Quốc tế

Tại sao các thành phố mới gia tăng ở nơi có nguy cơ lũ lụt cao?

07:03, 09/10/2023 (GMT+7)

Khi tốc độ đô thị hóa không ngừng tăng, những quốc gia với thu nhập trung bình cao có tỷ lệ các khu đô thị được xây dựng ở vùng nguy cơ lũ lụt ở mức cao nhất. Thực trạng này làm dấy lên lo ngại về khả năng dễ bị tổn thương của người dân trước thảm họa thiên nhiên này trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu tiếp tục leo thang.

Khu phố Matlacha bị phá hủy sau khi cơn bão Ian càn quét Fort Myers, Florida (Mỹ) vào tháng 9-2022. Nguồn: CNN
Khu phố Matlacha bị phá hủy sau khi cơn bão Ian càn quét Fort Myers, Florida (Mỹ) vào tháng 9-2022. Nguồn: CNN

CNN dẫn những điểm nhấn trong nghiên cứu công bố gần đây trên Tạp chí Nature cho biết, số lượng khu định cư, từ các làng nhỏ đến các thành phố lớn, có nguy cơ lũ lụt cao nhất đã mở rộng liên tục và nhanh chóng với mức tăng khoảng 122% kể từ năm 1985. Nghiên cứu phần nào hé lộ nguyên nhân dẫn đến nghịch lý này cũng như đề xuất giải pháp khả thi về quy hoạch tương lai, qua đó giúp nâng cao sức chống chịu của đô thị trước lũ lụt.

Đông Á, Thái Bình Dương trước nguy cơ lũ lụt cao nhất

Các mô hình đô thị hóa và phát triển không gian là những yếu tố chính làm tăng mức độ dễ bị tổn thương của người dân trước những “cú sốc” khí hậu, trong đó có lũ lụt. Ông Paolo Avner, chuyên gia kinh tế cấp cao của Ngân hàng Thế giới (WB), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Trong thời điểm con người cần thích ứng với biến đổi khí hậu, nhiều quốc gia lại đẩy mạnh xây dựng khu định cư mới tại vùng có nguy cơ lũ lụt ngày càng cao. Đây là xu hướng đáng lo ngại, đặc biệt khi biến đổi khí hậu đang làm gia tăng tần suất và mức độ lũ lụt ở phạm vi toàn cầu”.

Để có nghiên cứu này, các nhà khoa học phân tích kỹ lưỡng các bộ dữ liệu về nguy cơ lũ lụt toàn cầu và khuynh hướng định cư hằng năm trong giai đoạn 1985 - 2015 để xác định nhóm dân cư có nguy cơ chịu ảnh hưởng lũ lụt nặng nề nhất. Theo đó, khi số lượng khu định cư trên thế giới tăng 85%, quá trình đô thị hóa ở những vùng có nguy cơ cao về lũ lụt vượt xa những khu vực có nguy cơ thấp. Năm 2015, hơn 11% diện tích xây dựng toàn cầu đối mặt với nguy cơ lũ lụt cao hoặc rất cao (nguy cơ ngập sâu ít nhất 50cm).

Rủi ro lũ lụt cao đáng kể ở tất cả khu vực toàn cầu và mọi nhóm thu nhập nhưng một số nơi phải đối mặt rủi ro cao hơn hẳn. Cụ thể, Đông Á và Thái Bình Dương có mức độ các khu định cư chịu ảnh hưởng lũ lụt cao nhất trong khi Bắc Mỹ và châu Phi cận Sahara ở mức thấp nhất. Ở Đông Á, các khu định cư đứng trước nguy cơ lũ lụt cao đã mở rộng hơn 60% so với các khu vực an toàn. Các nước với thu nhập trung bình cao, chẳng hạn Trung Quốc, có tỷ lệ các khu định cư mới ở các vùng có nguy cơ lũ lụt ở mức cao nhất. Không những vậy, tình trạng ngập lụt cũng không ngoại lệ ở một số quốc gia tăng trưởng cao như Mỹ, Nhật Bản và Hà Lan. Chính phủ các nước này phải “rót” những khoản tiền rất lớn để bảo vệ an toàn cho người dân.

Những số liệu nói trên cung cấp bằng chứng đáng tin cậy về sự khác biệt về nguy cơ lũ lụt giữa của các quốc gia. Tuy nhiên, thay vì điều chỉnh “mức độ dễ bị tổn thương” này, một số quốc gia lại tiếp tục làm trầm trọng thêm mức độ này trước những cú sốc khí hậu với tần suất thường xuyên hơn.

Vì sao có thực trạng xây dựng đô thị ở vùng lũ?

Theo CNN, có rất nhiều lý do khiến số lượng các khu định cư mới tăng vọt tại vùng đất có nguy cơ lũ lụt nhưng sự khan hiếm quỹ đất hiện nay được cho là nguyên nhân chính. Thực tế, phần lớn vùng đất an toàn đã được tận dụng, do đó giới đầu tư phải tìm những khu đất còn trống để phát triển dự án đô thị, bất chấp rủi ro. Thực tế này cho thấy mức độ phát triển đô thị mới không cân xứng ở vùng đồng bằng có nguy cơ ngập lũ và các khu vực khác mà trước đây lẽ ra phải tránh.

Lý do thứ hai chính là lợi ích khổng lồ về kinh tế vốn đang làm lu mờ nguy cơ tiềm ẩn từ thảm họa lũ lụt khi các nhà đầu tư đổ xô xây dựng các thành phố cảng lớn, khu cộng đồng ven biển hoặc dự án du lịch. Một số nguyên nhân khác gồm thiếu dữ liệu lũ lụt, quy hoạch đô thị hay chế tài quản lý không hiệu quả. Tây nam Florida, nơi có nguy cơ hứng chịu các cơn bão ngày càng nghiêm trọng, đã chứng kiến dân số bùng nổ do chi phí sinh hoạt tương đối rẻ hơn. Chính quyền nơi dây đã nới lỏng quy định về xây dựng ở những khu vực có nguy cơ cao và vùng trũng thấp.

Các nhà nghiên cứu khuyến nghị giải pháp cho các nhà hoạch định chính sách và lập kế hoạch, gồm đầu tư mạnh mẽ hơn vào công tác phòng, chống thiên tai, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm và sơ tán ở những khu vực có nguy cơ lũ lụt cao, cũng như sửa đổi kế hoạch sử dụng đất và ban hành các quy chuẩn xây dựng ở những khu vực có nguy cơ lũ lụt gia tăng.

G.S Robert Nicholls về thích ứng khí hậu tại Đại học East Anglia (Anh), nhận định: “Rủi ro lũ lụt cũng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về mức độ và tính dễ bị tổn thương của cộng đồng. Những thay đổi này tăng lên thì hẳn nhiên sẽ kéo rủi ro tăng theo”. Các mô hình đô thị hóa nhanh nhưng không hiệu quả đang làm tăng nguy cơ lũ lụt và biến đổi khí hậu xét cho cùng chỉ là tác nhân “đổ thêm dầu vào lửa” làm trầm trọng thêm những rủi ro này trong tương lai. Trong tín hiệu khả quan, các thành phố trên thế giới đang chuyển đổi chính sách, phương pháp và có những bước tiến đáng kể trong tích hợp rủi ro thiên tai vào quy hoạch sử dụng đất, dẫu vẫn còn nhiều thách thức phía trước.

THƯ LÊ

.