Đà Nẵng cuối tuần
'Ấn Độ đã tới mặt trăng rồi' (*)
Ngày 23-8-2023 đánh dấu bước tiến có tính lịch sử chinh phục vũ trụ của Ấn Độ khi tàu Chandrayaan-3 hạ cánh xuống cực nam của mặt trăng, vùng “đất” chưa từng có bất cứ vật thể bay của con người đáp xuống thành công. Chiếc xe nặng 28kg suốt 14 ngày sau đó chạy khoảng đường chừng mười bốn mét nhưng mở ra triển vọng khám phá quan trọng cho hành trình tìm hiểu vùng đặc biệt cực nam mặt trăng. Cả nước Ấn Độ tự hào, nỗ lực bền bỉ của quốc gia đông dân thứ hai thế giới được đền đáp. Bài viết này điểm lại những điểm chính của quá trình chinh phục mặt trăng của Ấn Độ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trực tiếp theo dõi và chúc mừng cú hạ cánh thành công của tàu Chandrayaan-3. Ảnh: DW |
Mặt trăng ở đâu?
Kiến thức phổ thông nhắc chúng ta hệ mặt trời là một “gia đình” gồm có tám hành tinh. Từ tâm mặt trời lần lượt ra xa là các sao: Thủy, Kim, trái đất, Hỏa, Mộc, Thổ, Thiên Vương và Hải Vương. Các hành tinh nói trên quay theo cùng một chiều và gần như cùng một mặt phẳng quanh mặt trời. Thời xa xưa, người ta cho rằng trái đất hình vuông, là trung tâm của vũ trụ và mặt trời quay chung quanh nó (thuyết “địa tâm”) tiêu biểu là Ptolemy (khoảng 150 TCN). Thuyết địa tâm thống trị suy nghĩ nhân loại hơn hơn 2.000 năm, cho đến khi Nicolaus Copernicus (Ba Lan, 1543) trục xuất học thuyết này ra khỏi nhận thức khoa học bằng thuyết nhật tâm. Nhiều người đã chết hoặc bị tù đày vì dám bảo vệ chân lý này, ngọn lửa từ giàn hỏa thiêu G.Bruno đã giúp thắp sáng bầu trời nhận thức con người. Sau Copernicus đến nay, có nhiều nhà khoa học gắn cuộc đời mình vào vũ trụ với những khám phá độc đáo, nhưng lịch sử thường nhắc đến hai con người khổng lồ: Newton với định luật vạn vật hấp dẫn và A. Einstein với thuyết tương đối rộng, nền tảng để tạo bước đột phá nghiên cứu vũ trụ.
Học thuyết Newton đã sắp lại vũ trụ theo trật tự vốn có của nó, còn A. Einstein giải thích bản chất của sự vận động và đứng im vũ trụ. Cũng từ phát hiện quy luật của hai ông mà hiểu biết của nhân loại về vũ trụ có bước tiến dài. Môn vật lý thiên văn trở thành niềm đam mê bất tận. Bầu trời trở thành thánh đường cho vô vàn khám phá, vẻ đẹp vũ trụ trở thành niềm khao khát cháy bỏng của con người. Hiểu biết về vũ trụ đến chinh phục không gian có những bước tiến chưa từng. Bầu trời, nhất là mặt trăng chưa bao giờ gần gũi với chúng ta như hôm nay.
Nếu mặt trời là tâm thì gần với khối lửa khổng lồ này là sao Thủy, tiếp theo là sao Kim rồi mới tới trái đất. Khoa học từ lâu đã đo chính xác đường kính của mặt trời là 1.393.684km, nhiệt độ khủng khiếp ở lõi 15 triệu 0C, còn ở bề mặt 5.5000C, ánh sáng của nó phải mất 8 phút để vượt qua quãng đường 150 triệu km để đến trái đất, là nguồn năng lượng tạo ra và duy trì sự sống trên trái đất. Không có mặt trời thì không có sự sống, không có con người và muôn vật đẹp đẽ tươi tốt quanh ta. Dĩ nhiên cũng không có cả thi ca ngợi ca vẻ đẹp lộng lẫy của bầu trời, của chị Hằng, vĩnh viễn không có “Trong vườn đêm ấy nhiều trăng quá/ Ánh sáng tuôn đầy các lối đi” (Xuân Diệu).
Có bao nhiêu hành tinh trong vũ trụ? Không thể đếm chính xác được, thiên văn học ước tính có khoảng 100.000 tỷ tỷ hành tinh, và riêng dãy Ngân Hà (có hệ Mặt trời) cũng chứa hàng tỷ hành tinh. Như chúng ta biết, sao Thủy, sao Kim không có vệ tinh, chỉ đến hành tinh thứ Ba (từ mặt trời) là trái đất mới có một vệ tinh là mặt trăng quay quanh. Trái đất, nơi sinh sống của 8 tỷ con người chỉ là một chấm nhỏ li ti trong vũ trụ, và mặt trăng càng nhỏ hơn. Đường kính của mặt trăng 3.476km, gần bằng ¼ đường kính trái đất (12.700km). Nếu thiên hà xuất hiện là do từ một vụ nổ lớn (Big Bang), thì sự có mặt của mặt trăng là kết quả của một vụ va đập khủng khiếp của một thiên thạch vốn tồn tại dày đặc và hỗn độn trong vũ trụ, do một sự bất cẩn nào đó nó đập mạnh vào trái đất. Kết quả là một mảnh của trái đất bị tách rời, văng ra xa trái đất một khoảng 384.399km (để ý khoảng cách từ Hà Nội tới Thành phố Hồ Chí Minh gần 2.000km). Ánh sáng từ mặt trăng tới trái đất phải mất…1,2 giây!
Những thông tin mà con người biết được cho đến nay thì mặt trăng chỉ là một khối cầu đá khô khốc, chưa tìm ra bằng chững trực tiếp có nước. Trọng lực của mặt trăng bằng 1/8 dưới đất và khoảng cách chỉ 1,2 giây ánh sáng ấy trở thành thử thách có sức cám dỗ to lớn. Liên Xô (cũ) với vệ tinh đầu tiên (10-1957), động vật đầu tiên (11-1957) và con người đầu tiên (4-1961) bay vào vũ trụ, cũng là nước đầu tiên có thiết bị đổ bộ mặt trăng (2-1966). Nhưng Mỹ với chương trình Apollo đầy tham vọng mới là người đầu tiên đáp xuống mặt trăng (Apoloo 11). Armstrong sau khi cắm lá cờ Mỹ xuống mặt trăng đã nói: “Mấy bước chân ngắn ngủi ở đây nhưng là những bước chân vĩ đại của con người”. Mặt trăng trở thành điểm hội tụ của cuộc chạy đua ngấm ngầm nhưng vô cùng gay cấn của các cường quốc vũ trụ. Danh sách các nước tham gia vào cuộc chạy đua này ngày càng mở rộng.
Ấn Độ với mặt trăng
Khát vọng chinh phục mặt trăng chưa bao giờ lại sôi nổi như hiện nay. Sau Nga, Mỹ là một cuộc chạy đua âm thầm nhưng mạnh mẽ của nhiều nước. Nhật Bản, Israel, Hàn Quốc, EU… Riêng Trung Quốc bắt đầu nghiên cứu vũ trụ từ năm 1956, làm chủ công nghệ tên lửa và đến năm 2003 đưa người lên vũ trụ, năm 2007 phi hành gia Trung Quốc lần đầu đi bộ ngoài không gian. Giờ đây những Thiên Cung, Hằng Nga trở nên quen thuộc, theo kế hoạch Trung Quốc sẽ đưa người lên mặt trăng trong vài năm tới, nhưng gần đây người ta chú ý đặc biệt đến trường hợp Ấn Độ. Vì sao?
Có nhiều cách giải thích. Không chỉ là nước “lên trời” muộn hơn mà còn là do cách mà Ấn Độ triển khai và nhất là kết quả đạt được. Chương trình nghiên cứu vũ trụ của Ấn Độ ra đời từ năm 1962 (INCOSPAR - Ủy ban Nghiên cứu vũ trụ Quốc gia Ấn Độ) đến năm 1969 đổi thành Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO). TS Vikram Sapabhai là linh hồn của ISRO, người ta nhớ đến ông như một bậc thầy về tổ chức, chính nhà nghiên cứu điềm đạm nhưng nghiêm khắc này đã thiết kế toàn bộ chương trình không gian mà quan trọng nhất là dự án Chandrayan (Mặt Trăng) cũng như chương trình hạt nhân của Ấn Độ.
Nếu Chandrayaan 1 (10-2008) sau khi bay được 312 ngày, khi còn cách mặt trăng khoảng 200km, thì phi thuyền đổ bộ và cỗ máy thám hiểm bị hỏng, nhưng phi thuyền chính vẫn bay quanh quỹ đạo mặt trăng và vẫn gửi tín hiệu. Chandrayaan 3 thành công rực rỡ. Được phóng lên mặt trăng vào ngày 14-7-2023 và đến ngày 23-8 tàu đổ bộ mang tên Vikram (để tưởng nhớ nhà khoa học Vikram Sapabhai) đáp thành công xuống cực nam mặt trăng, vùng “đất” chưa có bất cứ vật bay nào của con người hạ cánh trước đó, đánh dấu một bước tiến độc đáo trong quá trình khám phá mặt trăng của nhân loại. Pragyaan (tiếng Phạn: “Trí tuệ”) là cỗ máy tự hành có 6 bánh, nặng hơn 25kg, sau khi rời khỏi bụng mẹ Vikram đã di chuyển trên bề mặt vùng băng giá với vận tốc 60cm/phút cùng với các thiết bị thăm dò trong đó có mũi khoan sâu 10cm, ngay trong ngày đầu Vikram đã gửi những thông số khoa học về các nguyên tố như sắt, nhôm, canxi, titan… Đến thời điểm hiện tại, Ấn Độ là quốc gia đầu tiên và duy nhất có phi thuyền đáp thành công xuống vùng cực nam.
Có hai thử thách và cũng là sự hấp dẫn lớn nhất khi con người thám hiểm mặt trăng: Lấy mặt trăng làm điểm đê-pa cho cuộc viễn chinh lên các hành tinh khác và cư ngụ lâu dài với chị Hằng. Cả hai yêu cầu đó đều phải bắt đầu từ một tiền đề quan trọng: phải có nước. Nói thêm, ý định chuyên chở nước từ trái đất lên là bất khả, vì nó quá tốn kém. Mỹ, Nga, Trung Quốc đều tập trung đưa thiết bị của mình hạ xuống vùng cực nam này nhưng đến nay chỉ Ấn Độ mới làm được. Với thành công này Ấn Độ thật sự trở thành cường quốc về khoa học vũ trụ.
Với hơn 382kg đá mặt trăng được các phi thuyền cũng như các phi hành gia mang về từ trước đến nay, kết quả phân tích cho thấy khó có khả năng có nước trừ vùng cực nam, nơi nhiệt độ thường xuyên -2500C. Chính cái lạnh của vùng băng giá vĩnh cữu cực nam này tạo ra các “bọc nước”, là kho báu của vệ tinh thân thiết này. Theo tính toán của các nhà khoa học, trữ lượng vùng này khoảng 700 triệu tấn nước đá, đủ để cho việc sinh sống lâu dài của các nhà nghiên cứu cũng như chiết tách tạo nhiên liệu (oxy và hydro) cho các động cơ bay đến các hành tinh khác.
Đến được vùng cực nam là một kỳ tích nhưng cách để đạt được điều này càng đáng nói hơn. Có người nói Ấn Độ bay lên vũ trụ từ chiếc… xe đạp. Chuyện kể từ những năm cuối thập kỷ 60, có lần một chi tiết của vệ tinh được một nhà khoa học Ấn Độ chở bằng xe đạp. Ấn Độ là nước nghèo, điều này ai cũng biết, nếu GDP bình quân đầu người của Mỹ là 69.200 USD/người thì Ấn Độ là 2.277 USD, con số này cũng chỉ bằng 1/6 của Trung Quốc. Mỹ chi hơn 20 tỷ USD cho chương trình thám hiểm mặt trăng năm nay thì phi thuyền Chandrayaan 3 của Ấn Độ tốn khoảng 74 triệu USD, chưa bằng ½ (200 triệu USD) chi phí của sứ mệnh thất bại Luna 25 của Nga. Có lẽ cũng do ngân sách eo hẹp, biết người biết ta nên phi thuyền của Ấn Độ phải mất tới 40 ngày mới tới mặt trăng, lâu gấp 10 lần thời gian bình quân của phi thuyền các nước.
Nghèo không cản được quá trình khám phá. Hàng trăm nhà khoa học từ các ngành khác nhau trong Viện Hàn lâm Ấn Độ đã tập trung cho chương trình chinh phục vũ trụ. Chính họ làm nên niềm kiêu hãnh khoa học đất nước của Gandhi.
Giống như hầu hết các nước mới giành được độc lập, không ít nhà khoa học của Ấn Độ du học hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, song nhân tố chính yếu vẫn là hệ thống giáo dục và nhất là hệ thống đại học trong nước đạt trình độ quốc tế. Ngày nay Viện Hàn lâm khoa học, các viện nghiên cứu, các chương trình thám hiểm vũ trụ của Ấn Độ đáp ứng nhiệm vụ nghiên cứu. Không chỉ thám hiểm mặt trăng mà còn thành công trong việc nghiên cứu mặt trời và các hành tinh khác.
Báo chí gần đây hay nhắc đến TS. Ritu Srivastava, nhà khoa học có biệt danh “Người phụ nữ tên lửa” của Ấn Độ, bà là giám đốc chương trình Chandrayaan nghiên cứu mặt trăng và là phó giám đốc điều hành chương trình Mangalyaan nghiên cứu sao Hỏa. Bà là niềm tự hào cho phụ nữ Ấn. Tất cả các nhiệm vụ dù khó khăn và phức tạp đến mấy, người Ấn Độ có thể làm được, hơn thế phụ nữa Ấn Độ có thể làm được.
Một chương trình phản ánh tầm nhìn chiến lược quốc gia, được Chính phủ tập trung chỉ đạo và đầu tư về ngân sách nhưng chính là con người đủ trình độ vươn ra tầm vũ trụ. Giờ đây người Ấn không chỉ quan tâm đến mặt trăng mà còn cả mặt trời và các vì tinh tú khác. Việc đưa người lên mặt trăng không còn là chuyện xa xôi, sẽ có một ngày không xa họ sẽ làm được điều đó.
Rakesk Sharma là người đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1984 sau Phạm Tuân 4 năm. Gần 40 năm sau Ấn Độ đáp xuống thành công cực nam mặt trăng và phóng vệ tinh thám hiểm mặt trời, trở thành cường quốc vũ trụ. Khoảng thời gian gần 4 thập kỷ ấy sẽ không bao giờ lặp lại, quan trọng là chúng ta đã để lại gì trên bầu trời nghiên cứu? Đó không phải là chuyện trên trời, sự thành công ấy trước hết là kết quả của một tầm nhìn, một cách tổ chức và trước hết là hệ thống đào tạo, nghiên cứu của quốc gia. Hy vọng thì bằng nhau nhưng thành công chỉ có thể xuất hiện khi ta có quyết tâm và cách đi đúng.
HUỲNH THỤC NHÂN
(*) Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi