Quốc tế

Kỳ tích giải cứu trong đường hầm ở Ấn Độ

09:37, 30/11/2023 (GMT+7)

Người dân Ấn Độ vỡ òa cảm xúc khi 41 công nhân đã được giải cứu sau 17 ngày bị mắc kẹt trong đường hầm Silkyara dài 4,5km ở bang Uttarkashi bởi trước đó còn có lo ngại rằng chỉ có phép màu mới có thể đưa họ ra ngoài.

Thách thức trong giải cứu

Theo Press Trust of India, ngày 28-11, Lực lượng ứng phó thảm họa quốc gia Ấn Độ (NDRF) đã giải cứu được toàn bộ 41 công nhân mắc kẹt bên trong đoạn đường hầm cao tốc bị sập tại bang Uttarakhand, miền bắc nước này. Những công nhân này bị mắc kẹt kể từ ngày 12-11, khi lở đất khiến một đoạn đường hầm dài 4,5km mà họ đang xây dựng bị sập tại vị trí cách cửa hầm 200m. Lối ra duy nhất đã bị bịt kín bằng đất đá, bê-tông và các mảnh kim loại xoắn với chiều dài 60m. Những công nhân đã sống sót trong đoạn đường hầm dài khoảng 2km, cao khoảng 8,5m. Đội tìm kiếm, cứu nạn đã chuyển khí oxy, thực phẩm và nước uống cho những người mắc kẹt ở dưới thông qua đường ống hẹp chuyên dụng.

Theo RT, trong 17 ngày qua, giới chức Ấn Độ gấp rút triển khai nhiều phương án giải cứu các nạn nhân nhưng gặp nhiều khó khăn do điều kiện địa hình trên dãy Himalaya và thời tiết không thuận lợi. Khoảng 60 nhân viên quản lý thảm họa, 80 cảnh sát và 20 nhân viên cứu hỏa tham gia nỗ lực cứu hộ. Các chuyên gia quốc tế, trong đó có ông Arnold Dix, chuyên gia đào hầm người Úc nổi tiếng, cũng được huy động tham gia sứ mệnh này.

Ban đầu, các máy xúc tìm cách đào ngang qua đống đổ nát, chờ cung cấp ống thép rộng làm lối đi cho công nhân thoát ra khỏi đường hầm. Tuy nhiên, những tảng đá lớn cản trở quá trình này. Nhóm cứu hộ đã khoan ngang đoạn đường 60m toàn đất đá này nhưng khi chỉ còn cách nhóm công nhân mắc kẹt một đoạn ngắn nữa thì chiếc máy khoan lại hỏng vào ngày 24-11. Trước tình thế này, giới chức trách tiếp tục lên phương án đào thủ công vài mét cuối cùng, đồng thời khoan thẳng đứng xuống từ đỉnh núi cách nhóm nạn nhân 86m. Tuy nhiên, các nhà địa chất cảnh báo việc khoan thẳng đứng tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể làm suy yếu ngọn núi vốn dĩ mỏng manh, khiến thêm nhiều mảnh vụn rơi vào khoang đường hầm đã bị sập một phần.

Chiến công của người thợ “đào hang chuột”

Ngày 27-11, trong nỗ lực cuối cùng, NDRF phải nhờ đến sự chi viện của những người thợ đào hang bằng tay lão luyện, thường được gọi là thợ “đào hang chuột”. “Phép lạ” mà mọi người mong đợi đã thành hiện thực nhờ nhóm thợ này. Theo đó, họ sử dụng máy khoan thủ công để tạo lối mở qua những mét đất đá cuối cùng tới nơi nhóm công nhân mắc kẹt. Những người mở đường sống cho các thợ mỏ đã thực hiện công việc phi thường khi đào được 10m trong chưa đầy 24 giờ. Sau khi đào đến căn hầm, nhân viên cứu hộ, cứu nạn phải dọn sạch bên trong đường ống cứu hộ, trước khi bò vào bên trong, bắt đầu quá trình đưa 41 công nhân mắc kẹt ra ngoài an toàn.

Lực lượng cứu hộ sử dụng cáng có bánh xe để kéo từng công nhân ra ngoài thông qua đường ống rộng 90cm. Harpal Singh, thành viên lực lượng cứu hộ, cho biết, chiến dịch giải cứu chính thức có đột phá vào khoảng19 giờ ngàu 28-11, và công nhân đầu tiên được đưa ra ngoài vào một tiếng sau đó. Hàng chục nhân viên cứu hộ đã chờ sẵn ngoài hầm và xe cứu thương cũng được huy động để nhanh chóng đưa nạn nhân tới bệnh viện cách đó khoảng 30km. “Hầu hết các công nhân đã có huyết áp tăng cao do hoảng loạn và tuyệt vọng khi ở trong hầm quá lâu. Hiện, sức khỏe của tất cả công nhân đã ổn định.”, một trong những bác sĩ tiến hành kiểm tra cho biết.

Giới chức Ấn Độ bày tỏ sự vui mừng trước thông tin giải cứu thành công. Thủ tướng Narendra Modi đánh giá, đây là tấm gương tuyệt vời về lòng nhân đạo, tinh thần đồng đội. “Tôi cảm thấy hoàn toàn nhẹ nhõm và hạnh phúc khi 41 công nhân mắc kẹt trong đường hầm Silkyara được giải cứu thành công. Đây là nỗ lực được phối hợp tốt giữa nhiều cơ quan, là một trong những chiến dịch cứu hộ lớn nhất gần đây”, Bộ trưởng Giao thông Ấn Độ Nitin Gadkari nói.

Đường hầm bị sập là một phần của dự án đường cao tốc Char Dham đầy tham vọng trị giá 1,5 tỷ USD của Ấn Độ. Tuần trước, nhóm chuyên gia điều tra thảm họa cho biết, đường hầm không có lối thoát hiểm và có thể được xây dựng ở một đứt gãy địa chất được gọi là “vùng cắt”, có thể là nguyên nhân khiến hầm bị sập.

GIA NGHI

.