Quốc tế

Bất ổn gia tăng ở Nagorno-Karabakh

07:41, 27/09/2023 (GMT+7)

Bất ổn ngày càng gia tăng ở Nagorno-Karabakh, điểm nóng xung đột trong quan hệ Armenia - Azerbaijan, với tình tiết mới nhất là vụ nổ tại kho nhiên liệu xảy ra vào rạng sáng 26-9 (giờ Việt Nam). Vụ việc đẩy khu vực này lâm vào khủng khoảng nhân đạo trầm trọng hơn, báo hiệu làn sóng di cư ồ ạt.

Người tị nạn từ vùng Nagorno-Karabakh đăng ký tại trung tâm viện trợ ở làng biên giới Kornidzor (Armenia) ngày 26 -9. Ảnh: Reuters
Người tị nạn từ vùng Nagorno-Karabakh đăng ký tại trung tâm viện trợ ở làng biên giới Kornidzor (Armenia) ngày 26 -9. Ảnh: Reuters

Giới chức Armenia công bố, ít nhất 20 người thiệt mạng và 290 người khác bị thương trong vụ nổ, trong đó có hàng chục người trong tình trạng nguy kịch. Giới chức ở Nagorny-Karabakh cho biết, năng lực y tế của khu vực này hiện không đủ; đồng thời kêu gọi điều máy bay chở đưa các ca bệnh nặng đến Armenia để cứu chữa.

Đợt di cư ồ ạt

Theo RT, Nagorny-Karabakh là thực thể ly khai khỏi lãnh thổ Azerbaijan từ đầu thập niên 1990. Tuy nhiên, lãnh thổ này vẫn được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Trong khi đó, người dân ở Nagorny-Karabakh chủ yếu là người dân tộc Armenia và có chính quyền riêng liên hệ chặt chẽ với chính phủ Armenia. Armenia và các nước thành viên Liên Hợp Quốc chưa công nhận chính quyền này. Điều này đã gây ra tranh chấp chủ quyền dai dẳng giữa hai nước láng giềng bởi họ đều coi Nagorno-Karabakh là nơi khởi nguồn cho lịch sử và bản sắc mình. Suốt hàng thập niên, các cuộc đụng độ giữa phe ly khai Armenia và quân đội Azerbaijan diễn ra triền miên.

Việc quân đội Azerbaijan bất ngờ mở chiến dịch “chống khủng bố” tấn công phe ly khai ở Nagorno-Karabakh ngày 19-9 mở đầu cho chuỗi ngày hoang mang, bế tắc đối với người dân ở khu vực này. Thông qua chiến dịch chớp nhoáng, Azerbaijan muốn đưa Nagorno-Karabakh trở về dưới sự kiểm soát của nước này sau gần 3 thập niên lực lượng ly khai được Armenia hỗ trợ biến nơi này thành khu tự trị.

Ngày 25-9, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cam kết các quyền của người sắc tộc Armenia ở vùng Nagorny-Karabakh sẽ được bảo vệ; đồng thời tin tưởng tiến trình tái hòa nhập của người Armenia ở Nagorny-Karabakh vào xã hội Azerbaijan sẽ thành công. “Chúng tôi đã bắt đầu gửi viện trợ nhân đạo tới Nagorny-Karabakh gồm nhiên liệu, thực phẩm và thuốc men. Điều này một lần nữa cho thấy cư dân Karabakh, bất kể sắc tộc của họ, đều là công dân của Azerbaijan. Quyền của họ sẽ được Nhà nước Azerbaijan đảm bảo”, ông Aliyev khẳng định.

Tuy nhiên, Guardians cho biết, từ khi chính quyền ly khai đầu hàng Azerbaijan, 120.000 dân gốc Armenia ở Nagorno-Karabakh lâm vào tình cảnh khốn khổ khi họ gần như thiếu hụt trầm trọng nhu yếu phẩm thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm và nước uống. Hoàn cảnh đưa đẩy họ phải rời nơi gắn bó để tìm đường trở lại Armenia. Tính tới sáng 26-9, Armenia đã tiếp nhận 13.550 trong tổng số 120.000 người gốc Armenia đến từ Nagorno-Karabakh. Lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga ở Nagorno-Karabakh đang hỗ trợ công tác sơ tán. Trong khi đó, Chính phủ Armenia đang phối hợp với các đối tác quốc tế để bảo vệ quyền và an ninh của người Armenia ở khu vực xung đột.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết việc Azerbaijan sử dụng vũ lực là không thể chấp nhận được và Washington đang xem xét phản ứng thích hợp. Giám đốc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) Samantha Power kêu gọi Azerbaijan duy trì lệnh ngừng bắn và thực hiện các bước cụ thể để bảo vệ quyền của dân thường ở Nagorno-Karabakh, mở lại hoàn toàn hành lang Lachin nối khu vực với Armenia và cho phép vận chuyển viện trợ cũng như phái đoàn giám sát quốc tế tiếp cận.

Cán cân quyền lực thay đổi

Theo Reuters, việc Azerbaijan giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ rộng lớn ở Nagorno-Karabakh làm thay đổi cán cân quyền lực vốn mong manh ở Nam Caucasus (gồm Armenia, Azerbaijan và Gruzia), khu vực gồm nhiều sắc tộc đan xen nhau với các đường ống dẫn dầu và khí đốt nơi Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran không ngừng cạnh tranh ảnh hưởng. Trước đây, Armenia dựa vào quan hệ đối tác an ninh với Nga trong khi Azerbaijan ngày càng thân thiết với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có chung quan hệ ngôn ngữ và văn hóa. Azerbaijan đang hướng đến tạo ra hành lang đất liền tới Thổ Nhĩ Kỳ qua Armenia.

Là một đồng minh truyền thống của Armenia, Nga đóng vai trò là nhân tố then chốt trong nỗ lực giải quyết các tình trạng leo thang trước đây, bao gồm cả hai cuộc chiến tranh toàn diện trên vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, Armenia gần đây tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây. Song hành với việc Mỹ công khai quan tâm Armenia, EU cũng tiến vào khu vực này với sứ mệnh giám sát riêng. Nga coi động thái này là mưu đồ địa chính trị có thể gây tổn hại đến lợi ích cốt lõi của người Armenia và người Azerbaijan.

Theo RT, ngày 25-9, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng, phát biểu mới nhất của Thủ tướng Armenia, ông Nikol Pashinyan, trong ngày Quốc khánh Armenia có nhiều thiếu sót và đơn thuần là sự trốn tránh trách nhiệm về những sai lầm đã gây ra của chính quyền nước này bằng cách đổ lỗi cho Nga và xích lại gần phương Tây.

“Chúng tôi tin rằng chính phủ Armenia đang mắc sai lầm lớn khi cố tình phá hủy mối quan hệ phức tạp và kéo dài hàng thế kỷ giữa Armenia và Nga, cũng như biến quốc gia của họ trở thành con tin trong trò chơi địa chính trị của phương Tây”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết. Nga chỉ trích Armenia đã “mất thời gian quý báu” mà lẽ ra có thể được sử dụng để thúc đẩy các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình giữa Armenia và Azerbaijan cũng như thực hiện việc phân định biên giới và tái khởi động các kênh liên lạc khu vực.

THƯ LÊ

.