Quốc tế
'Người bán hàng' năng nổ của Thái Lan
Kể từ khi nhậm chức vào đầu tháng 9-2023, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin liên tục công du nước ngoài và xuất hiện tại nhiều sự kiện xúc tiến đầu tư trong nước với một mục tiêu duy nhất: kêu gọi đầu tư để vực dậy nền kinh tế đất nước.
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin (bên trái) gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc vào tháng 10-2023. Ảnh: AP |
Với 9 chuyến công du toàn thế giới chỉ trong hơn 2 tháng, nhà cựu tài phiệt bất động sản đã gặp lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ông Srettha đã gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ông cũng thăm nhiều quốc gia khác ở Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Trung Đông, tiếp xúc với các nhà kỹ trị và các tập đoàn cũng như tổ chức doanh nghiệp lớn. Trong mắt giới quan sát, để vực dậy nền kinh tế đang ì ạch với mức tăng trưởng trung bình khoảng 1,87% trong 10 năm qua, ông Srettha đã chọn cách đột phá, thoát khỏi nhiều thông lệ lâu nay.
Đưa kinh tế quay trở lại lộ trình đúng hướng
Theo SCMP, ông Srettha là nhà lãnh đạo đầu tiên ở Thái Lan trong khoảng 4 thập niên qua đã kiêm nhiệm luôn ghế Bộ trưởng Tài chính. Ông cũng đang hành động như “nhà bán hàng” tích cực khi nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến thu hút khách du lịch, nhà đầu tư và làm bất cứ việc gì có thể để thúc đẩy kinh tế đất nước. “Nhiệm vụ cấp bách nhất của Chính phủ này là đưa nền kinh tế quay trở lại lộ trình đúng hướng và tạo nền tảng để Thái Lan thành công về lâu dài”, ông Srettha khẳng định mục tiêu quan trọng nhất của Chính phủ, cũng là của cá nhân ông tại hội nghị có sự tham gia của các doanh nhân trong và ngoài nước cùng nhiều nhà ngoại giao tại Bangkok vào đầu tháng 11-2023. “Thái Lan đang mở cửa và sẵn sàng cho thương mại. Không có thời điểm nào tốt hơn lúc này để đầu tư vào Thái Lan”, ông nói.
Tuần này, ông Srettha lại tiếp tục chuyến công du dài này nữa tới thành phố San Francisco, bang California (Mỹ). Tại đây, bên cạnh tham dự Tuần lễ cấp cao APEC, nhà lãnh đạo Thái Lan dự kiến thúc đẩy hoàn tất cam kết đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) của Mỹ. Tiếp đến, tháng 12-2023, ông Srettha tiếp tục có mặt ở Nhật Bản để thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của nước này tiếp tục “rót” vốn nhiều hơn nữa vào thị trường Thái Lan. Giới quan sát cho rằng, ông Srettha dường như đang áp dụng cách tiếp cận tương tự Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jnr, người cũng đã công du khắp thế giới để thúc đẩy thương mại và đầu tư sau khi lên nắm quyền.
“Ngoại giao kinh tế chủ động”
Ngoài những lúc công du nước ngoài, khi làm việc trong nước, ông Srettha cũng ngược xuôi như con thoi giữa các không gian làm việc, lúc ở phòng họp, khi đứng trên bục phát biểu của nhiều diễn đàn. Trong tất cả dịp đăng đàn đó, ông đều bày tỏ với các công ty nước ngoài cũng như những nhà đầu tư lớn về các mơ ước tham vọng của ông khi muốn đưa Thái Lan trở thành trung tâm của khu vực về công nghệ hiện đại và sản xuất giá trị cao.
Nhà lãnh đạo Thái Lan cam kết chính quyền của ông sẽ nỗ lực để chèo lái đất nước vượt qua giai đoạn “đa khủng hoảng” hiện nay của thế giới. Với riêng Thái Lan, quốc gia này cũng đã “loạng choạng” trong suốt một thời gian dài sau khi xảy ra những bất ổn chính trị rõ ràng tác động đáng kể niềm tin của giới đầu tư. Thái Lan vẫn đang vật lộn với tình trạng nợ công tăng cao, nợ nần của các hộ gia đình cũng ở mức kỷ lục. Bên cạnh đó cơ cấu dân số già cũng ảnh hưởng đáng kể năng suất làm việc của đất nước.
Ông Srettha gọi cách tiếp cận vấn đề của ông là “ngoại giao kinh tế chủ động”, và đó là hướng đi thiết yếu để thiết lập nền tảng cho sự phát triển về trung hạn và dài hạn của đất nước, giúp thu hút và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại và đầu tư nước ngoài.
Theo SCMP, trong thập niên qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Thái Lan đã thấp hơn so với các nước khác ở Đông Nam Á là Việt Nam, Malaysia và Indonesia. Năm ngoái, Thái Lan có mức tăng trưởng chậm nhất trong số các nền kinh tế hàng đầu của khu vực này.
Tham vọng kiến tạo tuyến vận tải mới Kế hoạch trọng điểm trong số những ý tưởng thu hút đầu tư nước ngoài gần đây của ông Srettha là dự án hạ tầng Land Bridge kết nối giữa các cảng nước sâu trên vịnh Thái Lan và biển Andaman (các vùng duyên hải ở phía đông và tây của miền nam Thái lan) để giúp hàng hóa thay vì vận chuyển đường biển lâu nay qua eo biển Malacca có thể chọn lộ trình trên bộ. Dự án trị giá khoảng 28 tỷ USD thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tác tại Trung Quốc và Saudi Arabia. Việc xây dựng dự kiến bắt đầu vào năm 2025 và mất khoảng 5 năm để hoàn thành. Khi dự án hoàn thành, hàng hóa đi từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương có thể rút ngắn thời gian tới 4 ngày và giảm chi phí vận chuyển tới 15%. |
TRẦN ĐẮC LUÂN