Quốc tế

Gaza tạm yên với lệnh ngừng bắn

07:46, 27/11/2023 (GMT+7)

Sau hơn một tháng rưỡi sống dưới làn bom đạn, nguời dân ở Dải Gaza trở lại cuộc sống thường nhật yên bình hiếm hoi với “khoảng lặng” ngừng bắn giữa Israel và Hamas. Tuy nhiên, sự quan tâm nhất đang đổ dồn vào quá trình trao đổi con tin, tù nhân. 

Một bé trai Israel đoàn tụ cùng người thân sau khi được Hamas thả vào ngày 24-11. Ảnh: Reuters
Một bé trai Israel đoàn tụ cùng người thân sau khi được Hamas thả vào ngày 24-11. Ảnh: Reuters

Lệnh ngừng bắn ở Gaza có hiệu lực từ sáng 24-11 và kéo dài 4 ngày. Đây là bước tiến nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn, là bước đi quan trọng hướng tới xoa dịu nỗi đau của gia đình các con tin, tạo cơ hội cứu sống hàng trăm, thậm chí hàng nghìn sinh mạng và từng bước giải quyết khủng hoảng nhân đạo ở dải đất “địa ngục trần gian” này.

Thực thi cam kết trao đổi con tin

Theo AFP, các đợt trao đổi con tin, tù nhân giữa Israel và Hamas đang diễn ra theo kế hoạch dẫu có chút trục trặc liên quan đến tranh cãi về viện trợ khiến các bên trì hoãn cam kết. Trong ngày đầu tiên, 24-11, các con tin là công dân Israel được trở về gồm 4 trẻ em, 3 phụ nữ có con nhỏ, 6 phụ nữ lớn tuổi. Đồng thời còn có 10 công dân Thái Lan và 1 công dân Philippines cũng được Hamas phóng thích và trở lại Israel. Hãng thông tấn Palestine WAFA cho biết, trong đợt trao trả thứ hai, tối 25-11, Israel phóng thích 39 tù nhân người Palestine, gồm 6 phụ nữ và 33 trẻ vị thành niên. Israel cũng xác nhận  Hamas cùng ngày thả nhóm con tin thứ hai, gồm 13 công dân Israel và 4 công dân Thái Lan. Theo The Guardian, Hamas dự kiến thả nhóm con tin Israel thứ ba để đổi lấy tù nhân Palestine vào ngày tiếp theo.

Thỏa thuận ngừng bắn dù chỉ đem lại khoảng lặng tạm thời nhưng mang ý nghĩa rất lớn. Về mặt con số, mỗi con tin được thả là một mạng người được cứu sống và mỗi ngày ngừng bắn giúp nền kinh tế Israel tiết kiệm được khoảng 270 triệu USD. Còn đối với người dân vô tội Palestine, những ngày không bom đạn sẽ cho phép họ di chuyển an toàn đến các trại tị nạn để tránh bom đạn sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc, có cơ hội tiếp nhận nhiều hàng hóa và dịch vụ nhân đạo của cộng đồng quốc tế trong tình thế khốn khó này.

Trước đó, thỏa thuận có nguy cơ bị trật bánh khi cánh vũ trang của Hamas ngày 25-11 cho biết họ sẽ trì hoãn việc thả tự do cho đến khi Israel đáp ứng mọi điều kiện ngừng bắn, gồm cả cam kết cho phép xe viện trợ vào bắc Gaza. Việc cứu vãn thỏa thuận tốn một ngày với nỗ lực ngoại giao cấp cao do Qatar và Ai Cập làm trung gian, với sự tham gia của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Người phát ngôn của Hamas, Osama Hamdan, cho biết, chỉ có 65 trong số 340 xe tải viện trợ vào Gaza kể từ ngày 24-11 đến bắc Gaza, vốn “chưa đến một nửa so với những gì Israel đã đồng ý”. Lữ đoàn Al-Qassam, cánh vũ trang Hamas, cũng cáo buộc Israel  không tôn trọng các điều khoản trả tự do cho các tù nhân Palestine. Trong khi đó, quân đội Israel cho biết, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đang phân phối viện trợ tại Gaza. Có 61 xe tải chở thực phẩm, nước uống và vật tư y tế khẩn cấp đã đến bắc Gaza ngày 25-11, số lượng nhiều nhất kể từ khi xung đột nổ ra cách đây 7 tuần.

Ngừng bắn tạm thời là chưa đủ

Reuters dẫn lời quan chức Palestine đã hạ thấp mối đe dọa rằng thỏa thuận có thể sụp đổ khi cho rằng: “Không có mối đe dọa lớn nào đối với thỏa thuận. Các nhà hòa giải đang giải quyết mọi vướng mắc hàng ngày và hy vọng việc thực thi sẽ hoàn tất”. Tuy nhiên, vẫn có lo ngại thỏa thuận chỉ có hiệu lực trong vài ngày ít ỏi giữa hai bên thù địch và chưa đạt được các mục tiêu mong muốn sẽ chứa đựng nhiều rủi ro và có thể đổ vỡ bất cứ lúc nào.

Ngoài ra, một khi Hamas trả tự do cho toàn bộ con tin, quân đội Israel có thể đẩy mạnh chiến dịch đổ bộ, với trọng tâm là chinh phục hệ thống đường hầm dài hơn 500km của Hamas. Theo The Guardian, sở dĩ chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đồng ý lệnh ngừng bắn để trao đổi con tin vì họ muốn ngăn chặn sự bất mãn dâng cao của gia đình các con tin chi phối câu chuyện về chiến dịch quân sự của nước này tại Gaza, phần lớn vì lo ngại điều này sẽ làm chậm đà phản ứng của quân đội cũng như và mục tiêu chung là xóa bỏ Hamas vĩnh viễn. Theo Calcalist, chiến sự ở Gaza ước tính ban đầu tiêu tốn khoảng 50 tỷ USD, tương đương 10% GDP của Israel. Ngoài ra, quân đội Israel còn phải lo ứng phó với các mặt trận đáng lo khác, trong đó các cuộc tấn công do Hezbollah phát động.

Các bên quan sát đồng quan điểm rằng một lệnh ngừng bắn tạm thời như vậy là chưa đủ. Cuộc xung đột tại một trong những điểm nóng phức tạp nhất thế giới cần có một lệnh ngừng bắn lâu dài, tiếp đến là các giải pháp chính trị và ngoại giao, trong đó phải tính đến quá trình thực thi “giải pháp hai nhà nước”: nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại hòa bình với Nhà nước Israel.

Theo Wall Street Journal, thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở Gaza cho phép thả con tin, gồm cả người Mỹ, giúp Tổng thống Joe Biden thoát khỏi áp lực của Đảng Dân chủ vốn hối thúc ngừng bắn hoàn toàn, nhất là trong bối cảnh ông chuẩn bị cho cuộc đua tái tranh cử vào năm tới. Thỏa thuận cho thấy ông Biden vẫn duy trì ảnh hưởng đối với đồng minh Israel, buộc nước này phải điều chỉnh phản ứng quân sự ở Gaza; đồng thời ông đang đạt được tiến bộ trong khía cạnh ưu tiên trong Chính phủ Mỹ: đưa con tin người Mỹ trở về. Ông Biden nói: “Thỏa thuận sẽ mang thêm các con tin Mỹ về nước. Tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tất cả họ được thả”.

THƯ LÊ

.