Quốc tế
Thế giới tuần qua: Tín hiệu lạc quan trên Dải Gaza; Diễn biến đáng lo tại Bán đảo Triều Tiên
Việc Israel và các tay súng phong trào Hồi giáo Hamas đạt được thoả thuận ngừng bắn tạm thời; Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát và bất đồng biên giới giữa Phần Lan-Nga là những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần này.
Một trong số những con tin được Phong trào Hồi giáo Hamas trả tự do sau thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza, ngày 24-11-2023. Ảnh: AFP-TTXVN |
Kỳ vọng mong manh từ thoả thuận ngừng bắn Israel-Hamas
Thỏa thuận tạm ngừng bắn 4 ngày tại Gaza giữa Israel và lực lượng phong trào Hamas chính thức có hiệu lực từ 7h sáng 24-11 (giờ địa phương) nhằm tạo điều kiện cho các bên trao đổi con tin và tù nhân. Bên cạnh đó, trong khoảng thời gian này, cộng đồng quốc tế cũng tích cực đẩy mạnh việc đưa các chuyến hàng viện trợ lớn vào dải Gaza để giải quyết một phần cuộc khủng hoảng nhân đạo đang xảy ra.
Trong nhóm con tin đầu tiên được trả tự do sau thoả thuận ngừng bắn, Qatar và Hội Chữ thập đỏ thông báo Phong trào Hồi giáo Hamas đã thả 24 người, trong đó có một số phụ nữ và trẻ em. Dự kiến trong ngày 25-11, thêm ít nhất 42 tù nhân Palestine và 14 con tin ở Gaza sẽ được trao đổi.
Ngoại trưởng Qatar Majed Al Ansari thông báo trong số 24 người đầu tiên được Hamas trả tự do có 13 công dân Israel, một số mang hai quốc tịch, cùng 10 công dân Thái Lan và một người Philippines. Những con tin này được đưa sang Ai Cập thông qua cửa khẩu Rafah giữa nước này với Gaza. Phía Israel cũng thông báo đã nhận được danh sách các con tin mà Hamas sẽ tiếp tục trả tự do trong ngày 25-11.
Cùng lúc, Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) điều xe buýt tới nhà tù Ofer ở Bờ Tây để đón 39 tù nhân Palestine, bao gồm 24 phụ nữ và 15 trẻ vị thành niên.
Khoảng 1 giờ sau khi lệnh ngừng bắn tạm thời có hiệu lực, những xe tải chở hàng cứu trợ đầu tiên đã tiến vào Dải Gaza từ Ai Cập. Các bên trung gian thỏa thuận trao đổi con tin cho biết sẽ có 130.000 lít dầu diesel và 4 xe bồn chở xăng được đưa vào Dải Gaza mỗi ngày, cùng với 200 xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo.
Tại Dải Gaza, người dân cũng bắt đầu quay trở lại nhà tại các khu vực bị không kích trước đó, trong đó có thành phố Khan Yunis. Theo ghi nhận, gần 1 triệu người Palestine đã phải rời bỏ nhà cửa tới lánh nạn tại các cơ sở nhân đạo như bệnh viện và trường học do Liên hợp quốc (LHQ) vận hành.
Cộng đồng quốc tế kỳ vọng lệnh ngừng bắn tạm thời này là bước đi quan trọng, mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán mới cũng như các giải pháp ngoại giao nhằm hướng tới chấm dứt xung đột. Tuy nhiên, cho đến nay, cả Israel và Hamas đều để ngỏ khả năng xung đột sẽ còn leo thang hơn khi ngừng bắn kết thúc.
Trong khi Hamas kêu gọi mở rộng cuộc chiến chống Israel ở tất cả các mặt trận thì trong một tuyên bố ngày 22-11, Văn phòng Thủ tướng Israel cam kết tiếp tục cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo Hamas sau lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Tuyên bố nêu rõ: "Chính phủ Israel, quân đội và các lực lượng an ninh Israel sẽ tiếp tục cuộc chiến để mang về tất cả những người bị bắt cóc, loại bỏ Hamas và đảm bảo rằng không còn bất kỳ mối đe dọa nào đối với Nhà nước Israel từ Gaza”.
Căng thẳng Bán đảo Triều Tiên leo thang sau vụ phóng vệ tinh trinh sát
Tình hình căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên đang bị đẩy lên cao trong bối cảnh Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được Hàn Quốc và Triều Tiên ký kết năm 2018 nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới liên Triều trên bờ vực bị xé bỏ khi Hàn Quốc phản ứng do Triều Tiên phóng một vệ tinh do thám quân sự.
Ngày 23-11, Triều Tiên tuyên bố nước này sẽ ngay lập tức khôi phục lại tất cả các biện pháp quân sự mà đã tạm thời dừng lại theo thỏa thuận quân sự liên Triều năm 2018, sau khi Hàn Quốc đình chỉ một phần của thỏa thuận. Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố họ sẽ không bị kiềm chế bởi thỏa thuận quân sự và cảnh báo rằng Seoul sẽ phải trả giá đắt vì quyết định của mình.
Theo hãng tin Yonhap, ngày 22-11 Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc thông báo sẽ thực hiện các bước để tạm đình chỉ một phần thỏa thuận cũng như nối lại các hoạt động do thám và giám sát quanh khu vực biên giới liên Triều.
Thỏa thuận quân sự toàn diện (CMA) được hai miền Triều Tiên ký kết vào ngày 19-9-2018, kêu gọi dừng mọi hoạt động quân sự thù địch giữa hai bên, cũng như thiết lập các vùng đệm trên biển và biến khu vực phi quân sự (DMZ) thành vùng đất hòa bình, và nhiều biện pháp khác.
Bắt nguồn của sự căng thẳng trên là do Triều Tiên đã phóng thành công vệ tinh trinh sát Malligyong-1 lên quỹ đạo. Theo hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), tối 21-11, Triều Tiên đã phóng thành công loại tên lửa đẩy mới có tên là Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát từ Bãi phóng Vệ tinh Sohae ở quận Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan. Vệ tinh trinh sát Malligyong-1 sẽ chính thức bắt đầu sứ mệnh từ ngày 1-12 tới sau quá trình tinh chỉnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho rằng việc Triều Tiên tự phát triển vệ tinh trinh sát là một thành tựu lớn trong việc phát triển lực lượng vũ trang của nước này, đồng thời để ứng phó với những diễn biến mới trong khu vực.
Về phần mình, Mỹ-Nhật-Hàn ngay lập tức đã phản đối động thái của Triều Tiên, cho rằng vệ tinh được phóng bằng công nghệ tên lửa đạn đạo, điều mà họ cho là vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đồng thời tuyên bố sẽ có hành động đáp trả. Trong khi đó, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh tuyên bố Trung Quốc hy vọng tất cả các bên liên quan bình tĩnh và kiềm chế, đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho vấn đề này.
Khủng hoảng biên giới Nga-Phần Lan ngày một nghiêm trọng
Phần Lan đã tạm thời đóng toàn bộ cửa khẩu, ngoại trừ 1 trong 8 cửa khẩu dành cho hành khách sang Nga, để chặn dòng người di cư cao bất thường mà quốc gia Bắc Âu này cáo buộc do Moskva xúi giục người di cư đến khu vực biên giới giữa hai nước, nhưng phía Nga đã bác bỏ.
Trong tháng này, hơn 700 người di cư từ các nước như Yemen, Afghanistan, Kenya, Maroc, Pakistan, Somalia và Syria đã tràn vào Phần Lan qua Nga.
Sau khi đóng 4 cửa khẩu vào tuần trước, Phần Lan đêm 23-11 đã đóng toàn bộ những cửa khẩu còn lại dành cho hành khách, ngoại trừ cửa khẩu ở Raja-Jooseppi nằm ở phía Bắc vùng Bắc Cực, trong 1 tháng. Lực lượng biên phòng Phần Lan cho biết cửa khẩu Raja-Jooseppi đã mở cho các phương tiện giao thông và sẽ tiếp tục nhận đơn xin tị nạn trong 4 giờ mở cửa mỗi ngày.
Phản ứng trước động thái đóng cửa khẩu biên giới của Phần Lan, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã gửi công hàm phản đối chính thức tới Đại sứ Phần Lan tại Moskva. Theo chính quyền Nga, bước đi này của Phần Lan đã ảnh hưởng đến hàng chục nghìn người ở cả hai nước. Trong một thông báo vào ngày 20-11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko cảnh báo nếu Phần Lan đóng cửa biên giới, Moskva sẽ đưa ra các biện pháp ứng phó phù hợp với lợi ích quốc gia của mình.
Trong một diễn biến liên quan, Frontex - cơ quan bảo vệ biên giới và bờ biển của Liên minh châu Âu (EU) thông báo sẽ cử thêm các đơn vị đến Phần Lan vào tuần tới để hỗ trợ quốc gia Bắc Âu xử lý tình hình về dòng người di cư ở khu vực biên giới với Nga. Thủ tướng Na Uy Jonas Gahr Store cho biết quốc gia này sẵn sàng làm theo Phần Lan và đóng cửa trạm kiểm soát biên giới với Nga.
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340km với Nga. Mối quan hệ giữa Nga và Phần Lan đã xấu đi đáng kể sau khi xung đột ở Ukraine bắt đầu nổ ra vào tháng 2-2022. Phần Lan trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) từ mùa hè năm nay.
Cuộc chiến 'giằng co' Black Friday giữa nhà bán lẻ với người tiêu dùng
Tổng doanh số bán hàng trong kỳ săn sale lớn nhất năm nay tại Mỹ dự kiến giảm nhẹ so với năm ngoái, bởi vì người tiêu dùng đã phải gánh chịu hàng loạt yếu tố sức ép trong suốt cả năm, bao gồm giá cả tăng cao, việc bắt đầu trả lại các khoản vay dành cho sinh viên cũng như lãi suất ngân hàng và lãi suất thế chấp cao hơn.
Giới chuyên gia cho rằng người tiêu dùng vẫn thận trọng chi tiêu đối với từng mặt hàng giảm giá vì họ lo lắng về tình hình kinh tế, khi lạm phát vẫn cao và tác động của đại dịch Covid-19 chưa chấm dứt.
Các chuyên gia dự báo dòng người đổ xô đi “săn” hàng giảm giá vẫn sẽ đông đúc. Hiệp hội bán lẻ quốc gia Mỹ dự kiến có hơn 182 triệu người đi mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng và mua sắm trực tuyến vào cuối tuần này. Con số này chiếm khoảng hơn một nửa dân số Mỹ và cao hơn là 16 triệu người so với con số của năm 2022.
Trên thực tế, các cửa hàng cửa hiệu ở Mỹ đã áp dụng các chương trình giảm giá từ tháng 10. Điều này cũng phần nào cho thấy sự cạnh cạnh gia tăng giữa các doanh nghiệp bán lẻ trong cuộc đua giảm giá để giành giật thị phần, nhất là trên các nền tảng bán hàng trực tuyến.
Bà Randy Allen, giảng viên cấp cao của trường Kinh doanh SC Johnson thuộc Đại học Cornell (Mỹ) cho rằng các nhà bán lẻ lo lắng là điều rõ ràng, trong bối cảnh người tiêu dùng có xu hướng giảm chi tiêu. Đó là lý do vì sao các hãng bán lẻ đã kích hoạt chương trình giảm giá khuyến mại từ nhiều tuần qua.
Tuy nhiên, các nhà bán lẻ cũng không thể giảm giá quá sâu và làm cạn lợi nhuận trong quý cuối năm mang tính quyết định này. Bên cạnh đó, năm nay, tình trạng tồn kho của các thương hiệu cũng không ở mức tồi tệ như năm ngoái nên đồng nghĩa với việc họ không cần phải giao dịch ngay lập tức để giải phóng mặt bằng.
Theo Báo Tin tức