Quốc tế

Tranh cãi việc mở đàm phán Ukraine gia nhập EU

08:02, 14/11/2023 (GMT+7)

Khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) mở đàm phán cuối cùng về tư cách thành viên Liên minh châu Âu (EU) của Ukraine đang đối mặt với làn sóng tranh cãi ngay trong nội bộ khối. Một số nước thành viên đã phản đối quyết định táo bạo này. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev vào ngày 4-11. Ảnh : The Kyiv Independent
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev vào ngày 4-11. Ảnh : The Kyiv Independent

Việc EC “bật đèn xanh” đánh dấu cột mốc quan trọng trên con đường hội nhập phương Tây của Ukraine sau gần 18 tháng kể từ khi khối này chấp nhận Ukraine là quốc gia ứng viên, đồng thời là bước tiến địa chính trị đối với phương Tây. EU đang nỗ lực dỡ bỏ bớt rào cản từng có để đẩy nhanh tiến trình Ukraine và Moldova gia nhập hơn bình thường rất nhiều.

Quy trình chưa từng có tiền lệ

Trong báo cáo dài 1.200 trang về việc mở rộng khối 27 thành viên trong tương lai, EU cho biết, các cuộc đàm phán sẽ chính thức khởi động sau khi Ukraine thỏa mãn các điều kiện còn lại, nổi bật trong đó là việc giải quyết vấn nạn tham nhũng và tăng cường các biện pháp bảo vệ dân tộc thiểu số. Báo cáo cũng đề cập tiến độ tập trung vào những cải cách cần thiết ở 10 quốc gia đã xin gia nhập EU, bao gồm 6 quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Balkan (gồm Albania, Bosnia-Herzegovina, Montenegro, Bắc Macedonia, Serbia và Kosovo). Đây là tín hiệu cho thấy EU đã sẵn sàng về mặt chính trị để kích hoạt các cuộc đàm phán mang tính quyết định.

The Guardian dẫn lời Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, việc hoàn thiện liên minh lần này là “lời kêu gọi của lịch sử”, tạo đòn bẩy mạnh mẽ giúp thúc đẩy kinh tế và ổn định an ninh của khối. Nếu được tất cả thủ tướng các nước thành viên phê chuẩn tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 12-2023, quyết định lần này của EC có thể sẽ dẫn đến sự mở rộng lớn nhất của EU kể từ năm 2004, thời điểm khối này chào đón 10 thành viên mới, trong đó có Ba Lan, Cộng hòa Czech, các nước vùng Baltic và Hungary. Đáng chú ý, các quan chức EU đã xây dựng thời gian biểu mang tính biệt đãi cho Ukraine và nước láng giềng Moldova để giúp đường vào “mái nhà chung” ngắn hơn so với các ứng viên khác. Theo đó, quy trình đánh giá quy mô công việc liên quan đến việc đưa luật pháp EU vào các quy chế của Ukraine có thể giảm từ 2 năm xuống chỉ còn 6 tháng.

Bên cạnh đó, EU vẫn cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine trước nguy cơ nước này tuột mất khoản viện trợ khổng lồ từ Mỹ do những lục đục trong Quốc hội Mỹ cũng như sự chú ý của cộng đồng quốc tế đã dịch chuyển từ Ukraine sang Trung Đông sau khi xung đột Israel- Hamas nổ ra. Một quan chức EC tiết lộ với CNN rằng cơ quan này đề xuất hỗ trợ 50 tỷ euro cho Ukraine trong những năm tới.

Theo CNN, dù Ukraine hoan nghênh đề xuất của Brussels về việc đàm phán cởi mở và hoàn toàn mong đợi 27 quốc gia thành viên EU sẽ đồng ý và thông qua quan điểm này vào cuối năm nay nhưng khuyến nghị này đi kèm với một số cảnh báo mà Kiev sẽ khó “nuốt trôi” vào đúng thời điểm này, đặc biệt là xung quanh vấn đề chống tham nhũng.

Quan điểm bất đồng

Tuy nhiên, quyết định của EU vấp phải sự phản ứng gay gắt của một số nước, trong đó có Hungary, nước vốn có lập trường khác biệt với đa số các nước thành viên còn lại. Ngày 12-11, Daily News Hungary dẫn lời người phát ngôn đảng cầm quyền Fidesz của Hungary Istvan Hollik, cho biết chính phủ nước này phản đối đề xuất của EC. Ông Hollik nêu rõ: “Việc mở các cuộc đàm phán gia nhập với Ukraine, quốc gia đang có xung đột sẽ không thể chấp nhận được vì điều đó sẽ gây ra rủi ro an ninh cho toàn bộ châu Âu. Ngoài ra, việc Ukraine gia nhập sẽ tạo gánh nặng tài chính khổng lồ cho EU”. Các đảng cầm quyền ở Hungary vẫn ủng hộ nên tiếp tục cung cấp viện trợ nhân đạo cho Ukraine nhưng phản đối việc EU tiếp nhận Ukraine. Giới chức Hungary nhấn mạnh rằng quan điểm của nước này đối với cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine không thể liên quan đến việc EU “đóng băng” các quỹ hỗ trợ dành cho Hungary. Một số quốc gia khác, trong đó có Slovakia, có khả năng sẽ nối gót Hungary phản đối EU kết nạp Ukraine.

Một câu hỏi lớn đặt ra lúc này: vì sao EU bất ngờ đẩy nhanh tiến trình kết nạp Ukraine vào thời điểm nhạy cảm này? Giới phân tích cho rằng, giới chức EU đang xem xung đột Nga - Ukraine là cái cớ để thúc đẩy quy trình Ukraine gia nhập khối một cách nhanh chóng, thay vì phải thông qua các quy trình kéo dài nhiều năm như trước đây. Với sự góp mặt của Ukraine trong EU, khối này sẽ thiết lập mặt trận phía đông an toàn; đồng thời cho thấy khối này đã thành công khi thu hút các nước láng giềng của Nga, quốc gia đang dẫn đầu khối kinh tế Liên minh Kinh tế Á-Âu, qua đó kiềm chế tầm ảnh hưởng của Nga trong khu vực.

THƯ LÊ 

.