Quốc tế
Điểm nhấn trong quan hệ Mỹ- Ấn
Theo cấu trúc chính sách tổng thể trong Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ hiện nay, Ấn Độ được xem là điểm chốt chặn vô cùng quan trọng ở khu vực có vị trí đặc biệt này.
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại Mỹ vào tháng 6-2023, Tổng thống Joe Biden khẳng định, quan hệ ngoại giao giữa hai nước là “một trong những mối quan hệ tiêu biểu nhất của thế kỷ 21”. Các thỏa thuận đối tác mang tính chiến lược mà hai bên thông qua trong dịp này được cho là rất có lợi cho Ấn Độ, chủ yếu liên quan quốc phòng và công nghệ tiên tiến bởi cho phép New Delhi đẩy mạnh các phương tiện răn đe thích hợp để kiểm soát và ứng phó với các mối đe dọa an ninh từ các nước láng giềng. AP dẫn lời nhà báo Ấn Độ và chuyên gia về các vấn đề chính trị và ngoại giao Vaïju Naravane nhận định: “Nhà Trắng muốn xây dựng Ấn Độ thành bức tường thành để ứng phó với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc và điều đó đòi hỏi phải hiện đại hóa năng lực quân sự của Ấn Độ”. Chính vì vậy, Washington sẵn sàng dành cho New Delhi nhiều ưu đãi trong việc nâng cấp quốc phòng Ấn Độ.
Ngoài ra, Mỹ-Ấn đồng ý khép lại hàng loạt vụ kiện trước tòa trọng tài của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), qua đó mở ra cơ hội cho hai nước thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau thời gian dài bị tác động của Covid-19. Thương mại giữa hai quốc gia đã vượt 200 tỷ USD. Mặt khác, 270.000 sinh viên và 4,4 triệu Ấn kiều tại Mỹ cũng là nhân tố để thúc đẩy hợp tác. Việc siết chặt quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn cũng cho phép gia tăng sức mạnh của nhóm “Bộ Tứ kim cương” (QUAD bao gồm Úc, Nhật, Ấn và Mỹ). Cơ chế hợp tác này ngày càng quan trọng trong việc duy trì hòa bình và trật tự dựa trên luật lệ ở vùng biển Ấn Độ-Thái Bình Dương trước các mối đe dọa ngày càng rõ nét.
Đáng chú ý, trong bối cảnh tình hình quốc tế biến động khó lường, đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 lần thứ 5 Ấn Độ-Mỹ (gồm Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao) diễn ra gần đây tại New Delhi tạo nền tảng để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện giữa Ấn Độ và Mỹ thông qua thúc đẩy quan hệ công nghiệp quốc phòng, tăng cường can dự vào Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực chính như khoáng sản quan trọng và công nghệ cao. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh khẳng định, quốc phòng là một trong những trụ cột quan trọng nhất của mối quan hệ song phương Mỹ-Ấn hiện nay; đồng thời nhấn mạnh, mối quan hệ đối tác giữa hai quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo đảm “khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và tuân thủ luật lệ”. Ông Singh cũng cho biết, mối quan hệ song phương này ngày càng hội tụ các lợi ích chiến lược và tăng cường hợp tác quốc phòng, an ninh và tình báo.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Singh nêu rõ, bất chấp nhiều thách thức địa chính trị đang nổi lên, hai nước cần tập trung vào các vấn đề quan trọng và lâu dài. Ấn Độ mong muốn được hợp tác chặt chẽ với Mỹ trên các lĩnh vực xây dựng năng lực và quan hệ đối tác có thể giải quyết các thách thức. Quan chức hai nước khẳng định, định dạng “2+2” là động lực chính để tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn cầu toàn diện Mỹ-Ấn. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tái khẳng định lập trường của Mỹ mong muốn tiếp tục đổi mới công nghệ, năng lượng sạch và không gian để có tương lai tươi sáng hơn.
Nhìn từ góc độ chính sách, trong khi duy trì đầu tư chiến lược và tham gia cấp cao vào các khía cạnh an ninh- quốc phòng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Mỹ đã chú ý nhiều hơn đến thiết kế và thực thi chính sách cụ thể trong các lĩnh vực khác để đạt mục tiêu vạch ra. Đặc biệt, Washington đã đưa ra Khung kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì sự thịnh vượng và xây dựng nền tảng kinh tế để cùng các nước liên quan thúc đẩy chiến lược của mình. Vì thế, điểm nhấn trong quan hệ Mỹ-Ấn hiện nay chính là nâng tầm hợp tác quốc phòng vốn đóng vai trò số một dựa trên “bước đệm” kinh tế, khoa học công nghệ.
TUYẾT MINH