng tương đương ít nhất 24 quả bom hạt nhân.

Theo CNN, tàu OSIRIS-REx được NASA phóng vào tháng 9-2016 và đến tiểu hành tinh Bennu năm 2018. OSIRIS-REx quay quanh tiểu hành tinh này trong gần 2 năm sau đó và tiếp cận lấy mẫu vật ngày 20-10-2020. Sau khi nhóm nghiên cứu thực hiện lưu trữ thành công mẫu vật lấy từ tiểu hành tinh trong Viên nang trả lại mẫu (SRC), tàu rời Bennu vào tháng 5-2021 để thực hiện hành trình dài 1,9 tỷ km quay trở về Trái đất, bao gồm hai quỹ đạo quanh Mặt Trời. Khi đang di chuyển trong phạm vi cách bề mặt Trái đất 107.826km, khoang tàu bắt đầu rơi xuống khu vực được chỉ định ở thành phố Salt Lake trong thao trường Utah (Mỹ).

Trong khi đó, nhóm các nhà khoa học và kỹ thuật viên NASA đã túc trực hiện trường và tiếp cận khoang tàu lấy mẫu vật được trực thăng đưa thẳng đến một “phòng sạch” ở bãi thử nghiệm Utah. Ngày 26-9, hộp chứa mẫu vật sẽ được mở để chia mẫu vật thành các gói nhỏ gửi đến cho khoảng 200 nhà khoa học ở 60 phòng thí nghiệm hiện đại trên khắp thế giới để nghiên cứu, phân tích. Các nhà khoa học hy vọng mẫu vật sẽ giúp cho quá trình nghiên cứu để hiểu thêm về sự hình thành hệ Mặt trời và cách thức Trái đất trở thành hành tinh có sự sống. NASA dự kiến công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên về mẫu vật này vào ngày 11-10.

Bennu là tiểu hành tinh giàu carbon, được tạo thành từ tập hợp đá lỏng lẻo, có bề rộng chỉ 500 mét, rất nhỏ so với tiểu hành tinh Chicxulub vốn va vào Trái đất khoảng 66 triệu năm trước đây gây cơn địa chấn kinh hoàng khiến loài khủng long tuyệt chủng. Cũng giống như các tiểu hành tinh khác, Bennu được xem là tàn tích của hệ Mặt trời sơ khai. Thành phần hóa học và khoáng chất của Bennu hầu như không thay đổi kể từ khi hình thành khoảng 4,5 tỷ năm trước đây nên tiểu hành tinh này sẽ cung cấp những manh mối quý giá về nguồn gốc và sự phát triển của các hành tinh đá như Trái Đất.

Cứ 6 năm một lần, Bennu có quỹ đạo di chuyển tương đối gần Trái đất.  Tiểu hành tinh này được coi là “kẻ thù số 1” của Trái đất vì có thể gây thảm họa cho nhân loại trong tương lai. Đó cũng là lý do thúc đẩy NASA thu thập mẫu vật tại Bennu nhằm nghiên cứu cách bảo tồn sự sống thông qua việc ngăn chặn các tiểu hành tinh gần Trái đất.

Ngoài ra, quỹ đạo đặc biệt của Bennu cũng là điểm thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu. Nó đã trôi đi khoảng 280 mét mỗi năm về phía Mặt trời kể từ khi được phát hiện. Hiện tượng này được gọi là hiệu ứng Yarkovsky, tức là quá trình ánh sáng Mặt trời làm ấm một mặt của một tiểu hành tinh nhỏ, tối và sau đó tỏa nhiệt ra khỏi tiểu hành tinh khi nó quay. Việc tàu OSIRIS-REx đo hiệu ứng Yarkovsky từ cự ly gần để giúp các nhà khoa học dự đoán sự chuyển động của Bennu và các tiểu hành tinh khác trong hệ Mặt trời.

Có thể nói, mẫu vật từ Bennu được các nhà khoa học coi là “báu vật” vô cùng quý giá để  tiếp tục nghiên cứu, phân tích và từng bước hóa giải những bí ẩn trong vũ trụ bao la. Sau khi đưa mẫu vật từ Bennu xuống Trái đất, tàu OSIRIS-REx không nghỉ ngơi mà sẽ bắt đầu sứ mệnh mới OSIRIS-APophis EXPlorer trong cuộc hành trình khoảng 6 năm nữa để tiến tới “cuộc chạm trán” với tiểu hành tinh Apophis năm 2029. Tổng Giám đốc NASA Bill Nelson bày tỏ: “Sứ mệnh OSIRIS-Rex chứng minh NASA đã làm được những điều lớn lao, truyền cảm hứng và khẳng định không có gì nằm ngoài tầm với của nhân loại”!

TUYẾT MINH

.