Quốc tế

Tác động đa chiều của xung đột Hamas-Israel

07:38, 10/10/2023 (GMT+7)

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có hồi kết thì tình trạng bạo lực nghiêm trọng ở Trung Đông do xung đột Israel - Hamas bùng phát đang gây tác động tiêu cực, đa chiều về an ninh, kinh tế ở phạm vi toàn cầu, khiến cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại.

Ngày 7-10, phong trào Hồi giáo Hamas, lực lượng cai quản dải Gaza, mở đợt tấn công chưa từng có tiền lệ vào Israel. Không chỉ Hamas, nhóm Hezbollah ở Lebanon cũng tuyên bố tấn công các điểm đóng quân của Israel ở khu vực biên giới Shebaa Farms “để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine”. Tình thế này buộc Israel phải tuyên bố “tình trạng chiến tranh” và tiến hành chiến dịch đáp trả khốc liệt trên quy mô lớn vào Dải Gaza và Lebanon. Chỉ trong vài ngày xung đột, hàng ngàn người của cả hai bên thương vong.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp đẩy “chảo lửa” Trung Đông rơi vào vòng xoáy bạo lực vô cùng nghiêm trọng như Hamas tuyên bố chính là chiến dịch của họ nhằm đáp trả hoạt động phong tỏa cũng như tiến công quân sự gần đây của Israel ở Bờ Tây và bạo lực tại nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa, địa điểm tranh chấp tôn giáo.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, đằng sau động thái của Hamas có thể ẩn giấu mục đích lớn hơn, đó là nỗ lực chấm dứt quan hệ hợp tác giữa Israel và các quốc gia Arab, vốn bắt đầu một cách nghiêm túc dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump thông qua Hiệp ước Abraham. Với nỗ lực trung gian hòa giải của Mỹ, hiệp ước dẫn đến việc Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain lần đầu ký thỏa thuận công nhận nhà nước Israel. Maroc và Sudan cũng bình thường hóa quan hệ với nước Do Thái này. Gần đây nhất là tiến trình đàm phán để bình thường hóa quan hệ Israel- Saudi Arabia. Các thỏa thuận trên được xem là bước đột phá đáng chú ý vì trước đây các quốc gia Arab viện dẫn cách Israel đối xử với người Palestine để từ chối công nhận nhà nước Do Thái. Tuy nhiên, người Palestine nhất quyết phản đối các thỏa thuận này khi cho rằng hiệp ước không có lợi cho người Palestine mà chỉ phục vụ lợi ích của nhà nước Do Thái. Vì thế, “biến cố” ngày 7-10 càng khiến tình hình an ninh Trung Đông vốn phức tạp càng trở nên khó lường hơn. Theo National News, cuộc tấn công bất ngờ của Hamas sẽ khiến tiến trình đàm phán bình thường hóa quan hệ Saudi Arabia-Israel đứng trước thách thức nghiêm trọng, thậm chí có thể bị hủy bỏ và điều này sẽ có lợi cho Iran, nước từ lâu có quan hệ gây tranh cãi với hai nước này.

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp Trung Đông, làn sóng bạo lực lần này còn tác động an ninh toàn cầu. Nhiều nước như Anh, Canada, Pháp, Đức… đang gấp rút tăng cường an ninh nhằm ứng phó kịp thời các nguy cơ tiềm tàng như chủ nghĩa bài Do Thái hay ủng hộ Hamas. Đáng chú ý, theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, xung đột Israel-Hamas sẽ làm giảm sự ủng hộ mà phương Tây dành cho Ukraine bởi vì họ có thêm mối bận tâm mới. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng, Mỹ và các đồng minh nên tập trung giải quyết xung đột Palestine - Israel thay vì can thiệp việc riêng của Nga và viện trợ quân sự cho Ukraine.

Ở khía cạnh khác, xung đột Hamas-Israel có thể khiến ngân hàng trung ương của nhiều nước đối mặt với xu hướng lạm phát mới, cũng như giáng đòn mạnh vào triển vọng kinh tế ở thời điểm có nhiều hy vọng về khả năng kiềm chế đà tăng giá. Đặc biệt, theo AFP, xung đột này khiến nguy cơ về nguồn cung dầu thô trong khu vực gia tăng, trong khi vốn có nhiều lo ngại do Arab Saudi và Nga cắt giảm sản lượng. Các chuyên gia của Tập đoàn ANZ cho biết: “Điều quan trọng đối với thị trường là liệu xung đột có được kiềm chế hay không, hay sẽ lan rộng sang các khu vực khác, đặc biệt là Saudi Arabia”. Dù Israel và Palestine đều không phải là nhà cung cấp lớn trên thị trường dầu mỏ nhưng nằm ở cửa ngõ của vùng sản xuất và xuất khẩu dầu lửa quan trọng. Do đó, khi xung đột nổ ra, thị trường dầu mỏ trở nên “nóng” bất ngờ, nhất là ở châu Á. Sáng 9-10, tại châu Á, giá dầu tăng hơn 3 USD/thùng; giá dầu Brent tăng 3,34 USD lên 87,92 USD/thùng; giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) tăng 3,44 USD lên 86,23 USD/thùng.

Liên Hợp Quốc, Liên đoàn Arab cũng như nhiều quốc gia có ảnh hưởng ở Trung Đông đều lên tiếng kêu gọi các bên liên quan chấm dứt bạo lực ngay, xúc tiến đối thoại để tìm giải pháp có thể chấp nhận được nhằm hạ nhiệt xung đột.

TUYẾT MINH

.