Quốc tế

Châu Âu lo hụt hơi trong cuộc đua vũ trụ

08:04, 08/11/2023 (GMT+7)

Nhận thấy nguy cơ chậm chân trong lĩnh vực khai phá không gian trước sự trỗi dậy của Mỹ và các cường quốc khác, châu Âu đang tăng tốc mọi nguồn lực để nắm bắt cơ hội phát triển trong nền kinh tế vũ trụ mới nổi.

 SEOSAT-Ingenio, vệ tinh sứ mệnh chụp ảnh mặt đất có độ phân giải cao của Tây Ban Nha, trong không gian. Ảnh: ESA
SEOSAT-Ingenio, vệ tinh sứ mệnh chụp ảnh mặt đất có độ phân giải cao của Tây Ban Nha, trong không gian. Ảnh: ESA

Trong bối cảnh kinh tế vũ trụ phát triển mạnh mẽ, việc đứng ngoài lĩnh vực này là sai lầm chiến lược khó có thể biện minh. Thực tế, châu Âu lâu nay giữ vai trò đầu tàu trong sứ mệnh giám sát khí hậu, điều hướng và khoa học không gian nhưng lại chưa có vị thế quan trọng trong khai phá không gian, thay vào đó chỉ ở vai trò cấp dưới trong các dự án của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và gần đây nhất là Nga.

“Thượng đỉnh không gian”

Theo Economic Times, trong hai ngày 6 và 7-11, hơn 20 quốc gia thành viên Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) họp tại Tây Ban Nha để quyết định về tương lai của châu Âu trong lĩnh vực không gian, bao gồm thúc đẩy nhiệm vụ thăm dò tiềm năng và giải quyết cuộc khủng hoảng về bệ phóng tên lửa. Cụ thể, cuộc họp cấp bộ trưởng của 22 nước thành viên ESA diễn ra tại Seville ngày 6-11 và tiếp đến là phiên họp chung với Liên minh châu Âu (EU) một ngày sau đó. Các sự kiện này được ví như “Thượng đỉnh không gian” diễn ra trong bối cảnh châu Âu đang đứng trước nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua vũ trụ, sau khi dự án tên lửa Ariane 6 bị trì hoãn và mẫu tên lửa Vega-C nhỏ hơn đang tạm dừng khai thác để khắc phục lỗi.

Dự kiến, các quốc gia thành viên ESA ​​sẽ tái khẳng định cam kết đối với các sứ mệnh quan sát Trái đất nhằm thu thập dữ liệu về biến đổi khí hậu như ưu tiên để tài trợ trong tương lai. Ngoài ra, ESA sẽ tìm cách tháo gỡ những căng thẳng trong nhóm các nước đi đầu về không gian liên quan chính sách triển khai, trong đó có việc cấp vốn trung hạn cho dự án Ariane 6 dự kiến được đưa vào thử nghiệm lần đầu trong năm 2024, chậm hơn 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Điểm nhấn đáng chú ý khác trong cuộc gặp lần này là vòng thảo luận kế hoạch gọi vốn đầu tư tư nhân để phát triển loại phi cơ vũ trụ có chức năng đưa hàng hóa đến và đi từ các trạm vũ trụ trong tương lai. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ, dự án này sẽ mở rộng để đạt mục tiêu cuối cùng là tiến hành các chuyến bay đưa người vào không gian. Đề xuất này giống với tàu vũ trụ Hermes, vốn vẫn còn “nằm trên bản vẽ” và tàu chở tối đa ba phi hành gia vào vũ trụ được xem là “lời đáp trả” chương trình Tàu con thoi của Mỹ cũng bị hủy bỏ vào năm 1992.

Gỡ “nút thắt” để bứt phá

Chủ đề gai góc nhất của hội nghị thượng đỉnh lần này vẫn là thực trạng châu Âu thiếu bệ phóng tên lửa. Trước đây ESA phải dựa vào Nga hoặc Mỹ để đưa các phi hành gia của mình lên vũ trụ trong khi việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi nguồn vốn đầu tư đáng kể. Ông Philippe Baptiste, người đứng đầu cơ quan vũ trụ CNES của Pháp, cho biết, các cuộc đàm phán về phát triển bệ phóng hiện nay “rất khó khăn”.

AFP dẫn nguồn tin thân cận cho biết, sự chậm trễ và lạm phát chồng chất đã khiến các dự án không gian liên tục rơi vào tình trạng chậm trễ. Pháp, nơi đặt trụ sở của nhà sản xuất tên lửa châu Âu ArianeGroup, muốn có thêm nguồn vốn để giúp giải quyết chi phí hoạt động vượt mức. La Tribune tuần trước đã “chốt” mức thiếu hụt 350 triệu euro mà tập đoàn này đang đối mặt. Châu Âu mất quyền tiếp cận tên lửa Soyuz của Nga sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát vào năm ngoái. Tháng 7-2023, ESA buộc phải sử dụng tên lửa từ SpaceX của tỷ phú Elon Musk để phóng kính viễn vọng không gian Euclid của mình vào không gian.

Tổng Giám đốc ESA Josef Aschbacher kêu gọi châu Âu không lặp lại những sai lầm trong quá khứ trong lĩnh vực công nghệ. Việc không tham gia vào nền kinh tế vũ trụ đang phát triển sẽ rất khó biện minh về mặt chiến lược. Khoảng hai thập niên trước, châu Âu không hề thua kém so với Mỹ hay Nhật Bản tính theo số lượng bằng sáng chế và năng lực sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, các công ty công nghệ thông tin lớn nhất hiện không còn ở châu Âu, mà thay vào đó xuất hiện ngày càng nhiều ở Mỹ và Trung Quốc. “Chúng tôi đã lỡ chuyến tàu. Công nghệ lượng tử là dẫn chứng thực tế tương tự mà chúng tôi hiện đang cố gắng bắt kịp tiến bộ”, ông Aschbacher nhấn mạnh.

Rõ ràng, nếu không gỡ những “nút thắt” trên, châu Âu nhiều khả năng “hụt hơi” trong cuộc đua không gian với các nền kinh tế lớn khác, trong đó phải kể đến khả năng bứt phá mạnh mẽ của Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ vốn đang nhắm tới những sứ mệnh lớn hơn ở Mặt trăng.

Theo Reuters, ngày 6-11, Ý, Pháp và Đức, những nước đi đầu về không gian ở châu Âu, ký thỏa thuận giúp ngành vũ trụ của châu lục này tăng cường bệ phóng tên lửa và bảo đảm khả năng tiếp cận quỹ đạo. Thỏa thuận này đánh dấu sự thành công của quan hệ ba bên và có thể mở đường cho sự hợp tác rộng hơn của chính sách công nghiệp quốc phòng. Bên cạnh đó, “cái bắt tay ba bên” này đem lại bước ngoặt trong triển vọng của ngành vũ trụ và mở đường cho thỏa thuận lớn hơn với sự tham gia của toàn bộ thành viên ESA.

THƯ LÊ

.