Quốc tế

Nga - NATO gia tăng bất đồng

08:07, 28/11/2023 (GMT+7)

Cuộc họp ngoại trưởng các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và cuộc họp ngoại trưởng đầu tiên của Hội đồng NATO - Ukraine diễn ra từ ngày 27 đến 29-11 tại Bỉ thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.

Thực tế, mối quan tâm của NATO hiện nay ở châu Âu vẫn là Nga. Để gây áp lực với Nga, NATO đã điều hàng ngàn binh sĩ, phương tiện tới các nước thành viên gần biên giới với Nga, gia tăng hiện diện lực lượng hải quân ở biển Đen và vùng biển Baltic. Ngoài ra, cuộc tập trận Strong Balkan 23 ở Albania quy mô lớn, bao gồm lực lượng tác chiến đặc biệt (SOF) từ các đồng minh NATO như Albania, Bulgaria, Hy Lạp, Montenegro, Bắc Macedonia, Romania và Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như các quan sát viên từ đối tác NATO là Bosnia và Herzegovina, vừa kết thúc.

Mặt khác, viện trợ quân sự của phương Tây dành cho Ukraine diễn biến chậm, thậm chí có nguy cơ đứt quãng, hay tương lai Ukraine gia nhập NATO luôn là vấn đề nhạy cảm trong quan hệ NATO - Nga. Châu Âu lo ngại, nếu NATO kết nạp Ukraine, điều này có thể kích hoạt xung đột vũ trang giữa Nga và NATO. Tuy nhiên, ngày 11-11, tờ Guardian dẫn lời cựu Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cho rằng: “Đã đến lúc thực hiện bước đi tiếp theo là mời Ukraine gia nhập NATO. Chúng ta cần kiến trúc an ninh châu Âu mới, trong đó Ukraine nằm ở trung tâm của NATO”.

Ngay sau đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, việc Ukraine gia nhập liên minh quân sự này là điều không thể chấp nhận được đối với Nga, dù là một phần hay dưới bất kỳ hình thức nào khác. Bà nhấn mạnh, từ trước đến nay, Nga vẫn luôn phản đối việc Ukraine gia nhập NATO vì cho rằng điều này sẽ gây nguy hại cho an ninh của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn tuyên bố, việc Ukraine gia nhập NATO là “lằn ranh đỏ” đối với Nga.

Động thái tiếp theo là Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi các nước thành viên nhanh chóng đáp ứng ngân sách quốc phòng như kế hoạch đề ra là 2% GDP để nâng cao sức mạnh của liên minh quân sự này trong bối cảnh tất cả cơ chế kiểm soát vũ khí chính đã không còn tồn tại. Bên cạnh đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Reuters ngày 23-11, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Hỗ trợ và Kích hoạt chung (JSEC) của NATO, Trung tướng Alexander Sollfrank kêu gọi thiết lập khu vực “Schengen quân sự” ở châu Âu để tạo điều kiện di chuyển nhanh chóng cho binh sĩ, thiết bị vũ khí trong trường hợp xảy ra xung đột. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov lập tức tuyên bố: “NATO liên tục chuyển cơ sở tới gần biên giới Nga. Điều này gây mối lo ngại cho chúng tôi và dẫn đến các biện pháp đối phó để bảo đảm an ninh quốc gia”.

Đặc biệt, cuộc họp của NATO lần này còn gây sự chú ý nhiều hơn khi Phần Lan, quốc gia vừa gia nhập NATO, mới đây đã đóng 7/8 cửa khẩu biên giới với Nga, viện cớ lý do an ninh. Cả Phần Lan và Latvia đang phàn nàn về việc Nga và Belarus đang cố ý đưa người xin tị nạn ồ ạt qua biên giới. Thủ tướng Phần Lan Petteri Orpo và Thủ tướng Latvia Evika Silina lần lượt cho biết: “Chúng tôi muốn gửi thông điệp rõ ràng tới Nga. Điều này phải dừng lại. Đối với chúng tôi, tại thời điểm này, đây không phải là vấn đề xin tị nạn. Đây là vấn đề an ninh quốc gia. Và nếu cần, Phần Lan sẵn sàng thực hiện biện pháp tiếp theo theo luật pháp quốc gia và theo nghĩa vụ quốc tế”.

Tuy nhiên, Nga bác bỏ tất cả cáo buộc của phương Tây khi cho rằng lực lượng an ninh biên giới của nước này vẫn tuân thủ mọi quy định hiện hành. Nga cảnh báo sẽ đáp trả các hành động mang tính thù địch đối với nước này.

Cuộc đối đầu giữa Nga với NATO diễn ra âm ỉ trên nhiều khía cạnh ngay sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc một thời gian, mà đỉnh điểm là cuộc xung đột Nga-Ukraine. Từ đó đến nay, NATO và Nga liên tục có các động thái đáp trả qua lại mà giới chuyên gia quân sự quốc tế dự báo ngày càng đến gần “nút thắt” về cuộc đối đầu trực tiếp.

TUYẾT MINH

.