Quốc tế

Thế khó của Mỹ về xung đột Gaza

07:33, 06/11/2023 (GMT+7)

Mỹ vẫn nỗ lực duy trì sự cân bằng mong manh vào thời điểm xung đột ở Dải Gaza đang chuyển biến xấu. Việc “đi dây” giữa sát cánh cùng đồng minh Israel chống Hamas đồng thời tránh kích động xung đột lan rộng hơn khiến Mỹ vẫn bế tắc khi tìm giải pháp đột phá.

Một người đàn ông Palestine bế con đi dọc con đường bị hư hại trong vụ không kích của Israel ở Bờ Tây. Ảnh: AFP
Một người đàn ông Palestine bế con đi dọc con đường bị hư hại trong vụ không kích của Israel ở Bờ Tây. Ảnh: AFP

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm một số nước Trung Đông với Israel là điểm dừng chân đầu tiên. Chuyến đi thu hút sự chú ý đặc biệt khi diễn ra đúng thời điểm xung đột ở Gaza bước vào giai đoạn leo thang căng thẳng mới.

Tranh cãi với đồng minh Arab

Theo AP, sau cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ngày 4-11, Ngoại trưởng Blinken gặp những người đồng cấp của các nước Arab tại thủ đô Amman (Jordan) để thảo luận “cơ chế khẩn cấp nhằm chấm dứt bạo lực” ở Gaza. Đúng như dự đoán, giới lãnh đạo Arab hối thúc Mỹ hướng đến lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Tuy nhiên, ông Blinken lại có lập trường khác biệt bởi cho rằng lệnh ngừng bắn ở thời điểm này có thể vô hình trung giúp Hamas tái tập hợp lực lượng và tiến hành vụ tấn công mới, làm suy giảm khả năng tự vệ của Israel. Thay vào đó, Mỹ ủng hộ “tạm dừng vì nhân đạo”, tức là khoảng thời gian tạm lắng trong giao tranh có thể kéo dài chỉ vài giờ để cho phép viện trợ nhân đạo và cho người dân rời khỏi Gaza. Đáng tiếc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cũng bác bỏ điều này khi ông gặp Blinken trước đó tại Tel Aviv.

Đến nay, các cường quốc thế giới và khu vực vẫn chưa đạt đồng thuận về cách giải quyết xung đột Israel - Hamas. Sự khác biệt này thể hiện rõ ở thế bế tắc với “chín người, mười ý” ở Liên Hợp Quốc (LHQ). Rõ ràng, xung đột của Israel với người Palestine cũng lâu đời không kém lịch sử của LHQ, song chưa có xung đột nào gây rối loạn nội bộ LHQ như chiến sự Israel - Hamas. Các thành viên Hội đồng Bảo an vẫn bất đồng về lệnh ngừng bắn. Chưa có nghị quyết nào liên quan xung đột này được Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên thông qua. Thậm chí, thỏa thuận cho phép người nước ngoài và người có hai quốc tịch rời Gaza, tín hiệu khả quan nhất đến nay, đang bị gián đoạn khi Hamas và Israel cáo buộc nhau phá hoại thỏa thuận.

Dư luận vẫn chưa quên vụ tấn công bệnh viện lớn ở Gaza khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng, thì nay liên tiếp các vụ tấn công vào các trại tị nạn càng khiến làn sóng phản ứng dữ dội ở nhiều nơi trên thế giới. Ngày 5-11, WAFA (Palestine) xác nhận, ít nhất 51 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương trong cuộc không kích của Israel nhắm vào trại tị nạn Maghazi. Đến nay, Israel vẫn cáo buộc Hamas đang sử dụng cư dân làm lá chắn sống.

Trong khi đó, bạo lực ngày càng tồi tệ ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng làm dấy lên lo ngại rằng lãnh thổ này có thể trở thành mặt trận thứ ba trong cuộc chiến rộng lớn hơn, bên cạnh giao tranh ở Gaza và biên giới phía bắc của Israel, nơi các cuộc đụng độ với lực lượng Hezbollah của Lebanon gia tăng.

Lá phiếu cho ông Biden sẽ lung lay?

Chỉ còn một năm nữa là đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, chính sách Trung Đông hiện nay của Tổng thống Biden khiến nhiều người Mỹ gốc Arab và Hồi giáo không đồng tình, và thực tế này có thể khiến ông mất sự ủng hộ của các cử tri đặc biệt này trong chiến dịch tái tranh cử. Theo CNN, dù người Mỹ gốc Ả Rập và Hồi giáo chỉ chiếm phần nhỏ trong dân số Mỹ (4,5 triệu người, hay 1,3%) nhưng họ có ảnh hưởng rất lớn ở các “bang chiến trường” nơi một số cử tri không đồng tình với cách xử trí của chính quyền ông Biden liên quan xung đột Israel-Hamas. Năm 2020, ông Biden dễ dàng chiến thắng tại các bang chiến trường như Michigan, Virginia, Georgia và Arizona nhưng nhiều khả năng ông sẽ mất đi lá phiểu từ cử tri Hồi giáo ở các bang này trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới.

Một số động thái công khai như Mỹ phủ quyết dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ về lệnh ngừng bắn, hay việc Mỹ “không vạch ra ranh giới đỏ” cho Israel có thể là những yếu tố gây mất điểm cho ông Biden. Một số người ủng hộ Palestine đồng quan điểm cho rằng, chính quyền ông Biden thất bại trong việc sử dụng đòn bẩy đối với đồng minh Israel để giảm thiểu số dân thường Palestine thương vong. Hadia Barre, người Mỹ gốc Somali, cho rằng, người Hồi giáo ở Mỹ đã “bị gạt ra ngoài lề chính trị Mỹ kể từ vụ khủng bố 11-9, và sự ủng hộ mang tính phân biệt đối xử này đối với Israel sẽ chỉ càng làm cô lập và xa lánh các cử tri Hồi giáo ở cường quốc này”.

Số phận của giải pháp hai nhà nước
Tổng thống Biden gần đây cho biết: “Khi khủng hoảng Israel-Hamas kết thúc, cần phải có tầm nhìn về những gì xảy ra tiếp theo. Và đó phải là giải pháp hai nhà nước”. Song, tình hình xung đột hiện nay khiến giải pháp hai nhà nước trở thành nhiệm vụ bất khả thi. Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, số người Israel và Palestine tin vào cách để “Israel và quốc gia Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình” ngày càng giảm. Khả năng lãnh đạo và ý chí chính trị vẫn là điều còn thiếu đối với cả hai bên. Mỹ vốn được xem là động lực của tiến trình hòa bình Trung Đông và ông Biden đang dồn sức giải quyết ổn thỏa xung đột ở Gaza. Nếu ông Biden để thua ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới, cơ hội khôi phục giải pháp hai nhà nước sẽ gần như bằng không.
Người Israel kêu gọi Thủ tướng Netanyahu từ chức
Trong bối cảnh đoàn kết dâng cao bất thường ở một đất nước bị phân cực sâu sắc, có “câu thần chú chính trị” mới đang gắn kết người Israel lại: “Thủ tướng Netanyahu phải ra đi”. Ngày 4-11, người biểu tình tụ tập bên ngoài nhà riêng của ông Netanyahu để kêu gọi ông từ chức. Thân nhân những người đang bị giam tại Gaza chỉ trích gay gắt phản ứng của chính phủ Israel và kêu gọi đưa các con tin về nhà.

THƯ LÊ

.