Đà Nẵng cuối tuần

Một ngày dành riêng cho cây, tại sao không?

17:12, 25/11/2023 (GMT+7)

Tuần qua, Kenya, một quốc gia ở phía đông châu Phi, khiến dư luận quốc tế bất ngờ và tán thưởng khi công bố chọn ngày 13-11 hằng năm là ngày nghỉ lễ chính thức của đất nước dành riêng cho việc trồng cây.

Em Isaac Molu, 11 tuổi, đang trồng một cây non trong ngày Chính phủ Kenya công bố sự kiện chọn ngày 13-11 hằng năm là Ngày trồng cây quốc gia. Ảnh: AFP
Em Isaac Molu, 11 tuổi, đang trồng một cây non trong ngày Chính phủ Kenya công bố sự kiện chọn ngày 13-11 hằng năm là Ngày trồng cây quốc gia. Ảnh: AFP

Trong thông báo, chính phủ Kenya cho biết ngày 13-11 sẽ là một “ngày lễ đặc biệt” để toàn dân tham gia trồng cây, coi đó là một biểu hiện của lòng yêu nước, góp sức vào các nỗ lực chung để chống nạn phá rừng cũng như những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Ngày này có tên chính thức là Ngày trồng cây quốc gia (National Tree Growing Day).

Tham vọng “xanh” của Kenya

Sáng kiến này là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Kenya là Chương trình phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan vốn có mục tiêu trồng và chăm sóc 15 tỷ cây cho tới năm 2032. Đó là cam kết của Tổng thống William Ruto đã công bố nhằm khôi phục và bảo tồn 10,6 triệu ha diện tích cảnh quan và hệ sinh thái của quốc gia đông Phi đã bị tổn hại thời gian qua.

Chính phủ Kenyaa thông báo đã chọn một địa điểm ở tầm quốc gia và 47 địa điểm khác tầm khu vực để phát động phong trào trồng cây. Ngay trong Ngày lễ trồng cây quốc gia đầu tiên của Kenya hôm 13-11 vừa qua, đã có rất đông công chức, sinh viên và hộ gia đình tập trung tại các địa điểm khác nhau ở thủ đô Nairobi để trồng cây bất chấp trời mưa xối xả. “Tôi đã trồng được khoảng 50 cây trong hôm nay.

Tôi nghĩ đây quả là một sáng kiến mạnh mẽ và cần thiết với hành tinh, nhất là sau khi trải qua một giai đoạn hạn hán kinh hoàng trong nhiều mùa liên tiếp”, ông Joan Kirika, một quan chức chính phủ Kenya nói với Hãng tin AFP. “Tôi hy vọng chúng ta sẽ tiếp tục kỷ niệm ngày này hằng năm, không nhất thiết phải như một ngày nghỉ lễ chính thức mà là một dịp nhắc nhở về việc hãy chăm sóc môi trường và nghĩ về trái đất”, ông Joan Kirika nói thêm.

Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO), trong giai đoạn từ năm 1990 đến năm 2010, diện tích che phủ rừng của Keny đã giảm một nửa, từ 12% xuống còn 6%. Tuy nhiên, vào năm 2022, số liệu của Cơ quan Dịch vụ lâm nghiệp Kenya cho thấy tỷ lệ này đã tăng lên 9% nhờ vào thành quả đóng góp bước đầu từ mọi người dân trong việc trồng cây gây rừng.

Dù vậy, do nhu cầu gỗ và than củi để phục vụ phát triển hạ tầng cũng như đáp ứng nhu cầu gia tăng của dân số vẫn khiến hoạt động khai thác rừng của quốc gia này không bền vững. Dù đã bớt lệ thuộc hơn vào củi đốt nếu so với các nước láng giềng là Tanzania và Uganda, nhưng đây vẫn là nguồn cung năng lượng chiếm tới 70% ở Kenya.

Không chỉ chuyện trồng cây

Theo Quỹ động vật hoang dã thế giới (WWF), chính phủ Kenya mong muốn diện tích bao phủ rừng của nước này đạt tới tỷ lệ 30% để có thể bảo tồn đa dạng sinh học tốt hơn, ổn định sinh kế của người dân, giúp môi trường bền vững hơn, cải thiện khả năng chống chọi linh hoạt trước biến đổi khí hậu và cải thiện phát triển kinh tế - xã hội. Hiện tỷ lệ bao phủ rừng của nước này khoảng 8,8%. Theo AFP,  ngành lâm nghiệp đóng góp 1,6% GDP của Kenya trong năm ngoái, và riêng ngành công nghiệp khai thác gỗ tạo công ăn việc làm trực tiếp cho khoảng 50.000 người và gián tiếp cho khoảng 300.000 người.

Tại Diễn đàn phục hồi Kenya tổ chức tại thủ đô Nairobi tháng trước, ông Martin Mulama, nhà quản lý của Chương trình phía nam Kenya tại Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới tại Kenya (WWF Kenya) nhấn mạnh vai trò chính của cộng đồng bản địa trong vấn đề này.

“Nằm ở trung tâm trong sáng kiến tham vọng 15 tỷ cây trồng này là các cộng đồng (bản địa - PV) - đó là những người bảo vệ tuyến đầu với cảnh quan và hệ sinh thái của chúng ta. Họ nên được tính tới, được can dự, được tham gia vào việc thực thi cũng như hưởng lợi từ chương trình Phục hồi hệ sinh thái và cảnh quan quốc gia”, ông Martin Mulama nói.

Trong thông điệp về Ngày trồng cây quốc gia, giới chức Kenya đã nhấn mạnh, việc đặt ra một ngày lễ chính thức toàn quốc như vậy không chỉ giới hạn trong việc khơi dậy phong trào trồng cây. Họ mong muốn điều này còn tạo nên một sự thay đổi nhận thức đáng kể, tạo ảnh hưởng tích cực và lâu dài lên môi trường cũng như nhắc nhở mọi người về trách nhiệm gìn giữ di sản thiên nhiên cho các thế hệ tương lai.

Ý tưởng tiên phong
Không ngạc nhiên khi quyết định của Kenya nhận được những phản hồi rất tích cực của giới chuyên gia môi trường. Họ cho rằng sáng kiến là động thái rất quan trọng giúp hệ sinh thái của nước này thêm bền vững. Nhiều chuyên gia kỳ vọng sáng kiến của Kenya sẽ trở thành ý tưởng tiên phong, một mẫu hình hành động vì môi trường cho nhiều quốc gia khác trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh các nỗ lực chống biến đổi khí hậu đang rất được quan tâm tại nhiều quốc gia như hiện nay.

ĐỖ DƯƠNG

.